Công ty mẹ lãi hơn 72 tỷ đồng, Sài Gòn Xanh lỗ 14,4 tỷ đồng
Năm 2013, GMC đạt hơn 1.228,4 tỷ đồng, vượt 13,7% kế hoạch, tăng 15,7%, trong đó doanh thu xuất khẩu đạt gần 1.140 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 52,4 triệu USD; lợi nhuận trước thuế đạt 65 tỷ đồng, vượt gần 5% kế hoạch, tăng 5,86% so với thực hiện 2012; lợi nhuận sau thuế 57 tỷ đồng.
Thị trường xuất khẩu chủ yếu của GMC gồm: Mỹ (chiếm tỷ trọng khoảng 48%), EU (chiếm 53%) và 9% đến từ Nhật Bản và các thị trường khác. Đối với thị trường nội địa GMC kết hợp với Blue Exchange để phát triển.
Năm qua, doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 90% tổng doanh thu công ty, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước là do các thị trường chính của GMC phục hồi trở lại (EU, Hoa Kỳ).
Theo giải trình của GMC trước cổ đông, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ năm 2013 đạt 76,3 tỷ đồng, công ty con là TNHH May Sài Gòn Xanh lỗ 14,5 tỷ đồng. GMC góp vốn vào May Sài Gòn Xanh 51%, nên ghi nhận lỗ từ công ty này hơn 8 tỷ đồng.
Cổ tức năm 2013 được ĐHĐCĐ thông qua là 30%/mệnh giá, trong đó 20% được trả bằng tiền mặt và 10% được trả bằng cổ phiếu (tăng thêm so với kế hoạch). GMC đã tạm ứng cổ tức 20% bằng tiền, chỉ còn lại 10% sẽ thực hiện trong thời gian tới.
Thử nghiệm thêm ODM với hợp đồng đầu tiên 1 triệu USD
Năm 2014, GMC đặt kế hoạch 1.300 tỷ đồng doanh thu và 67 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Mức cổ tức kế hoạch từ 20 – 30%/VĐL, bằng tiền.
Theo GMC, áp lực lớn hiện nay là chi phí lao động tăng; cạnh tranh nguồn cung ứng nguyên phụ liệu về giá cả, chất lượng, thời gian giao hàng.
GMC định hướng thử nghiệm phương thức hàng ODM (công ty tự thiết kế, sản xuất và bán sản phẩm cho khách hàng) để tạo sự khác biệt và tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất. Năm nay, công ty sẽ thực hiện đơn hàng ODM đầu tiên với trị giá khoảng 1 triệu USD.
Tại Đại hội cổ đông cho rằng nên tăng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lên 72 – 80 tỷ đồng, thù lao HĐQT và BKS giảm xuống còn 1,5% lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, chủ tọa đoàn cho rằng, đưa ra mức kế hoạch lợi nhuận 67 tỷ đồng, ban điều hành đã cân nhắc rất nhiều, bởi thị trường dệt may cạnh tranh rất gay gắt.
Đa số ĐHĐCĐ đã thông qua phương án kế hoạch kinh doanh năm 2014 của HĐQT đã trình trước đó.
ĐHĐCĐ cũng đã bầu và thông qua thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2014 – 2018. Theo kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2014 – 2018, GMC phải đạt được doanh thu từ 1.800 tỷ đồng trở lên, lợi nhuận trước thuế phải đạt trên 50% vốn điều lệ.
Trong giai đoạn này, GMC sẽ thu hút vốn đầu tư FDI và cơ hội hợp tác quốc tế trong việc đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và cơ hội hợp tác; GMC sẽ hướng đến thị trường Nga trong tương lai….
“Đau đầu” với tương lai sử dụng khu đất 213 Hồng Bàng
Theo báo cáo của HĐQT, năm 2005, GMC đã mua chỉ định lô đất tại 213 Hồng Bàng, Quận 5 với quyền sử dụng đất hơn 106 tỷ đồng và công ty đã nộp tiền đợt 1.
Năm 2008, GMC bắt đầu hợp tác với Trường Đại học Y Dược Tp. Hồ Chí Minh để mở cơ sở 2 của Bệnh viện Đại học Y Dược. Do tiến độ xây dựng nên dự án hợp tác được gia hạn đến 31/12/2014 – nghĩa là hạn chót vào cuối năm 2014 hợp đồng hợp tác phải chấm dứt.
Tại kỳ họp này, HĐQT đã trình cổ đông chủ trương đầu tư dự án này theo 3 phương án: (1) Tiếp tục hợp tác với bệnh viện ĐHYD dưới hình thức cùng quản lý và khai thác hoặc thuê trọn gói; (2) Tiếp tục thực hiện theo quy hoạch đã phê duyệt và đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất theo mức giá cập nhật, sau đó xúc tiến đầu tư theo quy hoạch – Văn phòng cho thuê và Trung tâm thương mại; (3) Thuê đất cho mục đích hình thành Trung tâm thiết kế, phát triển mẫu khu vực.
Phương án (1) và (2) phải đóng tiền chuyển quyền sử dụng đất khoảng 100 tỷ đồng, kèm những rủi ro pháp lý từ phía đối tác hay rủi ro từ thị trường bất động sản, khó khăn trong chuẩn bị vốn.
Phương án (3) được HĐQT đánh giá là phù hợp, bởi giảm thiểu rủi ro về vốn đầu tư. Tuy nhiên phương án này có thể gặp rủi ro về chính sách quy hoạch, đầu tư của thành phố.
Tại Đại hội, cổ đông cho rằng nên sở hữu được khu đất vì đây là khu đất đẹp, nếu “bỏ lỡ” sẽ “rất tiếc”; cũng có ý kiến cho rằng nên ủy quyền cho HĐQT nhiệm kỳ mới trên cơ sở cân nhắc các lợi ích; hoặc giao cho HĐQT nhiệm kỳ mới triệu tập các cổ đông có sở hữu từ 2% vốn điều lệ trở lên lấy ý kiến, đưa ra quyết định.
Danh sách thành viên HĐQT:
1. Ông Nguyễn Ân
2. Ông Lê Quang Hùng
3. Bà Nguyễn Thị Thu Hương
4. Bà Nguyễn Minh Hằng
5. Bà Phan Thị Phượng
6. Ông Lâm Tử Thanh
7. Ông Lâm Quang Thái
Thành viên BKS:
1. Bà Lê Thị Chín
2. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên
3. Bà Lâm Quan Kiều Phương