Bài báo mở đầu bằng việc mô tả cảnh các cán bộ đang dỡ xuống các két bạch tửu (baijiu) – loại rượu quý được giai cấp thượng lưu ưa chuộng, và những cây thuốc lá từ hai chiếc BMW đen sang trọng. Sau bốn tiếng đồng hồ rong ruổi từ Bắc Kinh, đích đến của các vị công bộc là một tiệm ăn nhỏ bé của một ngôi làng hẻo lánh thuộc tỉnh Hà Bắc, với quyết tâm « ăn chơi nhảy múa ». Các « đầy tớ của dân » tưng bừng mừng tất niên tại đây, tránh xa những cặp mắt dòm ngó tại thủ đô, trước các quy định mới của Đảng nhằm chống tham nhũng.
Dù chiến dịch « diệt cả ruồi lẫn cọp » của Tập Cận Bình có phần nào làm hỏng không khí hội hè, đối với các vị « đầy tớ » này thì không có việc hủy bỏ tiệc tất niên năm Giáp Ngọ. Ban đầu có hơi ngần ngại khi thấy nhóm người phương Tây, nhưng rồi họ ồn ào ngồi vào bàn và kêu vô số món ăn. Một người nói : « Không có vấn đề gì về chứng từ phí xăng dầu, chúng ta đã đi đường mấy tiếng đồng hồ để tiếp xúc với dân địa phương ».
Theo Le Figaro, óc sáng tạo là cơ sở cho sự sống còn của các công bộc, để né tránh một rừng quy định mới. Danh sách cấm đoán do Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra nhằm chống tham nhũng, lãng phí và xa hoa không ngừng nối dài. Bắc Kinh đã loại bỏ súp vi cá, súp tổ yến ra khỏi thực đơn các cuộc chiêu đãi. Việc biếu bánh trung thu, lịch, rượu và quà cáp các loại, mời đi nhà hàng sang trọng hay tiệc tùng đều bị cấm. Sử dụng máy bay riêng để di chuyển, đám cưới, đám tang… một cách xa hoa, theo Đảng là làm sống dậy « thái độ phong kiến và mê tín dị đoan ».
« Chống tham nhũng » và những nghịch lý
Tập Cận Bình kêu gọi có cách sống « đạm bạc, không phô trương », và cảnh cáo : « Mỗi viên chức đều phải nhớ rằng tất cả những bàn tay bẩn sẽ đều bị tóm lấy ». Bản thân ông Tập đã làm gương khi đi ăn bánh bao tại một cửa hàng bình dân ở Bắc Kinh. Chính quyền đóng cửa khoảng ba chục câu lạc bộ dành riêng cho giới thượng lưu bên hồ Tây ở Hàng Châu, lên án là nơi che giấu « những ngọn gió từ địa ngục ».
Đảng tự hào đã trừng phạt trên 182.000 cán bộ trong « chiến dịch bàn tay sạch », cao hơn năm ngoái 13%. Tuy vậy, cũng rất dễ nhận ra các tác động tiêu cực của chiến dịch. Lượng khách đến các khách sạn sang trọng sụt hẳn, các nhà hàng chịu mất bớt sao, bỏ bớt nhiều món cao lương mỹ vị ra khỏi thực đơn để cố giữ khách. Doanh số bán rượu cô-nhắc Pháp, lịch, đũa bằng vàng… giảm mạnh gây ra những vụ phá sản và sáp nhập.
Một chủ nhà hàng phàn nàn : « Không phải tất cả mọi người đều thích bánh bao. Chủ tịch Tập đã làm mất đi nghệ thuật ẩm thực tuyệt vời của chúng tôi ». Một người bán hàng điện tử bực tức : « Cứ làm như đang khủng hoảng đến nơi rồi ấy ! ». Hậu quả là các doanh nghiệp đành phải thắt lưng buộc bụng : chấm dứt việc thưởng Tết hậu hĩnh, không còn xổ số tombola cuối năm để nhân viên mang về nào iPad hay smartphone. Các địa điểm tổ chức tiệc tất niên bị giảm đến 50% lượng khách, và theo một thăm dò mới nhất thì những người ăn lương bị thiệt mất 15% tiền thưởng Tết.
|
Thế nhưng các quan chức không hề muốn từ bỏ quyền lợi : họ chui vào những biệt thự sang trọng với các nữ tiếp viên nhiệt tình hay các nhà hàng kín đáo. Họ nhận món quà rất văn hóa là sách, nhưng thực ra đó là các catalogue sản phẩm hàng hiệu.
