Mỹ đang bỏ xa thế giới về công nghệ sản xuất trực thăng vận chuyển không người lái với dự án trực thăng ARES thế hệ mới nhất để trang bị cho lực lượng không quân Mỹ.
Theo một số nguồn tin, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của ARES sẽ được thực hiện vào năm 2015. Mỹ hy vọng sẽ sớm hoàn thiện dự án và đưa vào sản xuất hàng loạt trực thăng ARES để biên chế cho quân đội.
Đảm bảo hậu cần ở khu vực khó khăn nhất
Trực thăng là phương tiện không thế thiếu trong bất kỳ lực lượng quân đội nào trên thế giới. Trực thăng có thể đảm nhiệm được rất nhiều vai trò, từ tấn công tiêu diệt đa dạng các loại mục tiêu, yểm trợ cho lực lượng bộ binh và đặc biệt là chức năng đảm bảo hậu cần.
Trong bất kỳ một cuộc chiến tranh nào, phạm vi to hay nhỏ thì việc đầu tiên là yếu tố hậu cần phải được tính toán làm sao cho đảm bảo nhất. Tất nhiên vận chuyển hậu cần có thể bằng nhiều con đường và phương tiện khác nhau từ đường thủy, đường bộ và đường không. Nhưng trong các cuộc chiến tranh hiện đại thì đa số quân đội các nước sẽ sử dụng vận tải đường không và cụ thể là các trực thăng vận tải vì chúng sở hữu khả năng vận chuyển nhanh nhất, cơ động nhất, đặc biệt là khả năng thích ứng với nhiều địa hình (Khi trực thăng hoạt động thì không cần phải đường băng dài, chỉ cần một khu đất bằng phẳng có đường kính bằng 1,5 lần đường kính của cánh quạt).
Hình ảnh mô phỏng khác của trực thăng ARES trong nhiệm vụ cứu thương.
Tuy nhiên, trực thăng nói chung hay trực thăng vận tải nói riêng luôn là miếng mồi ưa thích của các hệ thống phòng không của đối phương. Trực thăng bay chậm hơn và thấp hơn các loại máy bay chiến đấu nên chúng rất dễ bị bắn hạ, hơn nữa số lượng phi công và trực thăng không phải lúc nào cũng đảm bảo cho các đơn vị quân đội, đặc biệt là trong thời chiến.
Chính vì những yêu cầu thực tế đó, quân đội Mỹ mới phát triển dự án trực thăng vận chuyển không người lái ARES để có thể trang bị hàng loạt cho các đơn vị quân đội Mỹ hiện nay, đảm bảo được công tác hậu cần một cách nhanh chóng và đầy đủ nhất, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ được giao. ARES là dự án phát triển trực thăng vận chuyển không người lái quân đội Mỹ rất kỳ vọng.
Dự án đầy tham vọng này của quân đội Mỹ được đảm nhiệm bởi cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc. Dự án ARES được phát triển từ dự án DARPA’s Tranformer (TX) vào năm 2009, đã thử nghiệm một chiếc “xe bay” có khả năng chạy dưới đất như dòng xe ô tô thể thao vượt địa hình và có thể chuyển sang chế độ bay lên thẳng.
Tuy nhiên, vào năm ngoái, DARPA đã chuyển hướng nghiên cứu, huy động nhân sự và kinh phí để tập trung phát triển trực thăng không người lái, có thể vượt qua được các mối đe dọa từ các hệ thống phòng không của đối phương và đảm bảo được công tác hậu cần ở những khu vực khó tiếp cận. Kết quả là ra đời chương trình ARES hiện nay.
Theo thông tin từ DARPA thì dự án ARES đang hoàn thiện giai đoạn thứ ba (giai đoạn cuối) với đội ngũ các chuyên gia và kỹ sư hàng đầu đến từ hai công ty chế tạo máy bay nổi tiếng của Mỹ là Lockheed Martin Skunk Work và Piasecki Aircraft.
