Những lao động trung niên – họ là ai?
Trong độ tuổi từ 45-54, người lao động thường quen với quan niệm về việc làm ổn định, đó là những người trong độ tuổi “thành đạt” – thường nắm được sự kiểm soát (ở một mức độ nào đó) trong hệ thống chính trị và ít chịu ảnh hưởng về kinh tế hơn so với các đồng nghiệp sắp đến tuổi nghỉ hưu.
Và tại châu Âu thì hầu hết mọi người thường cho rằng, vấn đề lao động thất nghiệp phải nằm ở thanh niên chứ không phải những người trong độ tuổi “thành đạt” kia. Nhưng kì thực lại không phải vậy.
Bẫy lao động tuổi trung niên
Các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu lúc này đã nhận ra mức độ nghiêm trọng trong vấn đề thanh niên thất nghiệp nhưng còn có một thảm họa khác đối với xã hội mà họ vẫn chưa nhận ra hoặc chưa thừa nhận. Lần này, không phải là tầng lớp thanh niên châu Âu mà chính lao động tuổi trung niên mới là những người phải gánh chịu thảm họa.
Nhận định trên có vẻ đáng ngạc nhiên bởi người lao động tuổi trung niên có vẻ như là những người chiến thắng trong hệ thống lao động hiện nay. Người lao động trong 50 năm đầu tiên hoặc 40 năm cuối cùng thường được tận hưởng khoảng thời gian tốt nhất trong quãng thời gian lao động của đời người.
Hơn nữa, những rào cản gia nhập cao đối với thị trường lao động cũng được thiết lập chính bởi những người lao động tuổi trung niên. Cụ thể, những rào cản đó bao gồm lợi thế liên quan đến kinh nghiệm chẳng hạn như thâm niên công tác và cũng khiến cho việc sa thải lao động trở nên khó khăn hơn bởi họ sẵn sàng chịu lương thấp để được làm việc. Đây được nhận định là một tình trạng khiến cho lượng thanh niên thất nghiệp tăng lên đáng kể tại thị trường lao động châu Âu.
Theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) trong giai đoạn 2008-2012, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 45-54 tại châu Âu tăng từ 5,2% lên 7,7%, trong khi tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng từ 15% đến 21,4%. Cuối năm 2013, đã có khoảng 4 triệu người trong độ tuổi 50-64 chịu cảnh thất nghiệp, so với gần 6 triệu thanh niên thất nghiệp trong độ tuổi 18-24.
Có thể thấy, từ tốc độ tăng tương đối cho đến tốc độ tăng tuyệt đối của tình trạng thanh niên thất nghiệp đều lấn át so với con số thất nghiệp của lao động tuổi trung niên. Những thống kê như vậy giải thích tại sao các nhà hoạch định chính sách tại châu Âu cho đến nay vẫn chưa nhận ra được vấn đề nằm ở những người trong độ tuổi 45-54.
Những hậu quả từ xu thế tất yếu của trẻ hóa lao động
Và việc vấn đề không được nhận ra sẽ trở nên nghiêm trọng bởi những điều kiện tuyệt vời dành cho lao động tuổi trung niên sẽ sớm bắt đầu giảm xuống, mà nguyên nhân đến từ sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các nền kinh tế mới nổi và những tiến bộ không ngừng của công nghệ sẽ làm suy yếu lợi thế của lao động tuổi trung niên – vốn không phải là những người nắm bắt công nghệ nhanh nhạy nhất trong hệ thống lao động.
Những ngành công nghiệp truyền thống sử dụng lao động lớn tuổi đang biến mất nhanh chóng khỏi châu Âu và thay vào đó là những doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh (start-up) trong lĩnh vực công nghệ cao, chịu sự chi phối của những người lao động có độ tuổi dưới 40.
Hãng tư vấn toàn cầu McKinsey đã xác định 12 sáng kiến tiềm năng có thể thay đổi thế giới, bao gồm: công nghệ in ấn 3D (3D Printing), robot cải tiến và các loại xe lái tự động… trong tương lai sẽ làm nên cuộc cách mạng công nghệ mới và chắc chắn sẽ làm thay đổi căn bản bối cảnh kinh doanh nói chung, tạo ra cơ hội mới cho những trí thức trẻ, trong khi đó xu hướng tất yếu sẽ hướng những lao động lớn tuổi buộc phải rời khỏi thị trường việc làm.
Trong một môi trường năng động như vậy, người lao động chỉ có thể đạt đến thành công nhờ vào trau dồi và nâng cao các kỹ năng của mình liên tục, luôn sẵn sàng di chuyển, có tài xoay xở trong kinh doanh. Những lao động trẻ luôn có lợi thế lớn hơn trong những tiêu chuẩn như vậy và rốt cuộc, rất nhiều khó khăn được đặt lên những người trung niên do khả năng thu nạp những kiến thức và kỹ năng mới hạn chế hơn để có được năng lực mới do chính trạng thái thể chất hoặc do những ràng buộc trách nhiệm gia đình nặng nề hơn.
