Gần đây chúng ta hay nói với nhau rằng trong khi người nước ngoài hay khích lệ còn người Việt lại hay chỉ trích người khác (dù chúng ta cũng không thích nghe chỉ trích). Điều đáng tiếc là những chỉ trích mang tính xây dựng cũng ít so với những chê bai mang tính vùi dập. Câu chuyện xoay quanh người thiết kế trò chơi Flappy Bird gần đây cũng là như thế.
Có thể coi dân Mỹ nói chung là những người điển hình cho việc tạo sự khích lệ bằng những câu khen ngợi dù đôi khi bạn phải tự hỏi liệu họ có khách sáo quá không. Họ thường chỉ phán trong lĩnh vực mà mình nghiên cứu, hiểu biết.
Có lần tôi đi phỏng vấn một chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Đông Nam Á, hỏi ông chính sách đối ngoại của Mỹ năm 2014 nói chung có gì mới ông bảo “về Trung Đông, châu Âu và cả Đông Bắc Á thì tôi xin lỗi, không nói gì đâu”.
Nhưng, thật ra đó chỉ là một trong những điều trái ngược giữa chúng ta với người Mỹ trên rất nhiều lĩnh vực. Có thể chúng không quan hệ biện chứng với nhau, nhưng qua mỗi lá thư, tôi sẽ kể anh chị nghe những điều trái ngược giữa người Việt và người Mỹ.
Lá thư hôm nay, tôi kể về chuyện ẩm thực.
Nếu như ngày xưa các cụ nhà ta đúc kết về việc đánh chén một con gà bằng câu “nhất phao câu, nhì đầu cánh”, rồi giờ đây đi ăn phở gà đùi bao giờ cũng đắt hơn phở gà nầm (ức) từ năm đến mười ngàn đồng mỗi tô, thì ở Mỹ, thịt gà nầm đắt hơn thịt gà đùi. Có trường hợp giá chênh lệch gấp rưỡi tới gấp đôi. Các sản phẩm chế biến từ nầm gà là những món ăn phổ biến thường bày trong tủ kính, trong khi thịt gà đùi chặt ra bỏ túi ni lông bày trên kệ.
Rồi chuyện con ghẹ. Lần nào tôi dẫn bạn mới từ trong nước sang chơi ghé qua chợ hải sản ở Mỹ, các bạn tôi cũng như tôi thuở ban đầu thường chọn ghẹ cái để ăn. Nhưng chỉ có dân Mỹ thu nhập hạn chế mới phải ăn ghẹ cái. Ghẹ đực loại đặc biệt giống như đặc sản, nhiều chỗ bán đắt gấp ba lần ghẹ cái cùng loại.
Những khác biệt tới mức trái ngược này có lẽ không chỉ đơn giản vì khẩu vị, thói quen ăn uống. Vì chúng ta, khi chặt thịt gà vẫn thường chặt nguyên hai cái đùi phần cho hai đứa con yêu quý như biểu trưng cho tình mẫu tử. Bố ưu tiên loại hai nên cho gặm cổ cánh, còn mẹ lúc ăn vẫn phải hy sinh nhiều nhất, trệu trạo nhai nầm.
Nhưng thực ra, thịt gà đùi không chỉ cung cấp ít protein hơn (khoảng 20) mà nó còn chứa nhiều cholesterol (khoảng 13) và nhiều chất béo (gần gấp đôi) so với thịt gà nầm. Thịt đùi chỉ ghi điểm tích cực khi nó nhiều calo và chất muối hơn so với nầm.
Còn ghẹ do không có những nghiên cứu phân tích chi tiết, nhưng những người bán hàng giải thích một cách đơn giản là ghẹ đực nhiều thịt, bóc rất dễ, ít bị ảnh hưởng bởi con nước (tuần trăng).
Đó chính là lý do tại sao người giàu ở Mỹ thường gầy, nói như ngôn ngữ miền Nam là ốm, còn người nghèo lại mập mạp, trong khi chúng ta là ngược lại, nhất là ở lứa tuổi trẻ con.
Như trên tôi đã nói, trái ngược trong ăn uống không phải là lý do dẫn tới khác biệt trong hành vi ứng xử. Nhưng có một điều chắc chắn là những hiểu biết không đúng hoặc chưa đầy đủ từ ẩm thực đã và đang dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Và chỉ trích dựa trên nền tảng hiểu biết chưa đầy đủ, hậu quả khôn lường. Nó tác động tới người khác ở xung quanh, và cả xã hội.
Chúc anh chị sức khỏe!
Phạm Tấn (Washington D.C)