Gương “thần” thực chất là một hệ thống sắp đặt 3D, hoạt động nhờ sử dụng các công nghệ chiếu chụp cắt lớp phát xạ (PET), cộng hưởng từ (MRI) và X-quang để thu được những hình ảnh chi tiết về giải phẫu cơ thể người với độ phân giải cao. Toàn bộ quá trình mất khoảng 3 tiếng rưỡi đồng hồ.
Thông tin chiếu chụp được xử lý sao cho nếu ai đó đứng phía trước gương, họ có thể nhìn thấy bên trong cơ thể mình vì các kết quả quét hình ảnh và chụp X-quang được chiếu trên màn hình theo thời gian thực. Ngay cả những người không qua chiếu chụp cũng có thể nhìn thấy giải phẫu cơ thể của một người tương tự.
Gương “thần” cũng biết người soi là nam hay nữ nhờ một thuật toán nhận dạng giới tính đặc biệt.
Các nhà sáng chế cho biết thêm rằng, màn hình cao 1,65m của gươngi sử dụng một camera thu nhận chuyển động của Microsoft Kinect để theo dõi dịch chuyển của một người đứng trước màn hình, tập trung vào chuyển động của 24 khớp. Bộ phận chụp X-quang, PET và MRI sẽ hé lộ kết cấu các xương, cơ, hoạt động não và chức năng của các nội quan.
Gương “thần” dự kiến sẽ được đem triển lãm tại hội nghị về tương tác giữa người với máy tính sắp diễn ra ở Toronto, Canada. Xavier Maître, nhà nghiên cứu công nghệ chiếu chụp y học thuộc Đại học Paris-Sud (Pháp), người nảy ra ý tưởng về gương “thần”, đã quan sát phản ứng của 30 người khác nhau khi đứng một mình trước thiết bị mới trong khoảng 3 phút.
Những người trải nghiệm được cho xem hình ảnh bên trong cơ thể của người khác cùng giới để tiết kiệm thời gian và để thử nghiệm có tác động lớn hơn. Nhóm nghiên cứu phát hiện, 1/3 số họ có phản ứng tự nhiên là cố gắng che đậy cơ thể bị phơi bày và cảm thấy không thoải mái.
Ông Maître lý giải, phản ứng của mọi người trước gương tương tự như của một đứa trẻ khi không rõ liệu sự phản ánh đó có thực sự là hình ảnh về bản thân họ hay không. Ngoài ra, các hình ảnh bên trong cơ thể sống thường khiến mọi người cảm thấy ngượng ngập và không thoải mái vì định kiến “khỏa thân hoàn toàn”.
Ông Maître hy vọng có thể khiến trải nghiệm trước gương trở nên “thực” hơn, bằng cách khiến trái tim trên màn hình rung đập và phổi cử động. Mặc dù gương “thần” hiện mới là một dự án nghệ thuật, nhưng công nghệ này được mong đợi có thể ứng dụng để các bác sĩ giúp bệnh nhân sẵn sàng cho phẫu thuật trong tương lai.
2014-04-18 19:40:15
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/congnghemoi/cong-nghe-moi/53246_guong-than-soi-nguoi-thay-noi-tang.aspx