- Cuộc vây bắt bầu Kiên diễn ra như thế nào?
- Ngoài biệt thự ở Hội An, Huyền Như xin lại căn nhà khác
- ACB, từ đỉnh cao đến… “bước ngoặt” Huyền Như
- Đôi điều suy nghĩ từ vụ án Huỳnh Thị Huyền Như
- Bầu Kiên có bao nhiêu tài sản?
- Vụ “đại án” Huyền Như: Bí ẩn gần 4.000 tỉ đồng vì sao không thu hồi?
- Những sếp nào “thoát tội” trong vụ bầu Kiên?
Cùng một khoản tiền 718 tỉ đồng…
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) và nguyên thường trực Hội đồng quản trị ACB gồm các ông: Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn đã có hành vi “cố ý làm trái” trong việc ủy thác gửi tiền của ACB vào NH Công Thương (VietinBank), sau đó bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 718 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ACB. Vụ án này sẽ được TAND TP.Hà Nội xét xử sơ thẩm. Như vậy, cùng về vụ này (718 tỉ đồng của ACB), Huyền Như đã bị TAND TPHCM xét xử sơ thẩm về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong tổng số tiền chiếm đoạt gần 5.000 tỉ đồng.
Như chúng tôi đã phản ánh, sau khi tòa tuyên Huyền Như phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và có trách nhiệm trả tiền, VietinBank không chịu trách nhiệm, thì các tổ chức, NH, cá nhân có tiền gửi tại VietinBank đều kháng cáo, yêu cầu VietinBank chịu trách nhiệm trả tiền, chứ không phải Huyền Như.
Luật sư Đinh Văn Quế – nguyên Chánh Tòa hình sự TAND tối cao – cho biết: “Việc tòa sơ thẩm quyết định VietinBank không có trách nhiệm đối với số tiền mà khách hàng gửi vào hệ thống NH, không chỉ không đúng pháp luật, mà còn gây mất lòng tin của xã hội vào hệ thống NH, gây hoang mang, lo ngại cho khách hàng khi có tiền gửi vào NH. Công chúng đang chờ phán quyết của tòa phúc thẩm sắp tới”.
Mâu thuẫn lớn nếu chưa có phán quyết cuối cùng vụ Huyền Như
Như vậy, hai vụ án Nguyễn Đức Kiên và Huyền Như có chung tình tiết về 718 tỉ đồng tiền gửi của ACB tại VietinBank bị Huyền Như chiếm đoạt. Đồng thời, việc xác định trách nhiệm trả tiền của VietinBank là yếu tố quyết định trong cả hai vụ án. Nếu VietinBank phải trả tiền, thì Huyền Như có thêm tội danh “tham ô”, nhiều cá nhân khác tại VietinBank phải chịu trách nhiệm, tính chất vụ án Huyền Như tại VietinBank thay đổi, nhiều vấn đề phát sinh tương xứng với một vụ tham nhũng sẽ phải xử lý.
Nếu VietinBank phải trả tiền trong vụ án Huyền Như, trong đó có khoản tiền gửi của ACB, thiệt hại của hành vi “cố ý làm trái” trong việc ủy thác gửi tiền ở vụ án Nguyễn Đức Kiên sẽ khác đi, có thể là không có thiệt hại hoặc không phải thiệt hại toàn bộ 718 tỉ đồng.
Một vấn đề sẽ phát sinh, là trong khi vụ án Huyền Như đang bị kháng cáo, trong khi đó, nếu xét xử vụ án Nguyễn Đức Kiên trước khi có kết quả cuối cùng về vụ án Huyền Như, thì thiệt hại sẽ xác định thế nào? Đây là vấn đề mấu chốt, nếu TAND TP.Hà Nội quyết định Nguyễn Đức Kiên cùng các cá nhân cựu thành viên thường trực Hội đồng quản trị ACB “cố ý làm trái” gây thiệt hại 718 tỉ đồng cho ACB, nhưng sau đó đặt trường hợp tòa phúc thẩm quyết định VietinBank phải chịu trách nhiệm trả tiền cho ACB trong vụ án Huyền Như…, thì đây sẽ là mâu thuẫn rất lớn!
Do vậy, một vấn đề 718 tỉ đồng, nhưng lại được giải quyết bằng hai vụ án khác nhau (vụ bầu Kiên và Huyền Như), thì công lý được phán quyết chỉ khi vụ án Huyền Như ngã ngũ, mới xét xử vụ bầu Kiên công minh!
Theo Phùng Bắc
Lao động