M.K chia sẻ vì hoàn cảnh bắt buộc nên cậu mới phải đi bán tinh trùng để kiếm sống.
Mấy năm trở lại đây, thị trường mua bán tinh trùng dường như chưa bao giờ hết “nóng”. Nếu như “chợ tinh trùng” ngoài đời khá nhộn nhịp ở những khu vực gần các bệnh viện phụ sản lớn như bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội… thì “chợ” ở trên mạng cũng “tấp nập” không kém. Dạo qua một vài diễn đàn mua bán tinh trùng, chúng tôi gặp khá nhiều “nick-name” thường xuyên đăng tải những lời chào hàng “bán tinh trùng chất lượng tốt”. Hầu hết trong số họ đều là sinh viên hoặc những người đang thất nghiệp. Dường như “bán tinh trùng” đang trở thành nghề hot, “cứu cánh” cho những người cần tiền.
Tình cờ dạo qua các “chợ” bán tinh trùng trên mạng, chúng tôi đã có cuộc nói chuyện với M.K (nicknam Vangtrang…) – một người rao bán tình trùng. Hiện tại, cậu đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội. M.K đã có những chia sẻ rất thật về cái nghề “bất đắc dĩ” của mình.
Bán tinh trùng – “Túng mới phải liều!”
Qua nói chuyện với M.K, được biết cậu hiện tại đang là sinh viên một trường cao đẳng ở Hà Nội. M.K nói: “Em đã tốt nghiệp cao đẳng nhưng đang học liên thông lên đại học. Gia đình em khó khăn lắm. Bố mất sớm, nhà đông anh chị em mà em lại là anh cả nên mẹ chẳng thể lo được đủ tiền cho em ăn học. Học xong năm đầu là em đã phải tự lo kinh tế trang trải cho bản thân và phụ cấp thêm cho gia đình. Ban đầu em đi làm nghề bưng bê cho đội nấu ăn đám cưới. Mỗi lần đi như thế cũng được 80-100 nghìn đồng nhưng công việc bập bõm, ngày có, ngày không. Đến năm thứ 3 đại học, em không may đi chơi về khuya, lúc đó trong người có chút men rượu nên em đã bị tai nạn giao thông và gẫy chân. Em không dám nói điều này với mẹ vì mẹ em ốm lắm, lại còn lo kinh tế cho 4 đứa em nhỏ nữa. Em đành vay tiền bạn bè để chữa trị.”
Trong lần chữa trị này, M.K đã phải vay đến gần 20 triệu đồng vì cậu bị gẫy chân, phải phẫu thuật đóng đinh và nằm liệt giường cả tháng trời. Cũng năm đó, M.K phải xin bảo lưu học 1 năm để dưỡng bệnh. Những tháng ngày đó, cậu đã phải sống một cuộc sống khổ cực vì đeo bên mình một cục nợ lớn. Sau tai nạn khoảng 3 tháng, K tìm được công việc là nhân viên kinh doanh cho một công ty. Thế nhưng oái oăm lần nữa là cậu lại bị lừa số tiền không hề nhỏ so với một chàng sinh viên nghèo – 5 triệu đồng. Trung tâm môi giới việc làm đã giới thiệu cho cậu công việc này. Sau các vòng sơ tuyển, M.K được yêu cầu phải đóng mức tiền là 5 triệu đồng để giữ chân tại công ty. Công ty hứa sau khi cậu vào làm chính thức (sau 2 tháng thử việc) sẽ trả lại. Nghĩ rằng đây là công việc tốt, trong lúc đó cậu đang rất khó khăn nên M.K lại vay mượn người thân để nộp cho công ty. Thế nhưng chỉ 3 ngày sau khi đóng tiền, công ty bỗng dưng biến mất, lúc nàu cậu mới tá hỏa đó là công ty “ma”.
M.K trở lại trường trong hoàn cảnh chẳng có một xu dính túi trong tay nhưng cậu vẫn muốn học cho xong đại học theo mong ước của mẹ ở quê. Với gia đình, M.K luôn được coi là người con ngoan, người anh gương mẫu. Thế nhưng nào ai biết cậu đang “sống dở, chết dở” với đống nợ nần. Thời điểm đó, cậu vừa đi học buổi tối, lại tiếp tục đi làm nhân viên chạy bàn cho một nhà hàng và chính tại đây là nơi bắt mối cho M.K đến với nghề bán tinh trùng.
