CHỨC NĂNG VĂN HÓA NHÀ RÔNG
Người Tây Nguyên thường đánh giá sự hùng mạnh và trù phú của một ngôi làng thông qua hình ảnh của ngôi nhà rông, nhà rông càng lớn, càng đẹp càng chứng tỏ được uy lực của làng. Có thể giải thích về điều này như sau: nhà Rông là sản phẩm của từng cộng đồng làng, không phải là sản phẩm của một nhóm thợ chuyên nghiệp. Làng nào có người khéo léo, có những chàng trai khỏe mạnh mới đủ sức lấy đượcnhững cây gỗ đẹp,tốt, chạm khắc được trang trí đẹp mắt,tinh tế tô điểm cho ngôi nhà rông. Đồng thời nhà rông là sản phẩm của tập thể cư dân trong làng vì thế nhà rông càng đẹp, càng lớn thì càng thể hiện được tinh thần đoàn kết của dân làng đó.
Theo hai nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Tụng và Nguyễn Hồng Giáp cho rằng:
Với chức năng quản lý buôn làng , nhà Rông như một trụ sở của bộ máy quản trị, như một trung tâm chỉ huy sản xuất, như một hội trường lớn và như một nhà khách. Có thể giải thích như sau: nhà rông là nơi đón khách và tiếp khách từ bên ngoài, gồm cả khách chung của cộng đồng lẫn khách riêng của từng gia đình. Trong nhiều trường hợp nếu cần ngủ qua đêm , khách cũng được ngủ lại tại nhà rông.
Với chức năng đào tạo giáo dục thế hệ trẻ , nhà rông như một nhà tập thể của những người con trai không vợ, như một trường học của thanh niên. Khởi thủy nhà rông được xây dựng mang chức năng là nơi ngủ của thanhh niên chưa vợ. Theo giải thích của người già , tập tục này hình thành nhằm những mục đích khác nhau: thứ nhất, đề phòng và tránh khả năng loạn luân có thể xảy ra giữa các thành viên của gia đình lớn cư trú trong ngôi nhà dài.
Thứ hai, tạo điều kiện cho thanh niên và đàn ông chưa vợ rèn luyện và học hỏi những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm sản xuất để chuẩn bị cho việc lập gia dình. Thứ ba, tiện cho việc tập luyện quân sự và dễ dàng tập trung chiến binh của làng trong việc phòng thủ và chiến đấu chống lại các cuộc tấn công từ bên ngoài .
Với chức năng bảo tồn truyền thống và nơi thực hành các nghi thức tôn giáo , tín ngưỡng nhà rông như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo , tín ngưỡng của buôn làng và còn mang chức năng như một trung tâm cộng cảm. Điều này có thể được giải thích như sau: mỗi con người Tây Nguyên từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay đã có biết bao mối quan hệ thông qua những sinh hoạt cộng đồng ở nhà rông. Nhà rông như một tiếng gọi đoàn kết, sợi dây ràng buộc tình nghĩa cộng đồng đã được hình thành từ lúc nào. Từ những việc to lớn như tiến hành các cuộc họp của hội đồng già làng và dân làng để quyết định công việc hệ trọng liên quan đến sản xuất, chiến tranh, xử lí vi phạm luật tục… đén những việc như diễn xướng và kể các trường ca của cộng đồng . Sau mùa thu hoạch, trong những ngày nông nhàn vào những ngày trăng sang dân làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trong nhà rông hay ngoài sân nhà rông nghe các nghệ nhân diễn xướng, không chỉ bằng lời mà còn là những áng văn, cử chỉ, điệu múa, tiếng dàn, tiếng hát…
Nhà rông là hình ảnh thu nhỏ của các thành tố văn hóa truyền thống của làng, của một tộc người. Nó chiếm giữ vị trí quan trọng nhất trong tư duy và hiện thực đời sống sinh hoạt của tất cả các thành viên trong cộng đồng. Đối với cộng đồng dân tộc Tây Nguyên thì “ dân tộc – làng – nhà rông” là mối quan hệ không thể tách rời, cũng như làng của người Kinh gắn với “ cây đa – bến nước – sân đình”
2014-03-10 01:52:11
Nguồn: http://dulichthailan123.wordpress.com/2014/03/10/chuc-nang-van-hoa-nha-rong/