Trong bài « Các nghịch lý của Bắc Kinh trong chống tham nhũng », Le Figaro nêu ra vụ xử án luật sư kiêm giảng viên đại học Hứa Chí Vĩnh, người sáng lập Phong trào Tân Công dân và các thành viên khác của phong trào này. Bản án bốn năm tù dành cho nhà đấu tranh đòi công khai tài sản quan chức, đã làm lung lay tính khả tín của chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập Cận Bình hô hào. Ông Hứa Chí Vĩnh nêu câu hỏi : « Một khi trên 90% quan chức tham nhũng thì ai là người sẽ chống lại ? »
Theo ông Brad Adams, giám đốc châu Á của Human Rights Watch, các phiên tòa trên đi ngược lại với khẳng định chống tham nhũng của ông Tập, thật ra chế độ Bắc Kinh trước hết chỉ quan tâm củng cố quyền lực. Ông tuyên bố : « Việc dàn dựng các màn kịch-phiên xử này hoàn toàn nghịch lý với cái gọi là chương trình cải cách của Tập Cận Bình ».
Trung Quốc, cường quốc rượu vang tương lai
Cũng liên quan đến Trung Quốc, phụ trang của Le Figaro nhận định « Trung Quốc, siêu cường tương lai về rượu vang ». Theo một nghiên cứu của Vinexpo, Trung Quốc đã vượt qua mặt Pháp trở thành quốc gia tiêu thụ nhiều rượu vang đỏ nhất thế giới.
Theo tờ báo, chỉ mới đây thôi không ai dám tiên đoán như thế, khi mà ngườiTrung Quốc còn không phân biệt được rượu vang với soda. Nhưng chỉ trong vòng vài năm, Trung Quốc đã trở thành miền đất hứa, thành siêu cường rượu vang. Cơn khát rượu vang đỏ tại đây dường như không có điểm dừng, trong khi việc tiêu thụ rượu vang trắng và các loại rượu khác như sâm-banh cũng tăng lên.
Theo RFI
Từ năm 2007 đến 2013, tiêu thụ rượu vang đỏ tại Trung Quốc đã tăng lên 175,4%, trong khi tại Ý lại giảm 5,8% và tại Pháp thì giảm đến 18%. Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc có đến 400 triệu người, ngày càng bị thu hút bởi các loại hàng tiêu dùng phương Tây, khi lương bổng và mức sống họ được nâng lên. Theo cựu đại sứ nước này tại Paris, đây là một cơ hội cho Pháp : « Khi người Trung Quốc mới làm quen với rượu vang Pháp, thì họ coi đây là một sản phẩm sang trọng. Nhưng bây giờ rượu vang là vừa túi tiền đối với giai cấp trung lưu ».
Vang Pháp luôn chiếm khoảng phân nửa thị trường Trung Quốc, bỏ xa Úc và Tây Ban Nha. Nhà nghiên cứu Boris Petric nhận định : « Tại Trung Quốc, rượu vang vì đắt tiền nên chủ yếu được người thành thị tiêu thụ. Nhưng với truyền thống quà cáp, đôi khi rượu vang lại được chưng trong tủ kính, thế nên không nên lẫn lộn giữa tiêu thụ và số bán ra. Có điều vẫn có một thiểu số người thích thưởng thức rượu vang, và những quán bar chuyên bán loại rượu này đang phát triển ».
Cũng chỉ trong vòng vài năm, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất rượu vang đứng thứ năm thế giới sau Ý, Pháp, Mỹ và Tây Ban Nha. Trên 80% rượu vang tiêu thụ tại Trung Quốc được vô chai tại chỗ. Chính quyền Bắc Kinh có chính sách ưu đãi đầu tư vào những vùng đất nghèo nàn và thưa dân trở thành vùng trồng nho như khu tự trị Ninh Hạ (Ningxia) hay Tân Cương (Xinjiang), quyết tâm trở thành nước sản xuất rượu vang hàng đầu trong năm năm tới.
Tham vọng này đã gây ra một số va chạm với các đối tác châu Âu. Vào tháng Bảy, Bắc Kinh cũng đã mở điều tra xem Liên hiệp châu Âu có trợ giá cho rượu vang xuất khẩu sang Trung Quốc không. Điều này được coi là biện pháp trả đũa cho việc Bruxelles áp thuế hải quan lên pin mặt trời của Trung Quốc, đồng thời cũng là dấu hiệu cho thấy những tham vọng mới của Bắc Kinh.