Chúng ta thường “chê” con số thống kê của Việt Nam không đáng tin nhưng cũng có một thực tế là nhiều người sử dụng con số nhưng chưa chắc đã hiểu rõ cách thức tính ra con số ấy để có thể sử dụng đúng mục đích và hợp lý.
Nhân dịp vừa qua, Tổng cục Thống kê công bố việc điều chỉnh lại số liệu GDP, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Việt Nam.
PV: Thưa ông, vừa qua một số tờ báo có đăng “Tổng cục thống kê thừa nhận sai sót khi tính chỉ tiêu GDP”. Những người chưa hiểu rõ thì cho rằng Tổng cục thống kê sẽ “tính lại GDP” từ năm 2013 trở đi. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không?
Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước hết, đây không phải là tính lại. Phương pháp tính GDP là theo chuẩn quốc tế được Tổng cục Thống kê (GSO) áp dụng ngay từ năm 1992 – khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định tính GDP.
Theo thông lệ quốc tế có ba phương pháp tính chỉ tiêu GDP, đó là: Phương pháp sản xuất tiếp cận từ các đơn vị sản xuất phân tổ theo ngành kinh tế để tính giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm; Phương pháp thứ hai là phương pháp sử dụng được tính trên góc độ cầu của nền kinh tế bao gồm ba yếu tố: tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình và nhà nước; tích lũy tài sản cố định và tài sản lưu động; và chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Phương pháp thứ ba là phương pháp thu nhập.
Từ năm 1992 đến nay, Tổng cục Thống kê áp dụng phương pháp thứ nhất để tính GDP hàng quý và cả năm; phương pháp thứ hai áp dụng tính cho GDP cả năm. Cho nên lần này không phải là thay đổi cách tính mà dựa trên thông tin đầy đủ hơn từ Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp để tính toán cho đầy đủ phạm vi. Cuộc tổng điều tra này là điều tra toàn bộ nên thu được kết quả chính xác hơn, đầy đủ hơn. Do tốn kém kinh phí nên 5 năm mới làm một lần. Và số liệu từ cuộc tổng điều tra là cơ sở để điều chỉnh số liệu cho các năm trước. Nước nào cũng thế chứ không chỉ Việt Nam, vì vậy tôi khẳng định là phương pháp tính hoàn toàn tuân thủ như các năm trước.
Từ trước đến nay, ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và khấu hao nhà tự có tự ở cũng đã được tính vào GDP rồi, nhưng trước đây dựa vào báo cáo tài chính của ngân hàng và điều tra mẫu rồi suy rộng. Nhà tự có tự ở thì dựa vào điều tra dân số nhà ở của giai đoạn trước.
Ở Việt Nam đã có 3 cuộc tổng điều tra lớn: tổng điều tra dân số và nhà ở được thực hiện vào những năm có số tận cùng là “9”, tổng điều tra cơ sở kinh tế hành chính sự nghiệp thực hiện vào những năm có số tận cùng là “2” và “7”, tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản thực hiện vào năm có số tận cùng là “1” và “6”. Cách của chúng tôi là dựa vào cuộc tổng điều tra ấy để điều chỉnh lại số liệu của năm trước.
Quay trở lại việc tính toán đủ hơn số liệu ở ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, năm 2012 có được số tổng điều tra thì chúng tôi thực hiện việc điều chỉnh lại. Tức là không phải tính mới hay bổ sung thêm, mà là tính rồi nhưng giờ điều chỉnh cho đầy đủ. Việc này thể hiện trách nhiệm của Tổng cục Thống kê và tính công khai minh bạch về mặt con số, cách tính toán. Khi điều chỉnh xong năm 2013, chúng tôi tính lại số liệu từ 2004. Con số tuyệt đối từ 2004 đến 2013 là con số mà chúng tôi đã điều chỉnh.
Ông có thể nói rõ hơn là việc tính bổ sung ngành ngân hàng tài chính bảo hiểm và khấu hao nhà tự có tự ở sẽ ảnh hưởng như thế nào đến quy mô GDP trong từng phương pháp tính GDP?
Việc điều chỉnh này chỉ gây ảnh hưởng trong phương pháp sản xuất. Quy mô GDP sẽ tăng lên. Hai phương pháp còn lại không bị ảnh hưởng.
Ở Việt Nam, cũng như các nước có trình độ thống kê ở mức trung bình khá thì phương pháp tính GDP thường là phương pháp sản xuất.
Vậy việc điều chỉnh này có làm thay đổi những con số tương đối như tốc độ tăng trưởng GDP không, thưa ông?
Việc điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến con số tốc độ tăng trưởng. Nhưng với phạm vi của ngành tài chính ngân hàng bảo hiểm thì ảnh hưởng không lớn lắm.
