>>> Những dấu hiệu để “bắt thóp” kẻ nói dối
>>> Tìm ra cách nhận biết người nói dối “đích thực”
Trong cuộc sống, bạn không thể nào tránh khỏi những khoảnh khắc bị “xỏ mũi” bởi những lời nói dối, từ trêu đùa cho tới có chủ đích, ác ý. Vậy làm thế nào để trở thành một bậc thầy trong việc phát hiện những kẻ có ý định lừa đảo, lừa dối mình?
Điều này rất khó, nhưng không phải là không thể nếu như bạn áp dụng thành công những mẹo vặt và bí kíp dưới đây…
Từ sự thật khoa học đằng sau những lời dối trá…
Nếu có ai từng nói họ chưa bao giờ lừa dối ai lần nào thì có lẽ đó chính là một lời nói dối. Con người chúng ta nói dối rất nhiều từ khi còn rất nhỏ – khoảng 3 tuổi. Theo chuyên gia Pamela Meyer, trung bình một người nói dối 3 lần trong phút đầu tiên nói chuyện với người lạ và từ 10 – 200 lần/ngày.
Ngoài ra, xu hướng nói dối giữa nam và nữ cũng khác nhau. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra, trong khi nam giới thường nói dối để tự làm mình đẹp lên thì phụ nữ lại làm điều này với mong muốn làm người khác cảm thấy tốt hơn.
Có một sự thật mà ít ai biết, đó là nói dối tiêu tốn rất nhiều năng lượng của não bộ. Ở một góc độ nào đó, người ta coi khả năng nói dối ở một người chính là biểu hiện trí thông minh của họ.
Khi nói dối, hoạt động của phần não trước trán hoạt động rất mạnh. Quá trình này bao gồm việc xem xét sự thật, dự đoán phản ứng của người đối diện sau đó xây dựng kịch bản lừa dối khác sao cho không có sơ hở và khó phát hiện.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến con người nói dối. Theo các chuyên gia, đó có thể là việc làm nhằm trốn tránh trách nhiệm hay khắc phục sai lầm, tránh làm tổn thương người khác hoặc nâng cao danh tiếng, hình ảnh của bản thân trong mắt người khác…
Nhà tâm lý học Robert Feldman thuộc trường ĐH Massachusetts thậm chí từng nhận xét: “Con người nói dối gần như là một phản xạ hết sức tự nhiên”.
…những “liều thuốc sự thật” trong lịch sử…
Câu chuyện nói dối thực ra đã được người cổ đại đề cập tới từ rất lâu. Cách đây 2.000 năm, nền văn minh Ấn Độ đã phát minh ra một phương cách kiểm tra sự dối trá của một người bằng hạt gạo. Họ cho đối tượng ngậm một hạt gạo và yêu cầu anh ta nhổ hạt gạo ra.
Nếu nhổ ra được chứng tỏ anh ta nói thật, còn ngược lại thì là nói dối. Thực tế khoa học sau này đã chứng minh tính đúng đắn của cách thức độc đáo này. Khi nói dối, hoạt động thần kinh phức tạp dễ dẫn đến khô miệng, do đó người ngậm hạt gạo mà không nhổ ra được có tiềm năng là kẻ lừa đảo, dối trá.
Đôi khi, nói dối đôi khi là để đánh lừa chính bản thân mình
Sau này, với sự phát triển mạnh mẽ hơn của khoa học, rượu hay một số loại thuốc như scopolamine, natri amytal… được dùng như “huyết thanh sự thật”. Những thức uống này gây ức chế hoạt động của não bộ qua việc tác động lên kênh GABA, hệ quả là khiến người uống khó kiểm soát được lời nói dối của mình hơn.
Tuy nhiên, tác dụng của “huyết thanh” dạng này cũng chỉ phần nào và không thể chính xác 100% được.
Rượu từng được coi là thước đo sự thật ở mỗi con người
…và bí quyết phát hiện “Pinocchio” đơn giản…
Bên cạnh những cách thức nhận biết nói dối phức tạp thường được ứng dụng trong điều tra tội phạm, thực tế mỗi chúng ta cũng đều có thể trở thành các chuyên gia nhận biết lừa đảo. Các cựu sĩ quan CIA Philip Houston, Michael Floyd và Susan Carnicero đã cùng đưa ra một số thủ thuật nhỏ để nhận biết một người đang có ý định “dắt mũi” bạn:
Thủ thuật đầu tiên có lẽ hầu như mọi người ai cũng đã từng nghe qua, đó là để ý tới đôi mắt và miệng của đối tượng cần kiểm tra. Quá trình nói dối khiến não bộ hoạt động rất nhiều, gây ra cảm giác lo lắng vì sợ bị phát hiện nói dối.
Do đó một cách vô thức, những người nói dối có xu hướng không dám nhìn thẳng vào mắt người đang nói chuyện hay quay giấu mặt đi chỗ khác khi nói.
Thủ thuật thứ hai sẽ giúp bạn đo lường chỉ số lừa đảo ở một con người – hỏi dồn dập. Hãy hỏi họ “Cách đây bảy năm vào ngày này, anh làm gì?”. Tất nhiên, 100% chúng ta sẽ phải dừng lại suy nghĩ vì đơn giản ta không được chuẩn bị sẵn cho tình huống như vậy. Sau khoảng vài giây, hãy hỏi tiếp “Cách đây bảy năm vào ngày này anh đã cướp một trạm xăng phải không?”.
Có 2 trường hợp xảy ra, nếu đối tượng lập tức trả lời “Không” thì họ đang nói thật còn nếu họ ngần ngừ và không phản ứng ngay thì hãy cẩn thận với đối tượng này, hắn có nhiều tiềm năng nói dối bạn đó.
Thủ thuật thứ ba đó là quan sát cổ họng của đối tượng. Người đang nói dối thường bị khô miệng và cảm giác lo âu, bất an nên thường có phản ứng nuốt nước bọt. Chỉ cần tinh ý phát hiện ra đặc điểm này, bạn hoàn toàn có thể lật tẩy trò lừa đảo đang nhắm vào mình.
Thứ tư, cơ thể người nói dối thường có phản ứng để chống lại sự lo âu, căng thẳng bằng cách giảm lượng máu trên cơ mặt. Hệ quả của việc này là cảm giác lạnh, ngứa môi, tai… Do đó, nếu quan sát người đang nói dối, rất dễ nhận ra họ hay cắn môi, gãi tai một cách rất khó hiểu.
Cuối cùng, hành động chải chuốt một cách quá mức cũng là một dấu hiệu nhận ra kẻ lừa đảo. Đàn ông nói dối có xu hướng chỉnh lại cổ áo, cà vạt trong khi phụ nữ không trung thực hay vuốt tóc gọn gàng. Những phản ứng tưởng chừng như lịch sự này thực ra lại là một phản xạ chứng tỏ cảm giác căng thẳng mà người nói dối gặp phải.
2014-03-23 19:32:13
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/kham-pha/52733_bi-kip-de-dang-giup-ban-nhan-biet-ke-noi-doi.aspx