Trên những diễn đàn chia sẻ khá nổi tiếng ở Mỹ như 9Gag hoặc Reddit, thật không khó để tìm thấy những lời phàn nàn về các dịch vụ y tế của Mỹ. Đó không phải là lời chê về chất lượng dịch vụ hay khả năng của bác sỹ, hầu hết những lời than vãn của các thành viên những trang diễn đàn này đều vì một điều duy nhất: Hóa đơn viện phí cao khủng khiếp!
Một tờ hóa đơn viện phí được thành viên diễn đàn 9gag.com chia sẻ, trong đó anh này cho biết, viện phí một ngày nằm viện vì đau bụng của anh ta lên đế hơn 55.000 USD. |
Khó có thể tin chỉ nằm viện một ngày vì đau bụng mà hóa đơn viện phí lại có thể bằng tổng thu nhập một năm của một người lao động bình thường. Một thành viên của diễn đàn 9gag đã chia sẻ hóa đơn nằm viện trong một ngày của mình, trong đó các khoản viện phí trong vòng 24 giờ đồng hồ của người này bao gồm tiền phòng, tiền thuốc, phòng hồi phục, dịch vụ đi kèm, chụp CT, gây mê…v.v đều được tính đến hàng nghìn USD.
Đặc biệt, chi phí nằm tại phòng hồi phục lên tới 7.000 USD. Tổng chi phí mà thành viên diễn đàn này đã phải trả là 55.000 USD, sau khi trừ bảo hiểm, số tiền mà anh này phải trả cho bệnh viện là hơn 11.000 USD – một con số vẫn còn quá lớn cho một cơn đau bụng.
Ở Mỹ, viện phí được tính một cách vô tội vạ, không có các mức chi phí cụ thể cho các dịch vụ mà viện phí sẽ được tính cụ thể đối với từng bệnh nhân cụ thể.
Một khảo sát của Trường Đại học Y Harvard do Tiến sỹ Steffie Woolhandler và nhóm của ông đã tiến hành cho thấy, hầu hết viện phí của những người dân có thu nhập trung bình ở Mỹ phải chữa bệnh đều trên mức 5.000 USD/ hóa đơn.
Bảo hiểm y tế tư nhân – ác mộng của người nghèo Mỹ
Ở các bệnh viện của Mỹ, có một bộ phận tài chính chuyên tính tiền thuốc, chi phí và các dịch vụ y tế của bệnh nhân cho các công ty bảo hiểm. Điều đặc biệt là với mỗi công ty bảo hiểm, mức chi phí y tế là khác nhau. Nếu công ty bảo hiểm có “máu mặt”, mức viện phí cho từng hóa đơn có thể sẽ rẻ hơn so với các công ty bảo hiểm bình thường khác. Vì thế, ở Mỹ, sẽ có những trường hợp bị cùng một bệnh, cùng điều trị tại một bệnh viện, nhưng hai bệnh nhân đóng bảo hiểm ở hai công ty bảo hiểm khác nhau nên hóa đơn bảo hiểm y tế của hai người hoàn toàn khác nhau.
Tại Mỹ, người dân có thể mua các gói bảo hiểm tùy theo nhu cầu và điều kiện cá nhân. Trước khi Luật Bảo hiểm do Tổng thống Obama khởi xướng ra đời (Obamacare), chỉ có những người có điều kiện mới mua bảo hiểm y tế. Hiện tại, theo luật Obamacare, tất cả mọi người dân đều phải mua bảo hiểm y tế bắt buộc với mức tối thiểu. |
Nếu bạn là một người làm công ăn lương và có thu nhập ổn định, bạn sẽ thường không phải lo lắng nhiều đến bảo hiểm y tế. Bởi các công ty thường sẽ ký hợp đồng với người lao động đi kèm với các gói bảo hiểm phù hợp với điều kiện của công ty đó, bao gồm cả gói bảo hiểm dành cho cá nhân và bảo hiểm dành cho gia đình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp gói bảo hiểm chi trả quá thấp, thì với những hóa đơn viện phí lên đến hàng chục nghìn USD vẫn sẽ là “tai họa” đối với người dân Mỹ.