Phải nhớ rằng số liệu thống kê có 3 loại: số ước tính, số sơ bộ và số chính thức. Khi thực hiện việc điều chỉnh như trên, chúng tôi sẽ tính lại tốc độ tăng trưởng của con số chính thức.
Nếu như vậy, những người đã lưu trữ số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố hàng năm từ các năm trước để sử dụng – những con số chưa được điều chỉnh, thì sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Hàng năm, Tổng cục Thống kê đều công bố và xuất bản cuốn “Niên giám thống kê” đầy đủ số liệu sơ bộ, chính thức. Tôi nói lại là việc bổ sung thêm phần số liệu ngành tài chính, ngân hàng, nhà tự có tự ở đã được điều chỉnh lại từ 2004 đến nay. Số liệu trên trang thông tin điện tử của Tổng cục Thống kê (website) cũng được sửa lại theo Niên giám. Cho nên những người sử dụng để dự báo, làm mô hình cũng cần phải biết là khi có sự điều chỉnh như vừa rồi, thì phải lấy số liệu mới nhất từ Niên giám thống kê. Người dùng thông tin cần phải cập nhật thường xuyên.
Thưa ông, khi GDP được điều chỉnh thì những chỉ tiêu như bội chi ngân sách, nợ công, vốn đầu tư… thường được lên kế hoạch dựa trên GDP, mà cụ thể là của năm 2014 này cũng sẽ thay đổi?
Đúng vậy. Khi điều chỉnh, quy mô GDP tăng lên thì con số tuyệt đối của những chỉ tiêu này cũng tăng lên thôi.
Ông có thể giải thích việc GDP các tỉnh thường cao, còn GDP cả nước lại thấp không?
Đây là câu chuyện về mặt tính toán để phục vụ quản lý, điều hành, xây dựng kế hoạch, chính sách phát triển của cả nước cũng như từng tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương. Còn về phương pháp luận của thống kê quốc tế không tính GDP theo tỉnh, thành phố bởi vì việc tính toán GDP theo phương pháp sản xuất dựa vào việc thu thập thông tin của các đơn vị cơ sở (Đơn vị cơ sở trong thu thập thông tin của thống kê đó là đơn vị chỉ thực hiện một laoij hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động chỉ diễn ra ở một nơi).
Hiện nay, Tổng cục Thống kê chưa thu thập thông tin một cách tốt nhất theo các đơn vị cơ sở, ví dụ một Doanh nghiệp xây dựng có trụ sở chính tại Hà Nội nhưng trúng thầu các công trình ở Hải Phòng và Nghệ An, về nguyên tắc để tính đúng và tính đủ GDP cho các tỉnh thì số liệu về hoạt động xây dựng của doanh nghiệp này phải tách riêng từng công trình tại Hà Nội, từng công trình tại Hải phòng và tại Nghệ An để tính kết quả hoạt động xây dựng của từng công trình ấy vào GDP của Hà Nội, của Hải Phòng và của Nghệ An. Tuy vậy khi thu thập thông tin qua báo cáo quyết toán của doanh nghiệp, họ không báo cáo số liệu tách ra theo công trình cho từng tỉnh, điều này gây nên việc “tính trùng” hoặc tính thiếu GDP cho các tỉnh.
Nhưng ở Việt Nam, theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Luật Tổ chức Ủy Ban nhân dân, UBND tỉnh thành phố được giao nhiệm vụ quản lý và điều hành chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đặt rất nặng việc phát triển kinh tế. Cho nên để phục vụ cho lãnh đạo tỉnh trong việc điều hành, phải tính GDP tỉnh.
Một bất cập nữa là việc chỉ đạo điều hành của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bị ảnh hưởng bởi thành tích, các tỉnh, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng rất cao mà không dựa vào năng lực sản xuất hiện có của tỉnh mà thực chất thì năng lực của các địa phương không cho phép năm nào cũng tăng 2 con số như vậy.
Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu để báo cáo với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng sẽ trình Thủ tướng phê duyệt cho Tổng cục thống kê tính GDP của các tỉnh. Quy trình là đến năm 2016, Tổng cục Thống kê sẽ đưa ra con số chính thức về GDP của các tỉnh.
Thế thì theo quan điểm cá nhân của ông, con số GDP của các tỉnh có cần thiết không?
Tôi thấy vẫn cần để phục vụ cho quản lý điều hành của Lãnh đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cũng là việc thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy Bạn nhân dân. Điều quan trong là có giải pháp khắc phục những bất cập cả về chuyên môn thống kê và ngoài thống kê để có được chỉ tiêu GDP của tỉnh, thành phố với chất lượng tốt hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông.
Hải Minh
Theo Trí Thức Trẻ