Loài khủng long lùn này có tên khoa học là Nanuqsaurus hoglundi, từng sinh sống ở khu vực Alaska cách đây 70 triệu năm. Đây là kết quả của nghiên cứu được công bố trên tờ PLOS ONE.
Hộp sọ của loài khủng long mới này chỉ dài khoảng hơn 60cm, trong khi khủng long bạo chúa có hộp sọ dài tới hơn 150cm. Mặc dù vậy, theo như kết luận của các nhà nghiên cứu Anthony Fiorillo và Ronald S. Tykoski cùng đồng sự, thuộc Viện bảo tàng Tự nhiên và Khoa học Perot, loài khủng long mới phát hiện vẫn thuộc loại khủng long bạo chúa tyrannosaur.
Khủng long tyrannosaur di chuyển trên hai chân sau, chuyên ăn thịt và có hộp sọ tương đối lớn so với kích thước cơ thể của chúng. Để cân bằng trọng lượng với hộp sọ lớn như vậy, đuôi của khủng long tyrannosaur rất khỏe và dài.
Tyrannosaurus rex và “anh em họ” Nanuqsaurus hoglundi. (Ảnh: thescoopblog.dallasnews.com)
Khủng long bạo chúa đã từng sinh sống trên toàn diện tích Bắc Mỹ hiện nay. Loài khủng long mới với kích cỡ siêu nhỏ này lại được phát hiện ở phía cực Bắc của Bắc Mỹ. Hóa thạch được các nhà khoa học thu thập được tại hệ tầng địa chất Prince Creek phía Bắc Alaska.
“Chỉ riêng sự tồn tại của loài tyrannosaur tí hon này cũng đã rất tuyệt rồi, bởi nó cho chúng ta biết về môi trường ở vùng Bắc Cực cổ đại”, Fiorillo phát biểu trong một cuộc họp báo. “Nhưng điều khiến cho phát hiện này trở nên thú vị hơn nữa chính là loài Nanuqsaurus hoglundi cũng cho chúng ta biết thêm về sự đa dạng sinh học ở thế giới Bắc Cực cổ đại trong thời kỳ mà Trái Đất ấm hơn so với bây giờ rất nhiều”.
Kích thước cơ thể nhỏ bé của loài N. hoglundi so với hầu hết các loài khủng long bạo chúa sinh sống ở vĩ độ thấp hơn có thể cho thấy sự thích nghi trong điều kiện nguồn thức ăn khan hiếm vào mùa đông ở phía Bắc. Nói cách khác, đối với loài khủng long bạo chúa, nguồn thức ăn có thể rất dồi dào hoặc rất thiếu thốn, và bằng một cách nào đó điều này đã giúp sản sinh ra một loài hoàn toàn mới.
Có một vài giả thuyết về việc khủng long vượt qua cái lạnh phương Bắc như thế nào. Một trong số đó cho rằng khủng long đã ngủ đông. Một giả thuyết khác cho rằng chúng đã di cư về phía nam trong thời kỳ lạnh giá nhất, mặc dù bằng chứng cho giả thuyết này là không nhiều.
Những dấu tích của một loài khủng long mỏ vịt cũng được tìm thấy ở Alaska. Những con khủng long này có thể sống theo nhóm hay theo đàn, để chúng có thể ủ ấm cho nhau. Đây có thể là miếng mồi ngon cho loài khủng long “anh em họ” với khủng long bạo chúa vừa được phát hiện.
2014-03-12 20:08:17