Giả sử chiếc máy bay đã rơi xuống biển, làm thế nào để những người trên máy bay có thể sống sót giữa biển khơi?
Sống sót sau tai nạn máy bay
Điều đầu tiên phải quan tâm khi máy bay rơi xuống biển chính là làm thế nào để sống sót sau cú rơi. Và khả năng sống sót này cao đến ngạc nhiên. Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ (NTBS), tỷ lệ hành khách sống sót sau một vụ máy bay rơi lên đến hơn 95%. Các chuyên gia đã lưu ý vài điều hành khách có thể làm để tăng cường khả năng sống sót, ví dụ như mặc quần áo và đi giày dép phù hợp.
“Tưởng tượng bạn phải chạy ra khỏi một chiếc máy bay đang bốc cháy. Trong trường hợp đó, đôi dép tông của bạn có giúp bạn chạy nhanh hơn không? Đôi giày cao gót của bạn thì sao?”, Cynthia Corbett, một chuyên gia nhân tố con người tại Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) chia sẻ.
Một chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines. (Ảnh: livescience)
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ngồi sau cánh máy bay có 40% cao hơn cơ hội sống sót so với những người ngồi ở phần đầu của máy bay, và những chỗ ngồi cạnh lối đi gần cửa thoát hiểm là những chỗ an toàn nhất.
90 giây đầu sau va chạm là khoảng thời gian quan trọng nhất: Nếu bạn bình tĩnh và thoát nhanh khỏi máy bay, cơ hội sống sót của bạn sẽ cao hơn rất nhiều. Một số hành khách có thể rơi vào tình trạng hoảng loạn đến nỗi không thể tự tháo đai an toàn. Số liệu của NTBS cho thấy có rất nhiều nạn nhân tai nạn máy bay được tìm thấy trên ghế ngồi của họ, vẫn đang thắt đai an toàn.
“Điều quan trọng chính là biết phải làm gì, kể cả khi không được hướng dẫn. Một số người chỉ ngồi và chờ được hướng dẫn, và nếu họ không nghe thấy gì, họ sẽ ngồi mãi ở đó chờ tai họa ập xuống đầu”, Corbett cho biết.
Cá, rùa và chim
Bất cứ vụ máy bay rơi xuống biển nào cũng là một ví dụ về những trường hợp đặc biệt, bởi bất cứ ai sống sót cũng sẽ phải đối mặt với việc tiếp tục tồn tại giữa biển khơi, trên một thuyền cứu hộ hoặc nửa chìm nửa nổi trên mặt nước.
Thuyền cứu hộ sẽ tăng khả năng sống sót lên hết sức đáng kể, bởi chúng ít có khả năng bị giảm sức chịu đựng do liên tục bị nước vỗ vào, cũng như khó bị cá mập tấn công, và chúng còn thu hút cá và chim chóc, những nguồn thực phẩm quý giá. Thêm vào đó, thuyền cứu hộ thường được trang bị đồ sơ cứu, nước uống, pháo hiệu và màn che để bảo vệ hàng khách khỏi các tác động bên ngoài. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ: không phải mọi chiếc máy bay đều có thuyền cứu hộ.
FAA yêu cầu các máy bay trang bị thuyền cứu sinh cho mọi hành khách khi thực hiện những chuyến bay dài qua biển, thường là từ 50 dặm (81km) trở lên. Tuy nhiên trong một số trường hợp, FAA không bắt buộc một số chuyến bay nhất định phải có thuyền cứu hộ, ví dụ như máy bay có áo phao cho mọi hành khách và không bay cao quá 25000 feet (7,6km). Tại thời điểm này vẫn chưa rõ liệu chuyến bay 370 của hãng hàng không Malaysian Airlines có trang bị thuyền cứu hộ không.
Sống sót trên biển
Kể cả những người may mắn lên được thuyền cứu hộ cũng phải đối mặt với những thách thức nản lòng, cụ thể là bị mất nước và bị đói.
Ảnh: theeasterntribune.com
Cơ thể người cần có nước để tồn tại, và rất ít người có thể sống sót quá một tuần mà không có nước. Nhiệt độ, độ ẩm, kích thước cơ thể và sức khỏe của một người có thể kéo dài hoặc rút ngắn khả năng sống sót mà không có nước của họ.
Tháng 1 vừa qua, một người tên là Jose Salvador Alvarenga đã dạt vào bờ biển đảo Marshall sau khi đã lênh đênh suốt 13 tháng trong hành trình dài 5000 dặm (8000km) từ Mexico. Alvarenga cho biết anh sống sót là nhờ uống máu rùa và nước mưa, và ăn cá và chim bắt được.
“Trên biển, rùa, chim và cá là những thứ có thể ăn mà không cần phải nấu lên. Bị ngộ độc do ăn cá biển rất hiếm khi xảy ra”, Giáo sư dược học Claude Piantadosi của Trung tâm Y tế Đại học Duke cho biết.
Alvarenga cũng nói rằng anh đã phải uống nước tiểu của mình khi chẳng có gì uống được, nhưng đây không phải là một ý hay. “Uống nước tiểu có nghĩa là tái nạp lại lượng muối mà thận của bạn đang cố gắng thải ra”, theo giáo sư Piantados.
Khi rơi xuống biển, một người không có đồ cứu sinh hay thứ gì nổi để bám vào sẽ nhanh chóng kiệt sức sau vài giờ, đặc biệt là khi bị ngâm trong nước lạnh. Cá mập cũng là một mối nguy, mặc dù việc bị cá mập tấn công không phổ biến như nhiều người vẫn nghĩ.
Một vấn đề nghiêm trọng hơn là sự mất nhiệt, xảy ra khi nhiệt độ nước khoảng 60 độ F (16 độ C). Nhiệt độ nước mặt tại vịnh Thái Lan, nơi chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia có khả năng đã rơi xuống vào khoảng 80 độ F (27 độ C). Điều này có nghĩa là cơ hội sống sót của hành khách bị rơi xuống đây sẽ cao hơn.
Nhưng sẽ phải mất nhiều ngày để tìm thấy chiếc máy bay rơi hoặc bất cứ người sống sót nào. Năm 2009, sau khi chiếc máy bay của hãng hàng không Air France rơi xuống Đại Tây Dương, phải mất 5 ngày để tìm thấy xác máy bay và 2 năm để tìm thấy hộp đen. Toàn bộ phi hành đoàn và 229 hành khách đều thiệt mạng.
2014-03-13 19:24:21