Các chuyên gia đã tiết lộ cách để phục hồi dữ liệu máy bay gặp nạn từ hộp đen, tương tự trong trường hợp MH370 của Malaysia Airlines nếu thiết bị quan trọng này được tìm thấy.
Vẫn không chắc chắn rằng người ta có thể tìm thấy hộp đen của MH370 ở Ấn Độ Dương rộng lớn và sâu thẳm hay không. Nhưng nếu việc tìm kiếm thành công, các thông tin từ hộp đen có thể giúp giải quyết điều gì bí ẩn đã xảy ra với MH370.
Dù được gọi là hộp đen nhưng thực tế thiết bị lại được sơn màu cam nổi bật. Thiết bị này thực tế là hộp ghi âm buồng lái (CVR) và máy ghi dữ liệu chuyến bay (FDR).
Cả hai đều hoạt động từ nguồn điện lấy từ máy phát sản sinh điện từ động cơ máy bay. Phần vỏ của thiết bị được làm bằng vật liệu siêu cứng chống va đập, không bắt lửa. Nếu bị chìm xuống đáy biển, lớp vỏ của nó đủ khả năng bảo vệ dữ liệu bên trong tới 2 năm ở độ sâu 3 km. Trong rất nhiều vụ tai nạn máy bay, lõi của hai hộp đen (CSMU) là phần còn nguyên vẹn cho dù những bộ phận khác bị hư hại. Như vụ tai nạn máy bay Air France của Pháp ở Đại Tây Dương năm 2009 là một ví dụ.
Các chuyên gia Ban An toàn giao thông quốc gia tại Mỹ nói rằng ngay cả khi hộp đen bị nhấn chìm trong nước biển một thời gian dài, dữ liệu vẫn có thể được phục hồi.
Ngay sau khi tìm thấy hộp đen, người ta sẽ chuyển nó đến phòng thí nghiệm của trung tâm giải mã. Nếu hộp đen bị nhấn chìm trong nước biển, kỹ thuật viên sẽ rửa sạch muối ăn mòn trong nước ngọt sạch. Nếu nước ngấm vào thiết bị ghi âm, nó sẽ được sấy khô cẩn thận trong nhiều giờ hoặc thậm chí cả ngày, sử dụng lò chân không để ngăn các con chip bộ nhớ bị nứt. Các con chip được xem xét kỹ lưỡng dưới kính hiển vi, thậm chí nếu có bị nứt, dữ liệu trên đó sẽ chuyển sang con chip khác.
Trong khi bộ phát tín hiệu có thể phát ra những tiếng ‘ping’ trong 1 tháng thì dữ liệu bên trong vẫn thường ghi lại lâu hơn nữa. Hộp đen ghi lại mọi âm thanh trong khoang lái máy bay suốt 25 giờ. Các kỹ thuật viên sẽ xem xét từng chi tiết nhỏ nhất của thiết bị lưu trữ này nhằm phát hiện những âm thanh bất thường như tiếng mở cửa, tiếng ghế di chuyển, tiếng nổ… trong khoang lái.
Vì lý do bảo mật và pháp lý, hộp đen không bao giờ rời khỏi phòng thí nghiệm, nhưng các thông tin khác có thể được công bố nhằm hỗ trợ điều tra.
Số phận bí ẩn của chuyến bay MH370 nhiều khả năng sẽ không thể lý giải được cho tới khi hộp đen của máy bay được tìm thấy. Theo nhà sản xuất, CVR của MH370 chỉ lưu giữ âm thanh ghi lại trong hai tiếng đồng hồ bay cuối cùng của phi cơ. Mặt khác, dù có màu sắc nổi bật nhưng không dễ phát hiện ra nó giữa đại dương mênh mông và sâu thẳm như Ấn Độ Dương.
Việc tìm kiếm sẽ nhằm xác định vị trí của xác máy bay trước khi có thể định vị được hộp đen thông qua việc dò bắt tín hiệu ‘ping’. Nếu các tín hiệu ‘ping’ bị cản bởi tầng nước ấm hơn hoặc lạnh hơn ở phía trên, thì nó có thể bị gián đoạn hoặc bị đổi hướng.
Khi bộ phận phát tín hiệu ‘ping’ hết pin, người ta sẽ phải dùng các biện pháp khác, chẳng hạn như dùng máy dò kim loại. Honeywell, hãng làm thiết bị phát ‘ping’ gắn trên MH370, nói tín hiệu chỉ có thể thu được trong phạm vi bán kính một dặm. Nhưng nếu ở đáy biển sâu và bên hải quân dùng công nghệ phát hiện âm thanh dưới nước thì cơ hội tìm thấy sẽ cao hơn so với các thiết bị tìm kiếm thông thường.
Trường hợp hộp đen của chiếc 447 của Air France chỉ được tìm thấy sau khi nó không còn phát ‘ping’ nữa. Và nó được phát hiện bằng các phương tiện không người lái di chuyển dưới nước.
H.Nguyên
Có thể bạn quan tâm: Mạng lưới radar canh trời của Việt Nam
2014-03-30 05:00:18
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/may-bay-mat-tich-cach-giai-ma-hop-den-tim-bi-an-mh370-a128149.html