Chiều 11-3, chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức và PGS.TS Huỳnh Trọng Khải – hiệu trưởng ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM – cùng đặt bút ký hợp đồng đào tạo ĐH dành cho các cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG.
>> Vòng loại U19: Đã xác định 4 đại diện dự vòng chung kết
>> Đội trẻ Hoàng Anh Gia Lai đâu kém tài Arsenal JMG?
>> Lượt trận 5 U19 quốc gia: Giải mã hiện tượng Ninh Bình
>>U19 Hoàng Anh Gia Lai và Viettel phô diễn sức mạnh tuyệt đối
Cuối tháng 10-2014, 19 cầu thủ trẻ đầu tiên của học viện sẽ trở thành tân sinh viên sau lúc tốt nghiệp THPT. Chương trình học sẽ kéo dài trong bảy năm (tối đa theo quy định), nhưng nếu có đủ 144 tín chỉ, họ sẽ trở thành cử nhân sau bốn năm đào tạo. Lớp học sẽ diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM hoặc tại học viện ở Pleiku.
Theo quy chế tuyển sinh ĐH, các thành viên chính thức của các đội tuyển thể thao quốc gia từng tham dự các giải vô địch Đông Nam Á, châu Á hay thế giới đều được tuyển thẳng mà không phải thi đầu vào. Và sau khi có đủ điểm 144 tín chỉ, họ sẽ được nhà trường cấp bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy. Với bằng ĐH sư phạm TDTT, nếu không thể đá bóng, họ sẽ trở thành giáo viên TDTT hay HLV bóng đá.
Năm 2007, trong hợp đồng đào tạo được ký kết giữa học viện với phụ huynh các cầu thủ năng khiếu được chọn có quy định – bên cạnh việc đào tạo các em trở thành cầu thủ, học viện có bổn phận chăm lo việc học văn hóa, bảo đảm đến khi tròn 18 tuổi tất cả đều tốt nghiệp THPT và đủ khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (trái) và PGS.TS Huỳnh Trọng Khải bắt tay hợp tác |
Quy định ấy đang dần trở thành hiện thực, hiện tại tất cả cầu thủ thuộc khóa 1 và 2 của học viện có đủ vốn từ để trao đổi bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Hè năm 2013, có 10 cầu thủ vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT. Vào tháng 6-2014, sẽ có chín cầu thủ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đó là lý do khiến kế hoạch đi tập huấn dài hạn ở châu Âu của U-19 VN được rút ngắn thời gian.
Đầu tiên, bầu Đức dự kiến chuyến đi này kéo dài ít nhất bốn tháng, nhưng sau đó chín cầu thủ thuộc quân số của học viện đang khoác áo tuyển U-19 VN phải tham dự thi tốt nghiệp THPT nên chuyến đi châu Âu chỉ diễn ra trong 51 ngày (kết thúc vào ngày 21-4) nhằm giúp các em có thêm thời gian ôn luyện trước khi thi.
PGS.TS Huỳnh Trọng Khải nói: “Khi nhận lời mời liên kết đào tạo ĐH cho thế hệ cầu thủ tiềm năng này, chúng tôi đã đi khảo sát ở học viện và hoàn toàn hài lòng với cơ sở vật chất tại đây trong việc giảng dạy cho các sinh viên tương lai. Việc liên kết này hoàn toàn đúng quy định của Bộ Giáo dục – đào tạo cũng như chuyên ngành đào tạo hiện có tại trường. Chúng tôi sẽ xây dựng giáo án phù hợp và tạo điều kiện để các bạn trẻ yên tâm với thời gian tập luyện, thi đấu lẫn học tập trên giảng đường. Sau hai năm học đại cương, nếu không thích lĩnh vực TDTT, các em có quyền xin chuyển sang học ở các trường ĐH khác phù hợp với khả năng. Và tôi cũng hết sức kỳ vọng rằng biết đâu mai này một vài cầu thủ của lớp sinh viên đặc biệt trên sẽ trở thành giảng viên bóng đá của trường…”.
Còn bầu Đức cho biết: “Tôi kỳ vọng một ngày không xa, các tuyển thủ VN đều là những “ông cử” đi đá bóng. Cuối tháng 4, chu kỳ đào tạo lứa cầu thủ đầu tiên của học viện sẽ kết thúc sau bảy năm. Trừ trường hợp đặc biệt, tất cả sẽ lưu lại học viện để chuyển sang chu kỳ đào tạo nâng cao về chuyên môn, thi đấu cho đội tuyển quốc gia và ngồi học ở giảng đường…”.
>> Vòng loại U19: Đã xác định 4 đại diện dự vòng chung kết
>> Đội trẻ Hoàng Anh Gia Lai đâu kém tài Arsenal JMG?
>> Lượt trận 5 U19 quốc gia: Giải mã hiện tượng Ninh Bình
>>U19 Hoàng Anh Gia Lai và Viettel phô diễn sức mạnh tuyệt đối