Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovich nói đã có thỏa thuận đình chiến với phe đối lập sau xung đột Kiev đã khiến 26 người chết. Tin đến sau việc Hoa Kỳ tăng áp lực ngoại giao bằng việc ngừng cấp visa vào Mỹ nhằm tới 20 quan chức Ukraina.
Phản ứng thận trọng với tìn đình chiến nói trên, tổng thống Mỹ Obama nói đó là bước tiến đáng mừng nhưng Nhà Trắng sẽ vẫn theo dõi tình hình sát sao để đảm bảo lời nói đi đôi việc làm.
Tình trạng ngừng chiến căng thẳng đang diễn ra giữa phe biểu tình và cảnh sát chống bạo động kéo dài tới đầu ngày thứ năm ở Kiev. Các ngoại trưởng của Đức, Pháp, và Ba Lan sẽ gặp ông Yanukovich hôm nay trước khi trở về Brussels tham dự cuộc họp ngoại trưởng EU bàn về lệnh trừng phạt có mục tiêu áp dụng cho xung đột bạo lực ở Ukraina.
Hôm thứ tư các đại sứ EU đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt của EU có thể gồm có đóng băng tài sản, cấm visa nhập cảnh, nhưng nghi ngờ hiệu quả của nó. Ngoài các biện pháp nói trên còn có lệnh cấp xuất khẩu thiết bị chống bạo động và vũ khí sang Ukraina.
Đi trước các đồng minh EU một bước, Hoa Kỳ đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh Mỹ với 20 quan chức Ukraina bị coi là “chịu trách nhiệm về các mệnh lệnh dẫn tới vi phạm nhân quyền và đàn áp chính trị,” theo quan chức Bộ Ngoại giao nói hôm thứ tư.
Không tiết lộ danh sách 20 người nói trên, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ nói giới hạn có thể bị tháo bỏ dễ dàng nếu tình hình cải thiện.
Áp lực ngoại giao quốc tế
Mặc dù quan chức ngoại giao EU có tính tới lệnh trừng phạt các nhân vật trong chính quyền Ukraina chịu trách nhiệm về việc dùng bạo lực quá mức, Yanukovich không nằm trong danh sách đó. EU muốn giữ các kênh đối thoại và đàm phán bỏ ngỏ.
Chính quyền Obama đã mời các nhà lãnh đạo hai nước Georgia và Moldova tới thăm Washington trong hai tuần tới để thể hiện ủng hộ của Hoa Kỳ với các nước láng giềng Nga trong diễn biến khủng hoảng ở Ukraina.
Trong lúc tham dự hội nghị thượng đỉnh Bắc Mỹ Obama kêu gọi các lực lượng vũ trang Ukraina đứng ngoài xung đột chính trị này và cảnh báo sẽ có hậu quả với ai “vượt phạm vi thẩm quyền”. Lầu Năm Góc nói can thiệp của quân đội Ukraina có thể làm hại mối quan hệ quốc phòng song phương.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đổ lỗi cho phương Tây đã khuyên khích phe đối lập cực đoan “hành động bên ngoài luật pháp.”
Tranh giành ảnh hưởng Nga-Phương Tây ở Ukraina phảng phất không khí của Chiến Tranh Lạnh.
Moscow tuyên bố hôm thứ hai sẽ phục hồi viện trợ cho Ukraina với cam kết sẽ mua 2 tỉ USD trái phiếu eurobond của nước này, chỉ vài giờ trước khi cảnh sát xung đột mạnh với người biểu tình. Khoản tiền này vẫn chưa đến Ukraina, do bị trì hoãn tới thứ Sáu vì “lý do kỹ thuật” theo nguồn tin chính phủ cho biết.
Đồng hryvnia của nước này đã chấp chới mức đáy trong năm năm qua, lại yếu đi tới ngưỡng hơn 9 hryvnia/usd, lần thứ hai trong tháng này.
Áp lực kinh tế chính trị trong nước
Do tính tới các lệnh trừng phạt quốc tế có thể áp dụng trong tương lai, các doanh nhân giàu nhất Ukraina đã tăng áp lực lên tổng thống Yanukovich để giảm mức sử dụng bạo lực và làm mọi điều có thể để giải quyết xung đột chính trị bằng đàm phán.
Nhà tài phiệt than và thép Rinat Akhmetov, người đã tài trợ một phần hoạt động bầu cử 2010 của ông Yanukovich, đưa ra các phát ngôn cuối ngày thứ ba. Theo đó “thương tích và tử vong của cả hai bên người biểu tình và lực lượng an ninh là cái giá không thể chấp nhận được của sai lầm chính trị.”
Ông Viktor Pinchuk một tỉ phú thép khác nổi tiếng về hoạt động từ thiện cũng có phát ngôn “Phải tìm thấy giải pháp hòa bình… Đây là lúc các bên phải dũng cảm bước tới thỏa hiệp.”
Dmytro Firtash, một nhà tài phiệt khí đốt và hóa chất, cùng là một đồng sở hữu của kênh TV Inter, đưa ra thông cáo “Chúng ta phải chung tay chấm dứt đổ máu. Chúng ta chống lại các hành động cực đoan dù là ai đi nữa.”