Năm 1992, đứng trước một lựa chọn đi lên theo đường hoạn lộ, và “sang ngang” ra ngoài làm phó thường dân, tôi đã chọn cách thứ hai. Có bạn lúc đó bảo tôi “múc ánh trăng vàng đổ đi”.
Gần đây vẫn có ông bạn, trước là phiên dịch lao động Liên Xô, nay thành đại gia, trách tôi: “chuyển từ bên A (được “duyệt dự án”, bên chủ thầu) sang bên B (thường phải chạy dự án, cầu cạnh “người nhà nước”) nước non gì”. Ý nói kinh tế tôi loàng xoàng, đầu đã bạc vẫn “nhặt từng đồng”, lo miếng cơm, manh áo.
Cha mẹ tôi cũng từng xót xa, từ chỗ con mình được bao cấp, nay ra bươn chải với đời. Có lần thấy cậu vẫn lái xe công cho ông già tôi hàng năm được đưa cả gia đình cậu ấy đi nghỉ mát, ông bà lại thở ngắn, than dài nhìn tôi, kẻ đã “chọn chốn đoạn trường mà đi”.
Tự giảm biên
Tôi là người được nhà nước đào tạo cẩn thận, dĩ nhiên cũng được tổ chức cán bộ đặt nhiều hy vọng… Quá trình tôi được chuẩn bị như “cán bộ nguồn” là lúc tôi nhận thấy nhiều bất cập trong cơ chế nhà nước của những năm cuối 80.
Thứ nhất, nếu anh làm được việc, thì “việc công” dường như đổ dồn vào đầu anh, trong khi không ít người khác ngồi chơi xơi nước, mà chế độ chính sách vẫn đầy đủ. Có người trong những vị “sáng vác ô đi…” này còn có thể tìm cách chơi khăm anh. Có lần tôi bị mất giấy tờ quan trọng, suýt “téc”, may mà có quần chúng nhìn thấy ông X. chôm giấy tờ của tôi rồi đút vào sọt rác. Ông X. này về sau vẫn đến hẹn lại “lên”, dù thủ trưởng vẫn kêu là không biết giao cho ngài này làm việc gì.
Thứ hai, vì công việc bù đầu, tự nhiên “anh” có nhu cầu cải tiến lề lối làm việc, và vì thế lập tức bị cô lập. Có người ủng hộ anh, vì cũng ở phận giống như thế. Có thủ trưởng ủng hộ tôi nhưng tôi cũng nhận thấy ông ấy cũng “khốn khổ” khi muốn thay đổi điều gì để việc công tốt lên.
Hối lộ … hoạn lộ (Tranh báo Sự thật thanh niên, Nga)
Thứ ba, lương lậu kém, nên anh (cán bộ) càng bận càng “nhếch nhác”. Biên chế càng cồng kềnh, lương bổng càng kém. Lương thấp là một “cò súng” thúc đấy người trong biên chế “kiếm chác” thêm, hoặc bằng tay trái (ngoài cơ quan), hoặc ngay tại cương vị công tác. “Anh” dễ hoặc trực tiếp dính tiêu cực, hoặc bày những trò vè “hành là chính”. Tới nay, tôi quan sát thấy có nhà đã ba đời “thăng quan, phát tài” nhờ bổng lộc ngoài sổ sách trên cương vị công tác…
Bơi tự do
Ra ngoài bươn chải, tôi nhiều cú vấp khá đau. Đây là chuyện thường, vì điều hay là tôi có dịp nhìn từ dưới lên, với con mắt của một kẻ đã từng ở một cơ quan Bộ. Những “mất mát” về phần hồn, là phó thường dân khi tiếp xúc với người nhà nước đều phải mất tiền, như báo Nga tổng kết là 100% trường hợp, vì tôi ra khỏi biên chế là sang ngay Liên Xô cũ. Ở Việt Nam tôi gặp may hơn, vì có người nhà, bạn bè giúp, cho dù cái may này cũng đang co lại như miếng da lừa trong xu thế “thương mại hóa” (con buôn hóa) các dịch vụ công…
Hôm nay, bạn có thể phải dúi tới đôi trăm vào tay người hộ lý để mua lấy mũi tiêm không đau cho người nhà bạn nằm viện. Phẫn nộ vì “tiêm” thời bao cấp là chức trách của người mặc áo blu, bạn chợt nhớ rằng lương nhân viên y tế nay không thấm gì với khoản phải nộp hàng tháng, ngoài sổ sách, cho hai đứa con đi học. Đang có một cái vòng luẩn quẩn, người ngành nọ chèn ngành kia để lấy một ít mỡ bôi trơn khi đến lượt mình trở thành đối tượng được hưởng dịch vụ công, nhưng lại bị “hành”. Biên chế nhiều khi đồng nghĩa với quyền được hạch sách, với quyền lợi nhờ “hành là chính”, mà không ai dám nhắc đến nghĩa vụ cung cấp hàng hóa công, dịch vụ công của “lực lượng chức năng”, kẻo còn bị rầy rà hơn.
