Theo các chuyên gia, cho cân nặng 1kg/quả, bên cạnh yếu tố quyết định là giống thì việc chăm bón cũng đóng vai trò tương quan.
Vận dụng phòng bệnh hơn chữa bệnh
Bà Phạm Thị Thu Cúc cho biết, trước khi trồng cà chua giống Beef của Hà Lan, bà đã có 3 năm kinh nghiệm trồng các giống cà chua thông thường. Cà chua giống mới của bà được trồng trong nhà kính chứ không phải trồng đại trà ngoài trời như hiện nay. Thường ngày cà chua của bà được tưới bằng công nghệ nhỏ giọt, nhưng cũng có những thời điểm cần thiết sẽ cho tưới bằng vòi sen hay béc tự động.
Trước khi hạ cây, một lượng phân chuồng rất lớn đã qua xử lý kỹ thuật được dùng để bót lót. Tuy nhiên, với cây cà chua vốn mẫn cảm với thời tiết nên kỹ thuật canh tác phải kết hợp cả hữu cơ và hóa học mới can thiệp được các loại nấm bệnh phát sinh.
|
Vườn cà chua giống Beef cho trái từ gốc lên ngọn của gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc. |
Một trong các bí quyết canh tác cây cà chua mà bà Cúc đúc kết là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Từng ngày bà phải theo dõi các hiện tượng thời tiết để bơm, bón kịp thời, chỉ cần muộn một vài ngày cây sẽ phát bệnh, tiền chữa bệnh tốn kém mà sản lượng sẽ giảm khi thu hoạch qua những lần phải tích cực trị bệnh cây như thế. Ngoài ra, bà Cúc còn đúc kết được mùa canh tác để chọn chất đất phù hợp.
Đã không ít lần bà Cúc gặp thất bại từ trồng cây cà chua trước đó. Tuy nhiên, nhờ trong vườn có những cây trồng độc đáo, canh tác chủ yếu bằng phương pháp hữu cơ nên được nhiều người trong giới chuyên môn và các nhà khoa học tìm tới, hướng dẫn đề tài cho sinh viên, thực tập sinh. Qua những lần gặp gỡ như vậy, kiến thức về canh tác nông nghiệp được nâng lên và bà cũng mạnh dạn thử nghiệm, đây cũng chính là yếu tố để bà Cúc thành công như hôm nay.
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng nhận định, giống cà chua Beef mà bà Cúc canh tác do một công ty nước ngoài cung cấp, cơ quan chuyên môn trong nước chưa trồng khảo nghiệm loại giống này. Tuy nhiên, qua kiểm tra nhận thấy nhà vườn Bạch Cúc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất. Sản phẩm cà chua Beef của bà Cúc được đối tác tiêu thụ cung cấp chủ yếu cho các bếp ăn của người nước ngoài tại Việt Nam, họ cũng phân tích lấy mẫu sản phẩm kỹ lưỡng trước khi nhập hàng.
|
Không ít quả cà chua nặng tới 1kg. |
Giống quyết định cân nặng
Theo TS Trần Ngọc Hùng, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Viện Nghiên cứu rau quả, cà chua có cân nặng 1kg/quả là không hề hiếm. Thậm chí bản thân ông còn trồng được cà chua 1,2kg/quả tại các ruộng bình thường như nông dân chứ không phải nhà lưới. Còn loại 700 – 800g/quả là chuyện thường thấy ở Viện Nghiên cứu rau quả. Tuy nhiên, ông trồng để lai giống chứ không phải để đưa ra thị trường.
Để có quả cà chua to, theo vị chuyên gia này, yếu tố quyết định là giống. Hiện có nhiều loài giống nước ngoài cho quả to. Nhưng thực chất, giống bán trên thị trường không nhiều, thậm chí không có. Nguyên nhân do người dân không chấp nhận ăn quả cà chua to nên nhà vườn không trồng, nếu trồng không bán được.
“Hầu hết người dân chỉ có nhu cầu cà chua to khoảng 100g/quả. Đối với quả từ 200g chủ yếu đưa vào phân khúc nhỏ là siêu thị. Còn quả to từ 700 – 800g hay 1kg chủ yếu phục vụ người hiếu kỳ”, TS Trần Ngọc Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh giống cho quả to, việc chăm bón cũng đóng vai trò tương quan. Nếu trồng ở nhà kính, cà chua sẽ cho năng suất cao, quả đẹp và to, không có bệnh so với trồng ngoài ruộng. Đó cũng là lý do cà chua của bà Phạm Thị Thu Cúc đạt hiệu quả cao. Nhưng ở khía cạnh khác, ông Hùng cho rằng, nếu bà Cúc đưa ra ruộng trồng chưa chắc đạt hiệu quả như trên.
Theo các chuyên gia trồng cà chua, trọng lượng và chất lượng cà chua là hai yếu tố khác nhau. Thường trọng lượng cà chua to chưa chắc đã ngon và đạt độ đường cao (độ brix). Bên cạnh đó, cà chua được chia làm hai loại là dùng để chế biến và ăn tươi. Cà chua chế biến như nấu ăn hằng ngày cần có độ cứng, không cần chất lượng cao. Còn cà chua ăn tươi đòi hỏi phải đạt độ đường từ 6 – 7, không được cứng…
Khắc Lịch – Thu Hiền