Nếu bạn là người nghèo, thu nhập không ổn định, bảo hiểm y tế luôn là một ác mộng. Trong khảo sát năm 2009 do nhóm của ông Woolhandler thực hiện, cho thấy trung bình mỗi năm nước Mỹ có 1,5 triệu người tuyên bố phá sản. Và khoảng 60% trong số này là vì hóa đơn viện phí. Họ chọn cách tuyên bố phá sản nhằm trốn tránh việc phải chi trả số tiền trên trời mà họ thấy trong các tờ hóa đơn.
“Đó thực sự là vấn đề lớn đối với những bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi. 78% trong số họ có bảo hiểm y tế, nhưng nhiều người trong số họ bị phá sản bởi những khoảng trống trong phạm vi bảo hiểm cũng như tiền thanh toán, tiền khấu trừ và các dịch vụ phát sinh”, tiến sỹ Woolhandler nói, “Có những người có bảo hiểm y tế, nhưng vì do ốm yếu, họ bị mất việc và mất luôn bảo hiểm và công ty đã cung cấp trước đó”.
Cả người giàu và người nghèo đều không thích Obamacare
Luật bảo hiểm mới cải cách Obamacare tạo điều kiện cho toàn dân Mỹ được hưởng bảo hiểm y tế, đó là một việc tốt, nhưng vì sao cả giới giàu và giới nghèo nước này đều không thích?
Tham vọng của Obamacare là có thể thu hút hơn 30 triệu người dân Mỹ đi mua bảo hiểm, cho dù phần lớn trong số họ sẽ không phải trải qua tình trạng ốm đau lần nào trong một năm. Việc xã hội hóa một chính sách ở quốc gia tư bản như Mỹ chính là vấn đề lớn. Với người nghèo, họ sẽ đặt câu hỏi: “Tôi không ốm đau gì, tại sao lại bắt tôi mua bảo hiểm y tế, trong khi chi phí mua chiếm tới 10% thu nhập của tôi?”.
Với người giàu, câu hỏi đặt ra cũng tương tự. Người giàu sẽ bị tính một khoản phí cao hơn dựa trên phần trăm thu nhập của họ. Trong suy nghĩ của họ, họ đang phải trả thêm một khoản thuế cho đất nước nhiều hơn để chăm lo sức khỏe cho người khác.
Sẽ ra sao nếu không thể trả viện phí
Có một lý do khiến cho ngành chăm sóc sức khỏe ở Mỹ đến nay vẫn chưa phải là “con quỷ hút máu” người đau ốm. Đấy là tất cả các bệnh viện đều phải đón tiếp bệnh nhân đến chữa trị và sẽ thu phí của người bệnh sau khi chữa trị xong.
Nếu như bệnh nhân không có khả năng thanh toán viện phí, các bộ phận hành chính liên quan ở nước Mỹ sẽ xem xét điều kiện cá nhân của họ, tìm mọi cách để có được số tiền này. Hầu hết họ sẽ bị tịch thu nhà cửa, tài sản tư nhân.
Một số trường hợp không có khả năng thanh toán sẽ được miễn trừ viện phí, tuy nhiên, họ sẽ bị xếp hạng tín dụng xấu, không thể vay tiền mua xe cộ và nhà cửa cũng như làm thẻ tín dụng thanh toán trong nhiều năm trời. Đây thực sự là một vấn đề gian nan đối với cuộc sống của người dân Mỹ bình thường.
Theo Phan Sương
Infonet
2014-02-02 19:24:50
Nguồn: http://cafef.vn/tai-chinh-quoc-te/dung-om-o-my-2014020309525346010ca32.chn