U60 nhìn lại
Tới nay, không những tôi, mà cả bố mẹ tôi đều không còn tiếc vì hơn 20 năm trước tôi đã tự giảm biên. Biên chế nhà nước hôm nay, nói thẳng, còn tồi tệ hơn nhiều so với thời kỳ tôi làm cho nhà nước.
Có một đồng nghiệp của tôi (chỉ theo nghĩa cùng viết báo) anh đã lăn lộn, làm cho tờ báo của mình bán được tới hàng vạn số, tăng nhiều lần so với trước khi được giao làm chủ bút. Anh bức xúc vì trong tòa báo của mình có mấy vị cứ đi ra đi vô, phẩm hàm rực rỡ. Nay anh vừa “bật bãi” (chắc vì không làm đẹp lòng sếp trên), nhưng mấy ông “giá áo túi cơm” kia vẫn “tại vị”.
Một bạn mong đến ngày “hưu” kêu bị sếp ghét, vì không “tết” ông ấy vào các dịp kỷ niệm lớn trong năm. Một bạn vừa “hạ cánh” kêu ca về bệnh nịnh hót hôm nay không còn biết một giới hạn nào của phẩm giá… So với ngày “bao cấp”, hôm nay ẩn hiện những “thị trường phẩm hàm”, “thị trường hiếu hỉ”.
Trong mắt người dân, các cơ quan nhà nước thường làm ngơ trước nhiều vấn đề, cho rằng chỉ là sự cố có tính hiện tượng, thậm chí trước các vấn nạn (sự cố kéo dài, có khi đến mức kinh niên); thường bưng bít các vụ việc ngay cả khi trách nhiệm “cơ quan chủ quản” đã quá rõ ràng. Chứng kiến các “cháu” cung cấp dịch vụ điện thoại – internet tính tiền cả khi tôi đi vắng nhiều ngày, rồi cố lấp liếm…, tôi thấy lo cho đạo đức viên chức hôm nay.
Giảm ai, ai giảm
Chủ trương giảm biên tuy thế như chưa có bước chuẩn bị về “văn hóa”, dù ai cũng biết “tính chuyên nghiệp” (thạo việc), năng suất lao động… là những chuẩn mực để xác định ai cần, ai “thừa”. Việc hỗ trợ (tới 90 triệu) cho những người “bị” giảm biên là xuất phát từ đâu, có hệ số “trượt giá” từ nay đến 2020? Số tiền ngân sách tiết kiệm nhờ quá trình giảm biên này có bù được số tiền trả cho số phải rời biên chế?
Với số lượng viên chức hiện khoảng đôi ba triệu, đã căn cứ vào đâu để giảm 100 ngàn người? Nên chăng xác định số lượng người cần giảm trên cơ sở: số tiền tiết kiệm được do giảm biên chế rồi sẽ được sung quỹ lương, sao cho người còn trụ lại trong biên chế có thu nhập theo được giá “chợ trời”?
Biên chế tới hôm nay vẫn như nơi giải quyết chính sách, trước đối với người được bình xét là có công, nay đến diện con cháu của họ. Chừng nào nhãn quan “bao cấp” vẫn chi phối công tác cán bộ, chắc các cuộc “tinh giản” rồi vẫn chỉ là những hạt giống cho mùa sau.