Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), vấn đề lớn nhất hiện nay là Thái Lan sẽ xả gạo tồn bằng mọi giá để có tiền trả nợ cho nông dân. Song song đó, dự báo sản lượng gạo Thái Lan niên vụ 2013-2014 có thể đạt 20-21 triệu tấn, tăng 1%-2% so với cùng kỳ nên xuất khẩu với giá rất cạnh tranh khiến gạo Việt Nam gặp sức ép rất lớn.
Trước thông tin Trung Quốc hủy kế hoạch mua 1,2 triệu tấn gạo của Thái Lan hôm 4-2 sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam, ông Phong cho biết trước giờ, Trung Quốc không có chủ trương mua gạo theo dạng tập trung nên các hợp đồng này không được xác thực. Do đó, thông tin trên không ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo của Việt Nam mà chỉ nên xem là một động thái chính trị hơn là vấn đề kinh tế.
Trước tình hình tiêu thụ lúa gạo gặp khó, ông Phong cho biết trong vài ngày tới, VFA sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giải pháp tháo gỡ cho nông dân vì họ là những người cần phải lo nhất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (tỉnh Bến Tre), nhận xét so với cùng thời điểm 2013, năm nay, xuất khẩu gạo khó khăn hơn vì vẫn chưa có hợp đồng tập trung nào được ký mới, chỉ còn hơn 100.000 tấn bán cho Philippines và sẽ kết thúc vào ngày 20-2, khi chưa tới thời điểm thu hoạch chính vụ đông xuân.
Năm 2013, Việt Nam nhờ nhiều vào xuất khẩu gạo tiểu ngạch đi Trung Quốc nhưng hình thức này đã tạm ngưng do giá gạo trong nước đang cao. Đây cũng là đặc điểm của xuất khẩu tiểu ngạch – đi ồ ạt khi giá rẻ và ngưng ngay lập tức khi giá lên.
Theo ông Tuấn, bất ổn chính trị kéo dài tại Thái Lan có thể khiến một số nhà nhập khẩu tìm đến Việt Nam nhưng không nên hy vọng nhiều về giá bán do thị trường thừa nguồn cung nên họ sẽ ở thế “kèo trên” để ép giá. Do đó, giải pháp lâu dài vẫn là giảm bớt sản lượng, nhất là gạo chất lượng thấp, để tăng cạnh tranh. Ngoài ra, theo giá thành lúa gạo do Bộ Tài chính công bố hằng năm tại ĐBSCL, mỗi nơi có mức khác nhau, có tỉnh này cao hơn tỉnh khác đến 20%-30% là một con số đáng chú ý. “Đối với các địa phương này, nếu không có lợi thế sản xuất lúa thì nên mạnh dạn chuyển sang cây trồng khác có lợi hơn” – ông Tuấn kiến nghị.
Ở một khía cạnh khác, giá xuất khẩu gạo thấp có nguyên nhân từ việc giảm nhập khẩu từ các thị trường tập trung. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA, cho biết vào lúc cao điểm, thị trường tập trung chiếm 48% lượng gạo xuất khẩu, năm 2013 giảm xuống còn 14% do nhu cầu nhập khẩu giảm và cơ chế của một số nước thay đổi.
Tuy nhiên, hợp đồng tập trung thường có giá tốt, có vai trò dẫn dắt các hợp đồng thương mại khác nên VFA tăng cường nhiều giải pháp giữ thị trường cũ, mở rộng thị trường mới. Mới đây nhất là Cộng hòa Guinea (châu Phi), các doanh nghiệp xuất được 21.000 tấn và đàm phán được với chính phủ Haiti (chưa là thị trường tập trung nhưng VFA đã chỉ định doanh nghiệp đàm phán để tránh việc cạnh tranh hạ giá), mở ra thị trường tiêu thụ mới cho gạo Việt Nam.
Theo Ngọc Ánh
Người lao động
2014-02-05 17:41:03
Nguồn: http://cafef.vn/nong-thuy-san/xuat-khau-gao-can-nhieu-no-luc-2014020608010347312ca52.chn