Thay đổi hình dạng
Điểm đáng chú ý đầu tiên đối với các trực thăng ARES đó là chúng có khả năng “biến hình”, nghĩa là có khả năng thay đổi hình dạng phù hợp với nhu cầu của thực tế chiến trường.
Cụ thể hơn hãy hình dung ARES là một bộ phận tháo rời với hai cánh quạt hai bên nằm trong một bộ khung cánh và có khả năng cất cánh – hạ cánh lên thẳng như máy bay trực thăng thông thường nhưng chỉ chiếm diện tích khi hạ cánh bằng 1/2 so với những máy bay trực thăng hiện tại có cùng kích cỡ. Hai cánh quạt có khả năng xoay để chuyển sang chế độ bay với tốc độ tương đương những máy bay cỡ nhỏ. Khi cần vận chuyển binh lính thì bộ phận ở giữa của ARES sẽ được lắp một khoang thích hợp, còn khi vận chuyển hàng hóa thì lại được thay thế bằng một khoang khác.
Tóm lại là các bộ phận có thể thay đổi để làm sao cho việc vận chuyển được hiệu quả nhất, chứ chúng không cố định như các loại trực thăng có người lái hiện nay.
Trực thăng ARES sử dụng một hệ thống điều khiển bay kỹ thuật số hỗ trợ điều khiển từ xa cho phép nó hoạt động như một chiếc trực thăng không người lái, các thiết bị camera phân giải và cảm biến hồng ngoại giúp trực thăng này hoạt động hiệu quả cả ban ngày lẫn ban đêm.
Đáng chú ý là do được điều khiển một cách vô cùng chủ động từ cơ sở chỉ huy dưới mặt đất nên ARES có khả năng bay với những quỹ đạo rất độc đáo mà theo các chuyên gia vũ khí thì sẽ rất khó cho các hệ thống trinh sát cũng như phòng không của đối phương có thể phát hiện và bắn hạ chúng.
Ngoài ra loại trực thăng này được áp dụng công nghệ vật liệu vô cùng hiện đại nên ARES có khả năng bền bỉ, ít bị hư hỏng, hoàn toàn hoạt động tốt trong mọi điều kiện thời tiết khắc nghiệt như ở sa mạc hay các vùng ẩm thấp, nhiệt đới.
Giới hạn công nghệ hiện nay chỉ cho phép ARES vận chuyển được khoảng gần 1,5 tấn hàng hóa các loại. Vậy nên theo các chuyên gia vũ khí của Mỹ, trực thăng ARES sẽ thích hợp cho công tác vận chuyển thuốc men, cứu hộ, cứu nạn, vận chuyển lương thực, thực thẩm quy mô nhỏ. Còn lại công việc vận chuyển tầm chiến lược (vận chuyển quân, vận chuyển vũ khí hạng nặng…) thì vẫn cần phải sử dụng các máy bay vận tải hạng nặng hàng chục tấn. Mặc dù vậy chúng ta vẫn không thể phủ nhận được những ưu điểm của dòng trực thăng không người lái ARES.
Theo một số nguồn tin, hiện nay quân đội Mỹ còn mở rộng dự án để phát triển thêm các tính năng mới cho ARES để đáp ứng được các yêu cầu của quân đội trong tương lai xa hơn. Như vậy có thể khẳng định rằng, một lần nữa người Mỹ lại đi trước thế giới một bước trong công nghệ vận chuyển hàng không. Bởi vì Mỹ là nước đầu tiên trên thế giới làm chủ được công nghệ sản xuất trực thăng vận chuyển không người lái.
Tiến Phương (Theo Newweapons, Topwars)
Video có thể bạn quan tâm: Sức mạnh thật sự của tàu ngầm Kilo TP.Hồ Chí Minh
2014-04-24 22:48:19
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/chien-luoc-truc-thang-bien-hinh-cuc-hien-dai-cua-my-a130845.html