- Nông dân đua nhau chặt mía
- Nhà máy chậm mua, ruộng mía trổ cờ
- Mía đường cứu cánh, Hoàng Anh Gia Lai ước lãi 950 tỷ đồng năm 2013
- Khổ vì trồng mía ngắn ngày tràn lan
- Cơ giới hóa giảm 20% chi phí sản xuất mía
- Đường Biên Hòa bất ngờ ký kết giao thương với 13 công ty mía đường khác
- Mất mùa mía, méo mặt!
- Đầu nậu thao túng giá mía, dân điêu đứng
- Lối thoát nào cho ngành mía đường Việt Nam?
- Mía đường Việt Nam: Những yếu kém hệ thống
- “Giải cứu” nông dân trồng mía
Như vậy, với tổng nguồn cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường trong niên vụ này sẽ là một áp lực lớn cho các nhà máy sản xuất đường cũng như người trồng mía.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Giám đốc Cty CP Mía Đường Bến Tre, trong khi lượng đường tồn kho khá lớn trong các nhà máy đường, thì mới đây, Bộ Công Thương viện dẫn lý do nhằm đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước, các DN sử dụng đường RE để chế biến thực phẩm nên ra văn bản yêu cầu chỉ cho xuất đường kính trắng RS và ngừng xuất đường tinh luyện RE với số lượng 200.000 tấn và thời gian thực hiện đến hết ngày 30/6/2014 đã tạo thêm sức ép về giá và tiếp tục đưa ngành này đứng trước áp lực tồn kho lớn.
Từ cung đường nhập lậu
Trước bối cảnh ảm đạm trong sản xuất và tiêu thụ đường như hiện nay của ngành mía đường, Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, hiện mùa thu hoạch mía đường đang vào vụ nhưng lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường lên tới trên 400.000 tấn và đang tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Hầu hết lượng đường tồn kho là loại đường tinh luyện (RE). Nguyên nhân tồn kho đường lớn là do ngành đường đang phải chịu sức ép từ hai nguồn cung không chính thống là đường nhập lậu qua biên giới Tây Nam và đường tạm nhập nhưng không tái xuất.
Theo thông tin thị trường và kiểm chứng bằng thống kê đường nhập vào VN và Campuchia của Tổ chức đường thế giới (ISO), hàng năm lượng đường nhập lậu vào VN ước xấp xỉ 500.000 tấn. Tương đương khoảng 1/3 tổng sản lượng của toàn ngành. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay làm lũng loạn thị trường đường trong nước và nhà nước hàng năm thất thu ngân sách khoảng 650 tỉ đồng bao gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế TNDN. Nghiêm trọng hơn nữa là hàng triệu nông dân trồng mía lại rơi vào điệp khúc “trồng – chặt” do giá mía bán không đủ bù chi. Thực trạng này nếu không có những giải pháp quyết liệt từ phía Chính phủ cũng như các ngành hữu quan thì tới đây cả nông dân và các nhà máy đường chắc cũng đành bỏ mía luôn, ông Hải thổ lộ.
Theo như lời một vị đại diện Chi cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang cho biết, việc đường nhập lậu với số lượng lớn vào VN ngày càng gia tăng và thủ đoạn buôn lậu càng tinh vi. Các chủ hàng luôn dùng nhiều biện pháp đối phó với các ngành chức năng như thay đổi bao bì ngay từ bên kia biên giới. Lén lút vận chuyển vào các kho ven sông dọc theo tuyến biên giới, hợp thức hoá hoá đơn, chứng từ, sổ sách kế toán… nên rất khó phát hiện. Một số địa phương còn cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất chế biến đường nhưng họ không có nhà máy sản xuất đường và không có vùng mía nguyên liệu, mà chỉ có phương tiện sang chiết bao. Các cơ sở này dùng đường nhập lậu từ Thái Lan sang bao và kẹp hoặc in một nhãn hiệu nhỏ tên cơ sở mình là xem như đường hợp pháp để phân phối tiêu thụ thoải mái.
Là người am hiểu rõ hơn về cung đường nhập lậu, ông Nguyễn Đỗ Kim – Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, tại An Giang, lực lượng chức năng đã bắt giữ 100 tấn đường nhập lậu. Đối tượng buôn lậu có thủ đoạn dùng bao trắng và gắn tem phụ của cơ sở sản xuất, sang chiết đường rồi gắn vào để hợp thức hóa đường khi tiêu thụ. Khi đó, các ngành chức năng phải thực hiện nhiều biện pháp nghiệp vụ như giám định hóa lý, thành phần, cảm quan… để điều tra tận gốc nguồn gốc lô hàng. Tuy nhiên, những vụ bắt đường lậu chỉ có thể thu hồi chứ không đủ yếu tố khởi tố hình sự. Một cái khó nữa cho lực lượng chức năng khi ngăn đường nhập lậu, theo ông Kim, các đầu nậu đã lợi dụng giấy phép kinh doanh mặt hàng đường để trà trộn tập kết hàng lậu trong các kho này. Cùng với đó, các ghe chở lúa của cư dân biên giới cũng có thể giấu đường ở dưới nên không kiểm soát hết được. Do vậy, muốn chống buôn lậu phải dùng nhiều hình thức. Chẳng hạn, lực lượng Hải quan có lần đã phải nhờ tới 33 nhà máy của VSSA gửi văn bản xác nhận không sản xuất mặt hàng đường đã bị lực lượng hải quan tạm giữ để làm cơ sở xử lý hàng nhập lậu.
