Nhiều nơi ở Trung Quốc mật độ phân tử trong không khí cao hơn 10 lần giới hạn cho phép
Một người dân ở thành phố Thạch Gia Trang phía Bắc Trung Quốc được cho là muốn kiện chính quyền địa phương về tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Ông Lý Quý Tân đã gửi đơn khuyến nghị tới một tòa án ở tỉnh Hà Bắc gần Bắc Kinh.
Một tờ báo địa phương nói ông yêu cầu cơ quan môi trường của thành phố phải làm nhiều hơn nữa để kiểm soát màn khói bụi gây ngạt, vẫn thường bao phủ lên vùng trời phía Bắc Trung Quốc trong những tháng mùa Đông.
Ông cũng yêu cầu được đền bù.
Ông nói ông phải tốn tiền mua khẩu trang, mặt nạ, máy lọc khí và máy chạy bộ để tập thể dục trong nhà những lúc ô nhiễm trở nên đặc biệt tồi tệ.
Tòa án đang xem xét xem có chấp nhận vụ việc hay không. Vụ khuyến nghị đã bị một số tòa án khác ở cấp cao hơn từ chối.
‘Thiệt hại kinh tế’
Ông Lý Quý Tân cũng đòi đền bù chi phí mua khẩu trang, mặt nạ
Luật sư của ông Lý từ chối bình luận khi BBC liên hệ.
Nhưng ông Lý nói với một nhật báo: “Lý do mà tôi yêu cầu chính quyền đền bù là để mọi người dân biết được rằng trong đám khói bụi này chúng ta mới là nạn nhân thực sự.”
“Ngoài các đe dọa về sức khỏe, chúng tôi cũng phải chịu tổn thất kinh tế, và những thiệt hại này nên được chính phủ và cá cơ quan môi trường chịu trách nhiệm, vì chính phủ là nơi nhận tiền thuế của các tập đoàn: những người được hưởng lợi,” ông được trích lời.
Thạch Gia Trang cách thủ đô Bắc Kinh khoảng 260 cây số về phía Tây Nam, là khu công nghiệp bận rộn – một trung tâm sản xuất thép và hóa học.
Nồng độ khói bụi ở đây thường đạt tới mức báo động cao nhất – mức nguy hiểm – của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ô nhiễm nghiêm trọng xảy ra ở khu vực phía Bắc Trung Quốc trong sáu ngày qua, với những nơi mật độ phân tử cao gấp hơn 10 lần giới hạn an toàn cho phép của quốc tế.
Đại diện của WHO của Trung Quốc xác nhận rằng khói bụi dày đặc đã dẫn đến một cuộc “khủng hoảng”.
Dịp Tết nguyên đán 2014, chính quyền Bắc Kinh cũng đưa ra khuyến nghị người dân không đốt pháo do tình trạng ô nhiễm không khí ở mức báo động cao.
Một số nhà phân tích cho rằng, ô nhiễm không khí là một trong những hệ quả của tăng trưởng kinh tế quá nhanh của Trung Quốc.
Theo BBC