- HAG: Giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh hợp nhất và công ty mẹ Q4.2013
- Mía đường cứu cánh, Hoàng Anh Gia Lai ước lãi 950 tỷ đồng năm 2013
- Câu chuyện các doanh nghiệp thành công 2013
- Xuất khẩu sẽ không làm tăng giá đường trong nước
- HAG: Đính chính và bổ sung Báo cáo tình hình quản trị công ty 2013
- Các Bộ đồng ý đề xuất nhập khẩu đường sản xuất từ Lào của Hoàng Anh Gia Lai
- Xem thêm
Năm 2013 là một năm có quá nhiều sự kiện đáng nhớ đối với Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngay đầu năm, tập đoàn này khánh thành nhà máy chế biến mủ cao su và nhà máy mía đường tại tỉnh Attapeu, Lào. Đến tháng 6, HAGL bắt tay vào khởi công khu phức hợp HAGL Myanmar Center tại Yangon, dự án mà họ đã âm thầm mua đất từ nhiều năm trước với giá rất rẻ.
Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư khoảng 200 triệu USD. Nếu đúng tiến độ, đến cuối năm 2014, HAGL có thể khai thác giai đoạn 1 của dự án bao gồm 1 tòa nhà văn phòng và 1 khách sạn hơn 400 phòng. Hiện nay, giá bất động sản tại Yangon vẫn ở mức rất cao do nguồn cung chưa đáp ứng đủ.
Trong lúc HAGL đang tập trung cho dự án Myanmar thì một quyết định khá bất ngờ được đưa ra: HAGL sẽ rút khỏi hầu hết các dự án bất động sản ở trong nước. Bên cạnh đó, HAGL cũng lên chủ trương thoái vốn khỏi lĩnh vực thủy điện, khoáng sản và gỗ đá.
Khi hoàn tất tái cấu trúc, hoạt động kinh doanh của HAGL trong thời gian tới sẽ chỉ còn 2 mảng chính là dự án bất động sản tại Myanmar và nông nghiệp. Phần lớn các hoạt động này diễn ra ở nước ngoài (Lào, Campuchia và Myanmar).
Nông nghiệp lên ngôi
Trước năm 2013, mặc dù Hoàng Anh Gia Lai đã đầu tư vào rất nhiều lĩnh vực mới nhưng bất động sản vẫn là nguồn thu chính của tập đoàn này, đóng góp khoảng 60% doanh thu. Sang năm 2013, tỷ trọng này giảm xuống còn 9%, đạt 247 tỷ đồng.
Tính chung cả năm 2013, HAGL đạt xấp xỉ 2.770 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và lãi ròng sau thuế hơn 900 tỷ đồng. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là mía đường, chiếm 30%.
Mía đường trong năm đầu tiên đi vào hoạt động đã mang về cho HAGL xấp xỉ 840 tỷ đồng doanh thu. HAGL đang có vùng trồng mía nguyên liệu lên đến 10.000 ha và nhà máy ép có công suất 7.000 tấn mía/ngày.
Trong khi mía đường thu được thành công ngoài mong đợi thì doanh thu từ cao su vẫn còn khá khiêm tốn. Theo dự kiến ban đầu, HAGL sẽ thu về 512 tỷ từ cao su nhưng kết quả chỉ đạt 239 tỷ đồng – chiếm 9% tổng đoanh thu.
Như vậy mảng nông nghiệp gồm mía đường đã đóng góp 39% tổng doanh thu năm 2013. Dự kiến, nguồn thu từ 2 sản phẩm này sẽ tăng đáng kể trong năm 2014.
Một điểm đáng chú ý với lĩnh vực nông nghiệp của HAGL đó là tỷ suất lợi nhuận vượt trội. Tỷ suất lợi nhuận gộp của mía đường là 66% còn cao su là 69%, tức 1 đồng chi phí thu về 2 đồng lãi (chưa tính đến các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý). Chính vì tỷ suất lợi nhuận cao nên dù chỉ chiếm 40% doanh thu nhưng mang này đóng góp tới 60% tổng lợi nhuận.
Theo lý giải của HAGL, họ đầu tư mạnh cho công tác trồng và chăm sóc nên cây trồng mang lại năng suất cao hơn. Ngoài ra, HAGL cũng được hưởng nhiều ưu đãi của chính phủ Lào.
Đối với lĩnh vực điện năng, HAGL đã bán cả 6 dự án tại Việt Nam trong tháng 6/2013 nên doanh thu điện kể từ Q3/2013 là không đáng kể.
Hiện HAGL tiếp tục xây dựng dự án Nậm Kông 2 tại Lào với công suất 66MW. Dự án này có thể xem xét bán tiếp hoặc giữ lại tùy theo điều kiện. Ngoài ra, HAGL còn có nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía có công suất 30MW nằm trong tổ hợp nhà máy mía đường.
Các nguồn thu còn lại chủ yếu là những lĩnh vực truyền thống như Xây dựng, Dịch vụ, Kinh doanh hàng hóa, Khoáng sản…
Theo Kiến Khang
CafeBiz/Trí Thức trẻ