Đến câu chuyện XK đường
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, không kể đường nhập lậu, theo dự kiến tổng cung từ các nguồn sản xuất và nhập khẩu theo cam kết WTO sẽ đạt 2,046 triệu tấn đường. Sau khi cân đối cung cầu, VSSA đã đề nghị cho XK tiểu ngạch 500.000 tấn trên lượng dư 646.080 tấn, không phân biệt chủng loại đường luyện RE hay đường kính trắng RS. Còn ông Nguyễn Hải cho rằng, hiện khách hàng đều đang có nhu cầu mua cả 2 loại đường. Do vậy, việc Bộ Công Thương chỉ cho phép xuất đường RS mà không cho xuất đường RE thì càng gây thêm tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE, buộc các DN phải tung đường RE ra bán trên thị trường nội địa với giá thấp. Việc này sẽ đẩy giá đường RS tụt xuống và như vậy sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà máy sản xuất đường RE lẫn RS. Ông Hải đặt vấn đề, liệu có sự ưu ái giữa các DN với nhau không khi mà các nhà máy đường đang phải chịu gánh nặng lớn về lượng đường tồn kho và lãi suất tín dụng, nhưng lại phải đi trữ đường để làm nguyên liệu giúp cho các DN chế biến thực phẩm trong nước để sản xuất. Đây là quyết định không công bằng giữa các nhà công nghiệp sản xuất đường với các nhà công nghiệp tiêu thụ đường đã đẩy các DN sản xuất đường vào áp lực tồn kho lớn vì đường loại nào cũng đang thừa. Bởi theo nội dung công văn mà Bộ Công Thương gởi cho UBND tỉnh Lào Cai về việc “Bán và trao đổi mặt hàng đường niên vụ 2013-2014 qua cửa khẩu phụ Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai” nêu rõ: “chỉ cho phép XK tiểu ngạch 200.000 tấn đường RS với thời hạn đến cuối tháng 6/2014, riêng đường RE chưa cho xuất với lý do cần bảo đảm đường cho các nhà máy sản xuất dùng đường làm nguyên liệu”.
Thực tế hiện nay cho thấy, việc Bộ Công Thương khống chế thời gian được phép XK tiểu ngạch, khi khách hàng nước ngoài nắm được thời hạn mà các DN được phép xuất chỉ đến tháng 6/2014 sẽ dễ bị ép giá khi gần hết hạn XK, vì vậy VSSA cũng đã kiến nghị xin phép cho xuất luôn cả hai loại đường và không giới hạn thời gian XK.
Thực tế này đã khiến các DN ngành mía đường trong nước càng bức xúc hơn khi ngay từ đầu niên vụ mía đường 2013 – 2014 đã được dự báo thừa đường chứ không chỉ là cân đối cung cầu để giải quyết cấp bách khó khăn về đường tồn kho. VSSA bày tỏ lo ngại khi đầu ra của mặt hàng đường ùn ứ đã đẩy các DN ngành mía đường vào thế phải đối mặt nguy cơ phá sản, ảnh hưởng đến giá thu mua mía nguyên liệu của hàng triệu hộ nông dân. Không chỉ vậy, hiện ngành mía đường vẫn đang chờ những biện pháp ngăn chặn được đường nhập lậu hiệu quả, đồng thời có cơ chế thông thoáng để đẩy mạnh XK đường hợp lý nhằm giải phóng hàng tồn kho và nếu các vấn đề này không được thực hiện tốt thì trước hết ảnh hưởng đến nhà sản xuất đường và sau đó ảnh hưởng chung tới nền kinh tế. Đồng thời để tạo được sân chơi bình đẳng, các DN cũng như các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, cần áp dụng ngay hình thức đấu thầu hạn ngạch. Điều quan trọng hơn, thị trường và các DN đang rất cần kế hoạch, cơ chế dự trữ bình ổn giá đối với mặt hàng đường cho năm 2014 này.
Ông Subbaiah – Tổng giám đốc Cty TNHH Công nghiệp KCP VN (Phú Yên): Không thể chấp nhận được Trong khi các nhà máy chế biến đường của VN phải lo đảm bảo cuộc sống ổn định cho hàng triệu hộ trồng mía để giữ vững vùng mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, thì tại một số địa phương trên cả nước lại cấp phép cho các cơ sở, DN không có nhà máy chế biến đường, vùng mía nguyên liệu nhưng vẫn được hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mặt hàng đường. Việc cấp phép này vô tình đã tiếp tay để đường Thái Lan nhập lậu hợp pháp vào VN. Rất đáng bị phê phán. Ông Nguyễn Hải – Tổng Thư ký VSSA: chống buôn lậu là trách nhiệm của các lực lượng chức năng và toàn xã hội Tôi rất đồng quan điểm với ông Đỗ Thanh Lam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khi phán quyết: “Nếu địa phương nào để xảy ra buôn lậu, người đứng đầu các lực lượng chức năng phải chịu trách nhiệm”. Đặc biệt, ông Lam nhấn mạnh vai trò của lực lượng công an là rất quan trọng trong việc điều tra, xử lý những DN làm ăn phi pháp. Việc chống buôn lậu, gian lận thương mại là trách nhiệm của các lực lượng chức năng và toàn xã hội, là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Trước hết, chống buôn lậu hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Như vậy mới xoay chuyển tình hình. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng cần nhận thức rõ về nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc chống buôn lậu. |
Q.Chánh
Diễn đàn Doanh nghiệp
2014-03-05 18:27:09
Nguồn: http://cafef.vn/doanh-nghiep/huong-di-nao-cho-nganh-mia-duong-viet-nam-201403060848485234ca36.chn