Vào thời nhà Minh có một người tên là Trương Úy Nham, sống tại thành Giang Âm, tỉnh Giang Tô. Ông là người có học thức, có tài văn chương, rất nổi tiếng vào thời đó. Vào năm Giáp Ngọ, ông tham gia thi khoa bảng nhưng bị đánh rớt. Trong khi đứng tại bảng công bố điểm thi, ông nhục mạ những quan chủ khảo đã chấm điểm cho mình, nói rằng họ có mắt mà không có tròng, không biết được người có tài năng học thức như mình.
Ngay lúc ấy có một vị Đạo sỹ đang ở gần đó nghe thấy. Đạo nhân mỉm cười và nói: “Tôi có thể nói là văn chương của ông chắc hẳn phải rất tệ!”.
Trương Úy Nham lập tức quay sang trút giận lên vị Đạo nhân này: “Sao ông dám cười tôi? Ông chưa từng đọc qua văn chương của tôi thì làm sao biết văn của tôi không hay?”
Đạo nhân trả lời: “Tôi nghe nói rằng điểm mấu chốt để sáng tác văn chương là người ta cần phải bình tĩnh hòa nhã. Còn ông thì đang nhục mạ các quan chủ khảo. Ông chắc hẳn đang rất bất bình trong tâm. Nếu như vậy, thì làm sao ông có thể sáng tác những bài văn hay được chứ?”.
Trương Úy Nham nghe thấy lời nói rất có đạo lý, nên thành tâm xin vị Đạo nhân dạy bảo.
Đạo nhân nói: “Văn chương dĩ nhiên cần phải hay, nhưng nếu mệnh ông định rằng không có tên trên bảng vàng, thì dẫu văn chương có tinh xảo đến đâu cũng không giúp được ông. Vấn đề tối căn bản là cần phải thay đổi hành vi của bản thân mình”.
Trương Úy Nham hỏi: “Thế tôi cần tự mình thay đổi như thế nào?”
Đạo nhân đáp: “Nếu ông có thể thuận theo Thiên Mệnh mà làm việc thiện, thì chẳng lẽ lại không được phúc báo hay sao?”
Trương Úy Nham thở dài: “Tôi chỉ là một học trò nghèo, kiếm đâu ra tiền để làm việc thiện?”
Đạo nhân nói: “Làm việc thiện tu dưỡng đức, trọng yếu là cái tâm của mình. Để làm được thế thì yêu cầu phải luôn mang theo thiện niệm bên mình, khiêm cung và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Động cơ hành thiện phải thật trong sáng, làm việc gì cũng thuận theo Thiên lý. Lấy ví dụ, ai đó muốn trở thành một người có đức tính khiêm nhường, thì người ấy chẳng cần phải có tiền nhưng vẫn hoàn toàn có thể làm được. Ông có thể làm việc thiện mà không cần phải là người giàu có. Tại sao ông không tự mình phản tỉnh, mà lại đi nhục mạ những viên quan chủ khảo?”. Trương Úy Nham vô cùng cảm động và hối hận, bái tạ vị Đạo nhân.
Từ đó trở đi Trương Úy Nham nhất tâm hướng thiện, nghiêm khắc yêu cầu chính mình, chú trọng tu thân, trở thành người có phẩm đức cao thượng. Ông mở trường dạy học cho dân chúng. Ông dạy người ta tránh điều ác và làm việc thiện, bất kể việc đó có nhỏ nhặt đến đâu. Ông thường khuyến khích dân chúng làm việc thiện, được mọi người tán dương.
Ba năm sau, vào một ngày nọ Trương Úy Nham nằm mộng thấy mình đi vào một căn nhà lớn. Có một cuốn sách trong đó liệt kê những cái tên, nhưng có nhiều dòng bị bỏ trống. Ông bèn hỏi một người đứng bên cạnh về những khoảng trống này. Người đó nói với ông: “Đây là danh sách những người sẽ trúng bảng vào kỳ thi mùa Thu này. Nếu một cái tên xuất hiện ở đây và người đó không phạm bất cứ tội lỗi nào, thì cái tên đó sẽ được giữ lại. Những khoảng trống đó trước đây là chỗ của những người lẽ ra đã được chấp nhận, nhưng vì họ làm điều xấu nên đã bị xóa tên. Trong ba năm qua, ông đã luôn tu thân hướng thiện, nên tên của ông đã được thêm vào. Nếu vẫn kiên trì không chểnh mảng, trong tương lai ông sẽ nhận được phúc đức vô lượng. Hy vọng ông sẽ tự biết bảo trọng”. Kỳ thi năm ấy, Trương Úy Nham quả nhiên thi đỗ, làm quan, sau này làm được nhiều việc tốt cho dân chúng.
Có câu nói: “Trên đầu ba thước có thần linh”, ý nói rằng Thần không ở đâu là không có, với mỗi tư tưởng và hành vi của con người, Thần đều trông thấy rất rõ. Hành vi của con người tất cả đều nằm trong sự an bài của Trời. Những người làm việc thiện thì được hưởng nhiều phúc đức, ấy là cái lý tất nhiên! Bất kể bản thân mình ở giai tầng nào, nghề nghiệp là gì hay ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều nên làm người tốt, làm việc thiện, cố gắng bảo trì thiện tâm, từ đó mà có được phúc phận và một tương lai tươi sáng.
Bài của Trí Chân