Mặc dù những xu hướng này đang diễn ra phổ biến trên toàn thế giới nhưng châu Âu sẽ có thể chịu ảnh hưởng đặc biệt khó khăn hơn. Việc dân số đang già đi nhanh chóng hơn, cản trở khả năng đáp ứng nhu cầu cần phải nâng cao kỹ năng của người lao động. Đối với người lao động tại châu Âu là những người lâu nay vốn đã quen với một hệ thống bảo vệ người lao động đặc biệt hào phóng, thì khó có thể kỳ vọng vào những yêu cầu thay đổi nhanh nhạy như vậy.
Những phong trào ủng hộ giới trẻ đang lan tỏa khắp châu Âu, trong cả lĩnh vực kinh doanh lẫn chính trị, nhất là khi quá trình chuyển giao thế hệ trong nhiều ngành kinh tế được đẩy mạnh, sẽ làm tình hình của “Bẫy lao động tuổi trung niên” (Europe’s Middle-Age Trap)trở nên phức tạp hơn nữa.
3 trong số 16 thành viên nội các có độ tuổi trung bình trẻ nhất trong lịch sử Italia
(Nữ Bộ trưởng trẻ nhất Maria Elena Boschi – áo xanh, 33 tuổi).
Italia là một ví dụ tiêu biểu cho sự trẻ hóa trong bộ máy chính trị với vị Thủ tướng trẻ nhất lịch sử quốc gia này (Matteo Renzi, 39 tuổi). Chưa hết, 16 thành viên trong nội các của tân Thủ tướng Italia có độ tuổi trung bình chỉ 47,8 tuổi, cũng trẻ nhất lịch sử. Trong số đó, người trẻ nhất trong nội các là tân Bộ trưởng Cải cách và Quan hệ với Quốc hội Maria Elena Boschi, 33 tuổi.
Tuy nhiên, vấn đề “bẫy lao động tuổi trung niên” sẽ không được chia sẻ đồng đều trên toàn khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mục tiêu tái cân bằng ngân sách và lấy lại khả năng cạnh tranh tại các nước lâm vào khủng hoảng nợ sẽ dẫn tới việc phải loại bỏ hàng ngàn công ăn việc làm trong khu vực công nhưng thật không may, đó lại là những nơi làm việc mà người lao động trung niên đang chiếm ưu thế.
Dĩ nhiên, chuyển giao cho một thế hệ trẻ hơn, tiến bộ công nghệ và cạnh tranh quốc tế đều là những biến nội sinh quan trong trong mô hình của nền kinh tế hiện đại. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ: tốc độ của những biến đổi kinh tế đó đang gia tăng, có nghĩa là các chính phủ sẽ có ít thời gian hơn để thực hiện cải cách cấu trúc một cách căn bản. Và càng tồi tệ hơn khi các quốc gia thành viên trong khu vực Eurozone chắc chắn không được sử dụng một số công cụ tài chính hay chính sách tiền tệ có thể giúp cho quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi hơn.
Thực tế chứng kiến hàng triệu người lao động tại châu Âu bị đẩy vào cái bẫy của tuổi trung niên – quá già để làm việc, nhưng quá trẻ để nghỉ hưu – nguy cơ bất ổn xã hội và sự phân cực chính trị cũng sẽ tăng lên. Công đoàn khi đó lại trở thành niềm hy vọng của những người lao động tuổi trung niên chịu thiệt thòi. Ngược lại, tầng lớp lao động trẻ với mong muốn vượt qua những năm khó khăn, sẽ bảo vệ mô hình kinh tế do thành quả của những bộ óc trẻ trung của lối sống linh hoạt. Cuối cùng, những căng thẳng này sẽ làm xói mòn sự gắn kết xã hội.
Có thể phải viết lại khế ước xã hội cho châu Âu?
Các nhà hoạch định chính sách châu Âu nên can thiệp trước khi một kết quả như vậy trở thành hiện thực. Để vừa đảm bảo những chương trình học tập suốt đời dành cho người lao động ở mọi lứa tuổi, vừa không đặt áp lực quá mức lên ngân sách công của chính phủ, họ cần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân để chia sẻ công việc. Đồng thời, họ cũng nên cho phép tiền lương giảm xuống sau một độ tuổi nhất định, thay vì tăng theo thâm niên, để phản ánh sự giảm sút nhanh chóng của các kỹ năng nghề nghiệp trong nền kinh tế hiện đại. Cuối cùng, họ nên viết lại “khế ước xã hội” cho châu Âu, làm sao có thể thúc đẩy mối đoàn kết giữa các thế hệ và tạo ra một hệ thống toàn diện, được kết hợp bởi sức sáng tạo của giới trẻ cùng sự khôn ngoan của những người lớn tuổi.
Người châu Âu hiện đang sống lâu hơn bất cứ người dân châu lục nào khác trên hành tinh, nhưng thách thức hiện nay là làm cách nào để kéo dài thời gian làm việc của họ?
Về tác giả
Edoardo Campanella hiện là một học giả của chương trình Fulbright, Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. Trước đây, Edoardo Campanella đã từng làm trong vị trí giám sát viên kinh tế cho Quốc hội Italia và chuyên gia kinh tế tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Bài viết trên đây giới thiệu về phát hiện mới củaEdoardo Campanellađược đặt tên là “Europe’s Middle-Age Trap” (Tạm dịch: Bẫy lao động tuổi trung niên).
|