Ngày 15/3, Nga đã phủ quyết bản dự thảo của LHQ chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea. Nga là quốc gia duy nhất của Hội đồng Bảo an bỏ phiếu chống.
Dự thảo nhận được sự ủng hộ của 13 quốc gia thành viên trong Hội đồng bảo an. Nga đã bỏ phiếu phủ quyết, tỏng khi Trung Quốc, được coi là đồng minh của Nga trong vụ việc, bỏ phiếu trắng.
Dự thảo nghị quyết được Mỹ soạn thảo với mục đích không công nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật 16/3.
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho rằng nghị quyết này là không có cơ sở.
Đại sứ Nga Vitaly Churkin phủ quyết bản dự thảo.
Các quốc gia đứng đầu phương Tây đã chỉ trích việc Nga phủ quyết dự thảo. Đại sứ Mỹ, Samantha Power nói “đó là thời khắc buồn và đáng nhớ” và gọi Nga là quốc gia “cô lập, cô đơn và sai trái”.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao cũng đoán trước được việc Nga dùng quyền phủ quyết đối với bản dự thảo và đạt được điều mong muốn khi Trung Quốc không biểu quyết.
Hôm 15/03 ở Moscow, khoảng 50.000 người đổ xuống đường, hô khẩu hiệu “tránh ra khỏi Ukraine” nhằm phản đối hành động của Nga ở Ukraine. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong hai năm qua. Quốc hội ở Kiev tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý là vi hiến, và hôm thứ Bảy 15/03 đã bỏ phiếu giải tán quốc hội Crimea.
Trong khi đó, Kiev cáo buộc lực lượng của Nga đóng chiếm một ngôi làng ở phía bắc Crimea và yêu cầu rút quân. Ngoại trưởng Ukraine nói 80 quân lính với sự hỗ trợ của bốn trực thăng mang súng máy và ba xe bọc thép đã xâm chiếm làng Strilkove.
Nga bắt đầu can thiệp vào bán đảo Crimea sau khi tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ hôm 22/2.
Kể từ năm 1954, Nga đã nhượng bán đảo Crimea cho Ukraine. Cư dân ở đây phần lớn có gốc Nga. Nga cũng đặt căn cứ Hạm đội Biển Đen ở vùng đất này.