Sử dụng những kĩ thuật khoa học tiên tiến nhất để nghiên cứu xác ướp, bao gồm công nghệ chụp cắt lớp, các nhà Ai Cập học của Bảo tàng Anh đã có thể xây dựng được bức tranh chi tiết nhất có thể về những điều ẩn giấu bên dưới lớp vải quấn quanh xác ướp, kể cả những bí mật mà họ đã mang theo xuống mồ hàng ngàn năm về trước.
Người phụ nữ mang hình xăm
Ảnh chụp cắt lớp 3D của xác ướp phụ nữ ở Sudan
Một trong tám xác ướp sẽ tham gia chương trình triển lãm được tìm thấy chỉ 7 năm trước. Xác ướp này được bảo quản tốt đến nỗi các nhà khảo cổ học gần như có thể nhìn rõ hình xăm ở mặt trong của bắp chân phải bằng mắt thường.
Trong tiếng Hy Lạp cổ, hình xăm được phát âm M-I-X-A-H-A, hay có nghĩa là Michael. Hình xăm này là biểu tượng của Tổng lãnh thiên thần Michael, nhân vật xuất hiện trong cả Kinh Cựu Ước và Kinh Tân Ước. Biểu tượng này từng được tìm thấy trước đó tại những nhà thờ cổ và trên các mặt đá. Nhưng các nhà khoa học chưa từng thấy nó trong hình thù của một hình xăm.
Chủ nhân của hình xăm này là một phụ nữ cao khoảng 1m58, sống trong một cộng đồng Thiên chúa giáo bên bờ sông Nile và qua đời vào khoảng năm 700 sau Công nguyên. Thi thể của cô được quấn trong loại vải lanh và len và được ướp xác trong điều kiện khô ráo.
Xác ướp này được tìm thấy tại một địa điểm khảo cổ ở một nghĩa địa tại Sudan. Trong khi các xác ướp Ai Cập khác đều bị loại bỏ nội tạng trước khi quá trình ướp xác diễn ra, hình ảnh chụp cắt lớp lại cho thấy xác ướp người Sudan này có nội tạng được bảo quản một cách hoàn hảo.
Theo tiến sĩ Daniel Antoine, người phụ trách về phần nhân chủng học của Bảo tàng Anh, lí do người phụ nữ này có hình xăm có thể là nhằm mục đích bảo vệ. Hiện vẫn chưa rõ ai là tác giả của hình xăm này ở Sudan cổ đại và liệu những người bản địa khác có nhìn thấy nó hay không bởi hình xăm nằm ở vị trí cao ở mặt trong của bắp chân phải. Bảo tàng Anh cũng thừa nhận vẫn không chắc chắn vào thời điểm năm 700 sau Công nguyên, phụ nữ sống bên dòng sông Nile mặc những chiếc váy có độ dài bao nhiêu.
Hình xăm trên xác ướp
Thuở dương gian của xác ướp
Chương trình triển lãm sắp tới đầy tiềm năng sẽ là một trong những chương trình thành công nhất mà Bảo tàng Anh thực hiện, tiếp tục chuỗi trưng bày bom tấn truyền thống dựa trên những phát hiện khảo cổ học từ Ai Cập cổ đại.
Một trong những thông điệp mà Bảo tàng Anh muốn gửi gắm là hoạt động ướp xác không dành riêng cho các pharaoh. Vì lí do này, những người phụ trách tại bảo tàng đã cố ý chọn những xác ướp từ trong các giai đoạn khác nhau và có những hoàn cảnh khác nhau. Các xác ướp có độ tuổi chênh lệch khoảng 2 – 50 năm vào thời điểm qua đời. Một số được phát hiện bởi những nhà thám hiểm hơn 100 năm trước trong khi số khác được tìm thấy gần đây trên bờ sông Nile ở khu vực mà ngày nay là Sudan.
Những phân tích mới cung cấp bằng chứng cho thấy, cũng giống như người hiện đại, người Ai Cập cổ đại cũng mắc phải một số bệnh do nồng độ cholesterol cao và họ cũng bị những cơn đau răng dày vò.
“Việc mà chúng tôi định làm trong buổi triển lãm tới là điều tra cuộc sống của tám con người trong quá khứ. Chúng tôi muốn gửi gắm ý tưởng đây không phải là những vật thể mà họ là những con người bằng da bằng thịt. Chúng tôi muốn nắm bắt phần con người của những người này”, John Talor, trưởng phụ trách tại khoa Ai Cập và Sudan cổ đại của Bảo tàng Anh nói.
Chụp cắt lớp xác ướp
Công nghệ chụp cắt lớp xương cho phép đội nghiên cứu xác định tuổi của các bộ hài cốt dựa trên những thương tổn của xương. Ngoài ra, những hình ảnh này còn chỉ ra những cư dân cổ đại sống bên dòng sông Nile đã bị các bệnh về tim mạch và răng như thế nào.
“Những bức ảnh chụp cắt lớp phát hiện hai trong số tám xác ướp có… dấu hiệu cho thấy bệnh tim mạch và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Đây có thể là hậu quả của thói quen sử dụng thực phẩm giàu chất béo hay có thể là yếu tố di truyền”, tiến sĩ Antoine nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho hay một vấn đề lớn khác được phát hiện là có tình trạng sức khỏe răng miệng của phần lớn người trưởng thành vô cùng tồi tệ. Họ có những ổ viêm lớn. Trong một số trường hợp các ổ viêm lớn đến nỗi có thể đã góp phần dẫn đến cái chết của họ.
Thực đơn của người Ai Cập cổ đại khá phong phú. Họ ăn cá, một ít thịt, uống bia, ăn bánh mì và trái cây chứa nhiều đường như quả chà là.
Mang tên “Cuộc sống cổ đại: Những phát hiện mới”, chương trình triển lãm sẽ diễn ra vào tháng 5 năm nay, hứa hẹn mang đến cho khách tham quan một cái nhìn mới về những xác ướp vào thời điểm mà họ vẫn còn là cư dân cổ đại sống bên dòng sông Nile, từ hoàng thân quốc thích cho đến dân đen, ở những khía cạnh thông thường của cuộc sống.
2014-03-24 18:40:38