Một chiếc máy bay của hàng không Trung Quốc chuẩn bị cất cánh tại sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh vào ngày 04 tháng Bảy 2012. Trung Quốc đang để vuột mất của cải khi mà các doanh nhân và tiền của họ đang rời đến những bến bờ an toàn hơn. (WANG ZHAO/ GettyImages)
Trung Quốc đang bị bòn rút mất của cải khi mà các doanh nhân cùng với tiền của họ đang rời khỏi nước này, mang theo hàng tỷ đô la đến những bến bờ an toàn hơn.
“Chúng tôi chỉ thấy yên tâm khi rời đi; khó mà nói trước được chuyện gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc đại lục,” đó là những gì thường được nghe thấy từ những người Trung Quốc giàu có.
Phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang sẵn sàng xuất ngoại vào bất cứ lúc nào. Lí do chính được đưa ra là nỗi lo ngại về tính bất ổn trước các chính sách của Đảng Cộng sản. Nền giáo dục dành cho con cái và một môi trường sống tốt hơn từng là yếu tố thu hút chủ yếu của việc xuất ngoại, nhưng giờ chúng chỉ còn là yếu tố phụ.
Theo một điều tra bởi Hiệp hội Doanh nhân Thượng Hải, một trong những hiệp hội phi chính phủ có ảnh hưởng lớn nhất trong thương mại ở Thượng Hải, cùng với Nhóm Tư vấn Nghiên cứu Chân Trời (Horizon Research Consultancy Group), đã khảo sát 150 doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc đại lục. Báo cáo cho thấy rằng cảm giác an toàn của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc chỉ đạt 6.09 điểm trên thang điểm 10 vào năm 2013. Sự bất ổn gây nên bởi những thay đổi bất thường trong chính sách là nguyên nhân chính đối với 31.5% trong tổng số.
Trưởng ban điều hành của Ban Giáo dục Nước ngoài thuộc Đại học Giao Thông Thượng Hải, ông Wang Hongxin cho biết các doanh nghiệp tư nhân đúng ra nên là một trong các tập đoàn xã hội được coi trọng nhất. Không may là xã hội Trung Quốc có quan niệm sai lầm về các doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, và nhìn chung là họ ghét người giàu có. Chính vì điều này, kết hợp với các chính sách chính trị khó lường, khả năng bảo vệ mỏng manh đối với tài sản cá nhân, và nền chính trị mục nát, tất cả đều đã ức chế các doanh nghiệp mở rộng ra trường quốc tế, cũng như cản trở chính sách dài hạn.
Nhiều triệu phú di cư
Vào cuối năm 2012, Trung tâm Trung Quốc & Toàn Cầu Hóa (Center for China & Globalization – CCG) và Học Viện Bắc Kinh thuộc Trường Luật Kỹ thuật (Beijing Institute of Technology Law School) đã cùng công bố Báo cáo Thường niên về Di cư Quốc tế của Trung Quốc (2012) [Annual Report on Chinese International Migration].
Báo cáo nhấn mạnh rằng 27% chủ doanh nghiệp siêu giàu (ultra-high-net-worth), với khối tài sản cá nhân trên 18 triệu USD đã di cư, trong khi 47% còn lại đang xem xét việc di cư. Gần 60% các chủ doanh nghiệp giàu có (high-net-worth) với tài sản cá nhân trên 1.8 triệu USD, đã hoàn tất hoặc đang xem xét việc di cư theo diện đầu tư.
Các kết quả khảo sát của Báo cáo Hồ Nhuận năm 2013 (www.hurun.net/) cho thấy tỉ lệ những người giàu nhất Trung Quốc đã di cư, hoặc đang di cư, hoặc đang xem xét việc di cư, đã từ 6.7% vào năm 2012 nâng lên thành 64% vào năm 2013. Một phần ba trong số các triệu phú đã di cư, theo cuộc khảo sát cho hay.
Các tài sản nước ngoài
Một cuộc khảo sát vào năm 2013 thực hiện bởi Wealth Insight, một cơ quan tư vấn tài chính có trụ sở tại London, phát hiện rằng người giàu nhất Trung Quốc hiện nay có số tài sản bí mật ở nước ngoài gần 658 tỷ USD. Tức là chiếm hơn 30% nguồn thu ngân sách của Trung Quốc- 2.13 nghìn tỷ.
Theo báo cáo của CCG ngày 22 tháng Một 2014, Hoa Kỳ, Canada, Úc, và New Zealand là bốn điểm đến chính của những người di cư Trung Quốc. Năm 2012, hơn 152.000 người Trung Quốc đã trở thành thường trú nhân của bốn quốc gia trên: trong đó 81.784 người ở Hoa Kỳ, 33.018 người ở Canada, 29.547 người ở Úc, và 7723 người ở New Zealand.
Trong Global Talent Blue Book – một Báo cáo Thường niên của Di cư Quốc tế của Trung Quốc (2012), được công bố bởi CCG vào ngày 22 tháng Một, đã chỉ ra rằng số người Trung Quốc di cư đã đạt tới 9.343 triệu người. Trung Quốc đã trở thành nguồn di cư lớn thứ tư toàn cầu, và là nguồn nhập cư lớn thứ hai ở nước Mỹ.
Dữ liệu của CCG cũng biểu thị rằng từ năm 2011, người Trung Quốc đã trở thành nhóm người nước ngoài mua bất động sản lớn thứ hai tại nước Mỹ.
Tại Toronto, Canada và London, Anh, 20-40% lượng người nước ngoài mua bất động sản đến từ Trung Quốc.
Vào tháng trước, Canada công bố dự định chấm dứt chương trình người nhập cư đầu tư của nước này và loại bỏ hơn 65.000 trường hợp còn tồn đọng, phần lớn trong số này là người Trung Quốc.
Các lãnh đạo Trung Quốc cũng bắt đầu có ý định ngăn dòng tiền chảy ra nước ngoài. Cao Jianming, người đứng đầu Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, nói rằng Trung Quốc sẽ “làm việc chặt chẽ hơn với các cơ quan tư pháp ở nước ngoài… để truy lùng những người bỏ trốn và để phục hồi các của cải phi nghĩa,” theo truyền thông của nhà nước, Trung Hoa Nhật Báo đăng vào ngày 12 tháng Ba.
Theo ông Cao, 10,14 tỉ NDT (1,65 tỷ USD) thuộc số “tiền bẩn” và tài sản đã được phục hồi, và 762 kẻ tình nghi tham nhũng đã bị bắt giữ cả ở trong và ngoài nước vào năm ngoái.
Bản dịch tiếng Anh bởi Christine Ford và Gisela Sommer.
Xem bản gốc bằng tiếng Trung tại đây.
Theo Vietdaikynguyen