Nội dung nổi bật:
Người dân đang trông chờ phán quyết của Tòa án trong vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền của Huỳnh Thị Huyền Như. Liệu xử như thế nào mới thực sự là công bằng, mới không để lại những hậu họa khó lường về sau, ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn xã hội?
Giảng viên đại học Trần Kiên đã thử phân tích vụ án dưới góc nhìn kinh tế, và chỉ ra cái lợi cái hại của các phán quyết. Theo đó, phán quyết của Tòa án nên đặt lợi ích của cả nền kinh tế làm trọng, giữ vững sự sống còn của ngành ngân hàng bằng cách giữ vững “niềm tin” cho người dân.
Tòa án sắp đưa ra phán quyết vụ Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt tiền nhưng chắc chắn nó sẽ chưa khép lại ở đây mà sẽ còn có phiên tòa phúc thẩm hoặc đi xa hơn nữa là một số ngân hàng hoặc tổ chức có liên quan có thể sẽ kiện VietinBank trong một vụ kiện dân sự khác.
Đã có nhiều bài báo phân tích vụ án này dưới khía cạnh pháp lý. Ở đây người viết không phải là chuyên gia trong lĩnh vực pháp luật nên chỉ xin đưa ra góc nhìn vụ án dưới khía cạnh kinh tế.
Mọi người đều biết rằng nếu ngân hàng bị phá sản không trả được tiền cho người gửi thì ở hầu hết các nước, họ sẽ được nhà nước (thông qua một tổ chức nào đó của nhà nước hoặc do nhà nước đứng sau như FDIC ở Mỹ hay Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam) đền cho một khoản tiền nào đó (ở Việt Nam hiện nay là 50 triệu). Cái này gọi là “bảo hiểm tiền gửi”.
Như vậy, rõ ràng nhà nước đã ưu đãi ngành ngân hàng hơn các loại hình doanh nghiệp khác vì nếu một doanh nghiệp bình thường phá sản thì trong hầu hết các trường hợp, nhà nước không bỏ tiền ra đền. Vậy tại sao nhà nước lại có ưu đãi riêng cho ngành ngân hàng?
Đó là vì ngành ngân hàng hoạt động như một hệ thống (system) nên có đặc tính rủi ro hệ thống (system risk). Giả dụ vì một lý do nào đó, người dân mất niềm tin vào một ngân hàng và kéo đến đòi tiền khiến ngân hàng đó bị sụp đổ do không thể đủ tiền chi trả cho quá nhiều người một lúc.
Do sự lây lan tâm lý, khi một ngân hàng sụp đổ kéo theo sự mất niềm tin của nhiều người gửi tiền khác và họ cũng có thể ồ ạt kéo tới các ngân hàng khác đòi lại tiền gửi. Cuối cùng, sự sự sụp đổ của ngân hàng này có thể kéo theo sự sụp đổ dây chuyền của toàn bộ hệ thống ngân hàng (và qua đó gây khủng hoảng cho nền kinh tế) theo hiệu ứng domino.
Nói dài dòng thế là để hiểu đối với ngành ngân hàng thì “niềm tin” đóng vai trò sống còn, không có niềm tin thì chắc chắn không thể có hoạt động ngân hàng (trong từ “tín dụng” thì “tín” cũng là “niềm tin”. Người dân có “tin” vào ngân hàng thì mới đem tiền gửi vào ngân hàng và ngân hàng có “tin” người dân mới cho họ vay) và hệ thống tài chính – ngân hàng phải giữ “niềm tin” của người gửi tiền như con người phải giữ con ngươi của mắt mình vậy.
Quay lại với câu chuyện VietinBank, chúng ta hãy thử phân tích xem, trong hai kịch bản tuyên án sau đây, cái nào có lợi cho nền kinh tế hơn: (1) xử cho VietinBank vô can; (2) bắt VietinBank phải có trách nhiệm phần nào trong số 4000 tỷ mà Huyền Như đã lừa để xem lợi và hại cho nền kinh tế thế nào.
Trường hợp 1: Xử VietinBank vô can
Trường hợp này, tất nhiên VietinBank được hưởng lợi. Tuy nhiên sẽ gây ra những cái hại sau đây:
1/ Người dân mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng
Người dân bình thường thường không quan tâm tới các khía cạnh pháp lý rắc rối. Đối với họ, câu chuyện chỉ là mang tiền tới ngân hàng gửi (hoặc nhiều ngân hàng bây giờ sẵn sàng cho người tới nhà nhận tiền gửi nếu người dân có nhu cầu), có nhân viên ngân hàng ký nhận đàng hoàng xong giờ bị mất.
Nếu các ngân hàng phủi tay và đổ trách nhiệm do nhân viên lừa đảo, thì chắc chắn, rất nhiều người dân không dám gửi tiền ở ngân hàng nữa.
Thử tưởng tượng trường hợp người dân đi gửi xe ở bãi. Nhân viên giữ xe nhận xe và giao vé thật (hoặc làm giả) cho khách rồi sau đó dắt xe trốn luôn. Tới bắt đền thì chủ bãi xe nói là do “cá nhân” nhân viên lừa đảo nên họ không chịu trách nhiệm.