Vì hoàn cảnh bắt buộc nên M.K mới phải đi bán tinh trùng để kiếm sống. (Ảnh minh họa)
Lần đầu bán tinh trùng – run lắm!
M.K kể: “Trong một lần phục vụ tiệc cưới tại nhà hàng, em đã gặp một chị là khách của bữa tiệc đó. Chị xin số của em nói là có việc và 3 ngày sau chị gọi lại. Chị nói muốn bàn với em một phi vụ làm ăn lớn. Qua cuộc nói chuyện, chị bảo nhìn em cao ráo, cũng có học thức và trông ngoại hình khá ổn, hay là em đi bán tinh trùng đi. Nói thật đây là lần đầu tiên em được nghe đến nghề bán tinh trùng. Chị ấy nói rất nhiều lời có cánh khen em đẹp trai, có học thức thì đi làm bưng bê làm gì. Trong khi chỉ một lần bán tinh trùng cũng bằng vài năm đi bưng bê của em.
Vì đang chồng chất nợ nần mà công việc hiện tại cũng chẳng ổn định, em vẫn còn phải đi học nữa, nghĩ cũng không thiệt gì cho bản thân mà lại có khoản tiền lớn để chi trả nợ nần nên em đã đồng ý.”
Vậy là một tuần sau đó, M.K được chị môi giới nọ dẫn đến gặp mặt một cặp vợ chồng hiếm muộn. Sau cuộc trò chuyện hỏi han về nguồn gốc gia đình, học hành, các bệnh liên quan… họ đã đồng ý sẽ mua tinh trùng của cậu với giá 10 triệu đồng sau khi thụ tinh nhân tạo thành công. M.K được đóng giả là người hiến tinh trùng cho cặp vợ chồng hiếm muộn và họ cùng nhau đến bệnh viện. Ngồi kể lại việc lần đầu tiên bán tinh trùng, M.K không khỏi hồi hộp: “Người ta đưa cho em một chiếc lọ nhỏ để đựng tinh trùng và bảo em xuất tinh vào đó. Lần đầu làm cái việc khó khăn này, em đã run bắn, phải vào phòng ngồi trấn tĩnh 1 giờ mới đủ bình tĩnh để có thể xuất tinh. Khi cầm cái lọ nhỏ kia, em còn run run mãi. Nhưng nhìn thành phẩm, chỉ một “tài sản” nhỏ mà thu được 10 triệu đồng thì quá dễ đấy chứ?”
Thật may mắn là ngay sau lần đó, chị vợ mua tinh trùng đã thụ thai thành công và M.K đã được nhận 10 triệu đồng. Cậu chia sẻ: “Hôm nhận tiền, em mừng lắm. Vội gửi về cho mẹ 2 triệu và tiền còn lại trả nợ. Em thấy cái việc này đơn giản mà dễ kiếm tiền.”
Thấy tiền, tối mắt!
Khi được hỏi nếu có người môi giới mua bán tinh trùng nữa, M.K có bán nữa không? Cậu sinh viên vui vẻ trả lời: “Chắc có anh ạ.” Có lẽ đồng tiền đã làm chàng trai trẻ tối mắt khi không chịu tìm hiểu về những tác hại xung quanh việc mua bán tinh trùng. Không chỉ có thế việc bán tinh trùng nhiều lần còn là hành vi phạm pháp nữa.
Trên thực tế, những người bán tinh trùng như M.K không phải là hiếm. Tuy nhiên đây là việc làm trái pháp luật và cần được các cơ quan chức năng vào cuộc. Một lời cảnh báo với những người đi bán tinh trùng là cũng cần tìm hiểu thêm về những tác hại của việc làm này trước khi bị đồng tiền làm tối mắt.
Mời các mẹ đọc đọc Phần 2: Bán tinh trùng: Chuyên gia nói gì? vào 10h00 ngày 9/4/2014 trên chuyên mục Bà bầu – Eva. |
2014-04-08 02:16:29
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/ban-tinh-trung-tung-moi-phai-lieu-c85a175863.html