Khách đến quán không những được thưởng thức những món ăn chỉ thời bao cấp mới có, mà hơn hết là sống lại một thời gian khổ nhưng không bao giờ quên.
Mấy tháng nay, nhiều người truyền tai và rủ nhau đến “Cửa hàng mậu dịch số 37” trên phố Nam Tràng, Ba Đình, Hà Nội để chiêm ngưỡng những kỷ vật một thời lịch sử và thưởng thức những món ăn “thời xa vắng” cơm trộn khoai.
Chủ quán, anh Phạm Quang Minh, sinh năm 1962, cho biết: “Tôi từng sống thời bao cấp, cuộc sống rất khó khăn, vất vả, nhưng là một kỷ niệm không thể quên, vì thế tôi muốn tái hiện lại những năm tháng đó”.
Anh Minh cho biết thêm, để thu nhập những đồ dùng cũ thời xưa rất khó khăn. Anh đã phải đi Bắc vào Nam, mất khá nhiều thời gian tìm kiếm, nhiều đồ phải mua lại với giá cao, nhưng có nhiều người hiểu được mục đích của anh sẵn sàng cho không.
Mới mở quán đã có rất đông khách đến, nhiều vị khách lớn tuổi rơm rớm nước mắt khi nhìn thấy những kỷ vật một thời, có những người đã gặp anh bằng được để cảm ơn vì đã cho họ sống lại nhiều kỷ niệm tưởng như đã quên.
Quán bắt buộc mọi người đều phải xếp hàng để lấy tem phiếu như thời bao cấp. Tuy nhiên đối với những người có thẻ thương binh thì được ưu tiên.
Chiếc tivi đen trắng hiệu National này khiến cho nhiều người nhớ lại cảnh cả xóm cùng tụ tập xem chung vào mỗi buổi tối hằng ngày, lúc ấy dù thiếu thốn nhưng tình cảm làng xóm vẫn tràn đầy.
Phải là nhà có điều kiện lắm mới có chiếc điện thoại như thế này, bây giờ hầu như ai cũng có điện thoai di động làm sao biết được thời ấy mọi người muốn gọi một cuộc điện thoại đã phải khó khăn như thế nào.
Chiếc đèn dầu có tuổi thọ vài chục năm giờ đã bị lãng quên.
Những kỷ vật được chủ quán sưu tầm và treo khắp tường nhà, đó chỉ là những đồ vật giản dị, thân thuộc và không thể thiếu được trong mỗi gia đình.
Câu khẩu hiệu quen thuộc với rất nhiều người lớn tuổi ở Hà Nội được nhà hàng tái hiện bằng bảng hiệu.
Thời ấy, muốn mua đồ ăn, cần phải có tem phiếu và phải xếp hàng từ tờ mờ sáng, người ta dùng các đồ vật như gạch, đá, nón… để lấy chỗ, tiêu chuẩn của mỗi người đã được định sẵn cứ đến lượt là lấy thực phẩm về.
Cửa hàng phát hành ra ba loại phiếu: Phiếu mua thực phẩm loại B1 – thanh toán các loại đồ ăn, phiếu mua đồ uống loại B, phiếu mua hàng công nghệ A – thanh toán cho đồ uống đặc biệt tại quầy giao tế.
Những cuối tuần hoặc ngày lễ khách đến rất đông, hầu như không có chỗ ngồi. Ngoài những vị khách lớn tuổi thì các bạn trẻ và khách nước ngoài cũng khá thích thú với hình thức mới lạ của nhà hàng.
Vừa được xem những đồ vật cha ông đã từng sử dụng, vừa thưởng thức những món ăn dân giã. Món ăn cơm độn khoai sắn, tóp mỡ xào dưa đối với giới trẻ quả thực rất lạ, nhiều món trở thành “đặc sản”.
kinh doanh độc đáo này.” />
Mỗi ngày cửa hàng của anh Minh có thể thu về hơn chục triệu từ hình thức kinh doanh độc đáo này.
Hiện nay, anh đã cải tạo và mở thêm “Cửa hàng mậu dịch 46 An Dương” để phục vụ cho khách có nhu cầu. Cửa hàng này cũng cho doanh thu 15 – 20 triệu đồng/ngày.
Anh Ngọc
2014-03-14 19:25:54
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/doc-dao-quan-an-bao-cap-giua-long-thu-do-a126819.html