Tất nhiên nếu mang ra tòa kiện, trải qua các thủ tục pháp lý rắc rối và không minh bạch, chủ bãi xe có thể thắng nhưng uy tín của chủ bãi xe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không ai dám gửi xe ở đó nữa.
Doanh nghiệp trong nước và nước ngoài cũng mất lòng tin với ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nội địa vì cách chối bỏ trách nhiệm như vậy trái ngược hoàn toàn với văn hóa và pháp luật về kinh doanh thông thường trên thế giới.
Việc mất lòng tin như vậy chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả rất lớn và không lường được cho hệ thống ngân hàng khi người dân và các doanh nghiệp có thể không dám mang tiền gửi vào ngân hàng, ngân hàng không có tiền cho vay, các doanh nghiệp sẽ bị đói vốn. Các ngân hàng nội chắc chắn cũng sẽ bị thiệt hại hơn nữa vì khách hàng sẽ tín nhiệm ngân hàng ngoại hơn.
2/ Giới kinh doanh nước ngoài sẽ đánh giá môi trường kinh doanh ở Việt Nam nhiều rủi ro, không áp dụng theo tập quán quốc tế mà dùng “luật rừng”.
Điều này sẽ làm chi phí vay vốn từ nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên.Việc kinh doanh của ngân hàng Việt Nam với nước ngoài khó khăn hơn nhiều vì sự suy giảm niềm tin với các ngân hàng này.
>> Làm ngân hàng, ở Việt Nam sướng hơn Mỹ nhiều!
3/ Sẽ tạo ra “tâm lý ỷ lại” hay còn gọi là “rủi ro đạo đức” (moral hazard) đối với các ngân hàng.
Qua án lệ này, các ngân hàng thấy rằng họ hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm gây thất thoát tiền gửi của khách hàng bằng cách rất đơn giản là đổ cho cá nhân nhân viên sai sót hay lừa đảo. Điều này rất dễ vì chắc chắn thất thoát là phải do những con người cụ thể nào đó gây ra.
Như vậy các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhà nước thấy họ được hệ thống pháp lý bảo kê, sẽ không phải chịu trách nhiệm về tổn thất do nhân viên gây ra nên sẽ lơi lỏng hệ thống quản trị của mình và chắc chắn có thể gây ra nhiều vụ thất thoát vô ý hoặc cố ý trong tương lai.
Trường hợp 2: Xử theo hướng VietinBank phải có trách nhiệm (phần nào) với khoản thất thoát hơn 4000 tỷ của khách hàng.
Nếu vậy, VietinBank có thể phải chịu thiệt hại đáng kể, tuy nhiên, cái lợi đem lại cho nền kinh tế là hết sức lớn.
Thứ nhất, về tổng thể của nền kinh tế thì không thiệt hại gì cả vì tiền từ VietinBank sẽ chuyển trả lại cho các khách hàng và họ cũng lấy tiền đó để kinh doanh.
Thứ hai, khôi phục được lòng tin của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước về sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam. Chứng tỏ Việt Nam quyết tâm cải cách và hội nhập với các chuẩn mực kinh doanh quốc tế. Điều này rất quan trọng vì Việt Nam đang đàm phán gia nhập TPP mà trong TPP thì phải đối xử bình đẳng với mọi loại hình doanh nghiệp chứ không phải vì là doanh nghiệp nhà nước mà được ưu đãi hơn về mặt pháp lý.
Thứ ba, triệt tiêu tâm lý ỷ lại của các ngân hàng. Từ nay, các ngân hàng nhận thức được trách nhiệm của họ đối với nhân viên. Điều này ra sẽ tạo ra khuyến khích (incentive) tốt để cải thiện hoạt động và siết chặt hệ thống quản lý rủi ro, đồng thời sẽ giúp tạo ra những tổ chức tài chính lành mạnh hơn trong dài hạn.
Tóm lại, như đã nói ở trên, “niềm tin” là yếu tố quan trọng nhất để một hệ thống ngân hàng có thể hoạt động hiệu quả. Nhà nước đã sẵn sàng chi rất nhiều tiền để “bảo hiểm niềm tin” của người gửi tiền (thông qua bảo hiểm tiền gửi) và do đó, bất cứ phán quyết nào cũng cần ưu tiên giữ cho được “niềm tin” của người dân, của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào hệ thống ngân hàng.
Theo người viết, trong những vụ việc lớn và có hệ quả lâu dài thế này, nhà nước cần cẩn trọng, phải vượt lên trên lợi ích của một nhóm đối tượng cụ thể nào đó để đưa ra những quyết định đứng về lợi ích tổng thể và dài hạn của xã hội và cả nền kinh tế.
Những lời bào chữa rất khiên cưỡng như kiểu “tiền gửi không mang tới trụ sở ngân hàng nên ngân hàng chưa chính thức nhận” là không thể chấp nhận.
Trần Kiên
>> Vietinbank không phải bồi thường vụ Huyền Như
Theo Trí Thức Trẻ
2014-01-25 00:24:59