Phần cứng:
Cả hai thiết bị được mang lên sàn đấu lần này đều sở hữu cấu hình camera thuộc vào hàng “khủng” hiện nay. Trong khi Nokia tự tin với công nghệ độc quyền PureView vốn từng rất thành công trên Lumia 1020 thì N1 lại sở hữu tính năng độc với chỉ duy nhất một camera có thể xoay 206 độ quanh thân máy. Nếu như Lumia 1520 có phím kích hoạt chế độ chụp ảnh nhanh ở cạnh phải thì ở N1, người dùng có thể xoay camera để máy tự động mở ứng dụng camera mặc định. Theo Oppo, khớp xoay camera ở chiếc máy này có độ bền cao, lên tới 7 năm nếu người dùng xoay trung bình 40 lần mỗi ngày. Có lẽ không nhiều người dùng thay đổi liên tục chế độ camera trước và sau nên độ bền của khớp xoay này cũng không phải là vấn đề đáng bận tâm và 7 năm cũng là một thời gian dài đối với vòng đời một chiếc điện thoại.
Với độ phân giải 20 MP, Lumia 1520 đem lại hình ảnh có độ chi tiết cao và càng sắc nét hơn nhờ được trợ lực bởi hệ thống chống rung quang học (OIS – Optical Image Stabilization). Có độ phân giải thấp hơn là 13 MP và kích thước cảm biến cũng nhỏ hơn so với 1/2.5 inch của Lumia 1520, camera của Oppo N1 ghi điểm nhờ kích thước nhỏ gọn hơn, không bị nổi lên so với bề mặt máy nhưng lại có vẻ yếu thế hơn về mặt thông số. Việc đặt camera ở sát đỉnh máy giúp cho N1 có lợi thể hơn cho việc sáng tạo khi chúng ta có thể thực hiện những cảnh chụp ở sát mặt đất và cũng không lo việc camera của máy sẽ bị che bởi ngón tay trong quá trình sử dụng.
Phần mềm:
Với hệ điều hành ColorOS (tùy biến từ Android) của Oppo N1, người dùng ngoài việc sử dụng ứng dụng chụp ảnh mặc định còn có thể tìm tới nhiều lựa chọn phong phú và chuyên nghiệp hơn trong việc chụp cũng như chỉnh sửa nhanh như Camera360, Photosynth… thì Windows Phone lại chỉ có một số ít lựa chọn thật sự có giá trị như Instagram hay Fotor.
Tuy vậy, hệ thống ứng dụng chụp ảnh được phát triển bởi Nokia lại gây ấn tượng bởi khả năng chụp tự động tốt bên cạnh hệ thống tùy chỉnh tay (manual) đa dạng, thích hợp cho người dùng có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh số và cũng như có kiến thước cơ bản về nhiếp ảnh.
Trái lại, ứng dụng chụp ảnh của Oppo N1 lại phù hợp hơn cho đa số người dùng phổ thông với nhiều tiện ích thú vị như làm đẹp da, trang điểm. Cả hai máy đều có khả năng chụp phơi sáng (long exposure) với thời gian tối đa lên tới 8 giây.
Lumia 1520 cũng là chiếc smartphone chụp ảnh đầu tiên có khả năng xuất ảnh RAW. Với định dạng ảnh DNG này, người dùng sẽ có những bức ảnh chứa nhiều dữ liệu hơn, thích hợp cho việc chỉnh sửa hậu kỳ, lưu niệm.
Ngoài ra, Lumia 1520 cũng có khả năng xử lý ảnh chụp tốt hơn người tiền nhiệm nên việc sử dụng trực tiếp những bức ảnh từ chiếc máy này để tải lên mạng xã hội hay chia sẻ cũng khá tiện lợi. Một điểm cộng khác của Lumia 1520 so với N1 nằm ở tốc độ chụp và xử lý ảnh nhanh hơn khá nhiều, nhờ vậy chúng ta có thể “tác nghiệp” một cách dễ dàng hơn trong mọi tình huống.
Chất lượng ảnh:
Qua thực tế sử dụng, ảnh chụp từ Oppo N1 có xu thế cho độ sáng cao hơn thực tế. Trái lại, Lumia 1520 đem lại ảnh chụp có màu sắc dịu nhẹ nhưng lại có thể tối hơn với mắt nhìn. Để ý kỹ hơn, Lumia 1520 cho dải sáng rộng hơn, có nghĩa là không có quá nhiều khác biệt giữa khu vực quá tối và quá sáng trong cùng môi trường chụp là ban ngày.
Nói cách khác, Oppo N1 cho ảnh chụp ban ngày có xu hướng “cháy” và người dùng nên sử dụng tính năng chụp HDR để khắc phục nhược điểm này.
Oppo N1
Lumia 1520
Dù cho ra ảnh chụp với ánh sáng gần với thực tế hơn nhưng Lumia 1520 lại mắc phải nhược điểm ở khả năng cân bằng trắng. Nếu như trong điều kiện đủ sáng, khung cảnh đơn giản thì màu sắc ảnh chụp của chiếc máy này rất chân thực và 9/10 người sẽ lựa chọn chiếc máy này thay cho Oppo N1. Tuy vậy, Lumia 1520 lại có xu hướng cân bằng trắng sai trong những khung cảnh ánh sáng phức tạp, đặc biệt là khi chụp cảnh tối trời hay thiếu sáng. Đây là một nhược điểm đã tồn tại từ Lumia 1020 và dù chúng ta có thể chỉnh sửa dễ dàng nhưng Nokia cũng nên đưa ra biện pháp khắc phục trong những bản cập nhật tới.
Do được tính hợp khả năng chống rung quang học cùng cảm biến lớn hơn nên khả năng chụp thiếu sáng của Lumia 1520 có phần nhỉnh hơn so với Oppo N1. Trong cùng một điều kiện chụp, mặc dù có thể cân bằng trắng sai do có nhiều nguồn sáng phức tạp (như đã nói ở trên) nhưng ảnh chụp từ Lumia 1520 vẫn cho độ chi tiết cao hơn và mịn hơn nhờ hỗ trợ khử nhiễu tốt. Mặc dù vậy, ảnh chụp tối của N1 cũng là khá tốt với việc giữ được màu sắc chân thực. Cả hai thiết bị đều hỗ trợ khả năng chụp phơi sáng.
Oppo N1
Lumia 1520
Kết luận:
Nhìn chung, cả Lumia 1520 và Oppo N1 đều là những lựa chọn smartphone chụp ảnh sáng giá. Trong khi Lumia 1520 có phần nhỉnh hơn về chất lượng ảnh chụp thì người dùng N1 lại có thể tự hào ở độ độc và khả năng sáng tạo của camera có thể xoay 206 độ.
Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể cân nhắc giữa tính tiện dụng của nền tảng Android trên N1 hay thử sức với hệ điều hành đang lên Windows Phone 8 với hệ thống ứng dụng hữu ích được phát triển bởi Nokia trên Lumia 1520.
Một số ảnh chụp khác từ Oppo N1:
Ảnh chụp từ Lumia 1520 (Có thể xem thêm tại đây):