Nằm tại trung tâm Nam Thái Bình Dương có một quần đảo tí hon mang tên Pitcairn. Quần đảo này thuộc quyền sở hữu của Anh Quốc kể từ năm 1838 và cũng là vùng đất thuộc địa cuối cùng của Anh tại Thái Bình Dương.
Quần đảo bao gồm 4 hòn đảo: Pitcairn, Henderson, Ducie, và Oeno nhưng trong đó chỉ có đảo Pitcairn là có người sinh sống.
Nơi đây cũng được biết đến là vùng đất ít dân nhất thế giới, chỉ vỏn vẹn 48 cư dân với 9 gia đình cư trú. Tất cả họ đều là hậu duệ của những thủy thủ người Anh đầu tiên tìm ra hòn đảo “thiên đường nhiệt đới” này. Theo nhiều ghi chép, tổ tiên của những cư dân nơi đây chính là tên cướp biển gắn liền với câu chuyện con tàu Bounty nổi tiếng.
Hình ảnh mô phỏng tàu Bounty
Tài liệu có ghi lại rằng, tàu 3 cột buồm Bounty ra khơi vào năm 1787, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng William Bligh và 44 thuyền viên. Họ có nhiệm vụ vận chuyển cây breadfruit (còn gọi là quả sa kê hay quả mít bột, một dạng cây lương thực hơi giống mít, chứa nhiều tinh bột và có vị giống bột mỳ) tại đảo Tahiti đến đảo West Indies.
Sáng ngày 18/4/1789, trên đường trở về đảo West Indies, một số thuyền viên đã nổi loạn. Nguyên nhân được cho là do họ quá bất mãn với hải quân. Thuyền trưởng Wiliam Bligh cùng 18 thủy thủ trung thành bị quăng khỏi tàu, cùng một chút lương thực, nước uống và một số dụng cụ như la bàn, kính lục phân. Nhờ vào đó, Bligh đã sống sót sau 42 ngày lênh đênh và dạt vào đảo Timor.
Bức tranh vẽ tàu Bounty của họa sĩ Yasmina (2009)
Trong khi đó, những thủy thủ còn lại dạt vào bờ biển Tahiti. Những thủy thủ này cùng với một số cư dân bản địa tìm được nơi trú ẩn an toàn là đảo Pitcairn xinh đẹp. Họ xây dựng một xã hội nhỏ, đồng thời đốt luôn tàu Bounty để không bị phát hiện và ngăn cản những người có ý định chạy trốn.
Tuy nhiên, dù thoát khỏi hải quân nhưng những kẻ nổi loạn lại bất lực trong việc tự trị. Bạo lực nổ ra và chỉ còn vài người sống sót. Những người này chính là tổ tiên của gần 50 cư dân hiện đang cư trú trên đảo.
Ngày nay, đảo Pitcairn thực sự là một “thiên đường” dành cho những ai muốn có cuộc sống yên tĩnh. Theo đánh giá của nhà thám hiểm người Scotland – Tony Probst, hòn đảo có thể xem là một trong những khu nghỉ dưỡng đẹp nhất trên thế giới.
Hòn đảo Pitcairn là hòn đảo duy nhất có người cư trú với vỏn vẹn 48 cư dân
Một trong những lý do mà nhà thám hiểm Tony Probst nói Pitcairn là thiên đường cho những ai muốn cuộc sống yên bình bởi phần lớn bao quanh đảo Pitcairn là đá, những cư dân nơi đây lại ít và vô cùng thân thiện.
Đảo Pitcairn không có nhiều du khách ghé thăm do việc tiếp cận đảo khá khó khăn.
Với địa hình nhiều đá như vậy, cuộc sống của cư dân đảo Pitcairn không mấy thuận lợi. Thu nhập trên đảo hoàn toàn phụ thuộc vào du lịch. Tuy nhiên, do là hòn đảo cuối cùng thuộc lãnh thổ Anh ở biển Thái Bình Dương, gần như biệt lập nên khách du lịch để tới được đảo Pitcairn phải đi tàu từ New Zealand và chuyến đi sẽ mất tới… 10 ngày.
Hoặc nếu bạn chọn cách khác là ghé thăm “người hàng xóm” thân cận nhất Tahiti và quần đảo Gambier trước khi tới hòn đảo thiên đường Pitcairn thì cũng phải đi thuyền hàng trăm km.
Hình ảnh một bến đậu thuyền ở đảo Pitcairn và cũng là nơi câu cá tuyệt vời
Tuy sống ở một nơi gần như biệt lập nhưng những cư dân ở đảo không sống cuộc sống “dân dã” như nhiều người vẫn tưởng. Được tạo điều kiện, trên đảo Pitcairn vẫn có điện, nước ngọt để sinh hoạt, internet… mặc dù mức giá cao hơn nhiều so với cư dân đất liền.
Hình ảnh bà Irma – cư dân lớn tuổi nhất trên đảo đang “vi vu” trên chiếc xe gắn máy
Đặc biệt hơn, họ cũng có những chiếc máy phát điện, đủ phục vụ cho 9 hộ gia đình sống trên đảo. Có lẽ bởi với số dân ít ỏi mà những cư dân nơi đây vô cùng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau.
Theo nhà thám hiểm Tony Probst, bà Irma được coi là cư dân lớn tuổi nhất trên đảo khi đã bước qua tuổi 87, còn cư dân nhỏ tuổi nhất mới chỉ 3 tuổi. Khi đến tuổi đi học, những đứa trẻ này sẽ được gửi tới một lớp học do một giáo viên là người trên đảo đảm nhận. Đến tầm trung học, những học sinh đó sẽ được gửi vào theo học ở các trường công lập tại New Zealand.
Toàn cảnh đảo Pitcairn ban ngày
Cảnh hoàng hôn trên Pitcairn
Hầu hết những cư dân nơi đây đều đánh bắt cá, hải sản để làm lương thực ăn mỗi ngày. Tuy nhiên, một số người không ăn cá vì vấn đề tôn giáo. Thay vào đó, cứ mỗi quý, tàu từ New Zealand sẽ cập bến và cung ứng thêm nhu yếu phẩm như quần áo, đồ dùng sinh hoạt và một số lương thực cần thiết.
Bên cạnh việc làm du lịch, cư dân trên đảo còn đóng hộp mật ong. Đây được coi là mặt hàng xuất khẩu duy nhất đem lại thu nhập cho những cư dân nơi đây. Dù không mấy dư dả nhưng những cư dân đảo Pitcairn vẫn luôn vui vẻ và cảm thấy hài lòng với cuộc sống “biệt lập” của mình.