13 tuổi, 6 lần bị bắt vì tội trộm cắp! Thông tin này khiến bất cứ ai quan tâm đến các vấn đề của xã hội cũng đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm giáo dục, cảm hóa con người của các cơ quan, đoàn thể cơ sở ở đâu?
Ảnh minh họa
Đó là câu chuyện rất không vui về cô bé có cái tên khá đẹp là Thân Thị Thùy Trang (SN 2001, ngụ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai), vừa bị bắt lần thứ 6 tại thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương vì tội trộm xe đạp điện.
Sau mỗi lần được thả ra, thói nào tật nấy, Trang lại săn tìm xe đạp điện. Lần này, sau khi bẻ khóa chiếc xe đạp điện tại một trường tiểu học, Trang bị các “hiệp sĩ” Bình Dương bắt giữ và bàn giao cho công an địa phương. Vụ trộm tương tự gần nhất xảy ra cách đây hơn 10 ngày, Trang bị bắt nhưng công an cho mẹ Trang bảo lãnh.
Theo lời khai tại công an, Trang đã “khởi nghiệp” từ năm 9 tuổi, thời gian gần đây, mỗi ngày trộm 2 chiếc xe đạp điện, bán được 8 triệu đồng – một “thành tích” không kém gì các tay anh chị trong giới đạo chích. Trang cũng không giấu chuyện có người chị ruột từng đi trộm xe với mình và bị bắt…
Lỗ nhỏ đắm thuyền, trộm nhỏ không xử lý tốt sẽ thành trộm lớn, thậm chí cướp. Đó gần như là điều hiển nhiên. Trong trường hợp trên đây, công an khó mà tự ý “mạnh tay” được bởi cô bé chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo luật pháp. Chính sự rắc rối, phức tạp nằm ở đây.
Trẻ vị thành niên ngày nay khác với trẻ cùng lứa cách đây một thập niên cả về thể chất và tinh thần. Cũng vậy, mức độ tinh quái, liều lĩnh khi phạm tội ở lứa tuổi này nhìn chung cũng cao hơn. Các vụ thảm án do sát thủ tuổi vị thành niên gây ra thời gian gần đây có thể chứng minh điều đó.
Vậy có phải do sự giáo dục hời hợt hay hình phạt đối với các đối tượng phạm tội là trẻ vị thành niên chưa tương xứng với tính chất và mức độ phạm tội nên tình trạng trẻ hóa tội phạm ngày càng gia tăng? Tùy mức độ, câu trả lời có thể là cả hai nhưng câu trả lời đúng hơn nghiêng về nguyên nhân địa phương còn thờ ơ với công tác giáo dục.
Trong các cuộc sinh hoạt ở địa bàn dân cư về an ninh, trật tự, dân sinh, có thể nói vai trò của mặt trận và các đoàn thể chưa thật nổi trội so với chính quyền, công an. Mờ nhạt không phải vì vị thế mà là vì không nắm giữ và phát huy hết vai trò động viên, giáo dục của một bộ phận không thể thiếu trong hệ thống chính trị. Lẽ ra, những mệnh lệnh hành chính khô cứng, những lời lẽ “răn đe, xử phạt” của chính quyền cần được mềm hóa bằng công tác dân vận để người dân dễ thấu lý, đạt tình. Đó còn là điều thiết yếu để kiến tạo môi trường xã hội văn minh, thân thiện.
Trong trường hợp của cô bé Trang, sai lầm sẽ không tiếp nối sai lầm nếu như có sự phối hợp giữa chính quyền với mặt trận và các đoàn thể liên quan để không chỉ phê phán mà còn giáo dục, không chỉ nhắc nhở mà còn giúp đỡ mở lối ra cho người phạm tội, nhất là trẻ vị thành niên.
Trám ngay lỗ nhỏ để tránh đắm thuyền là vậy!
Theo NLD