Những người phản đối viết khẩu hiệu lên đầu, mặt, mặt nạ và quần áo của họ để chống lại chính quyền địa phương khánh thành nhà máy hóa dầu ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, ngày 30/3. (Twitter/@langzichn)
Nhiều cảnh sát, cảnh sát chống bạo động và cảnh sát vũ trang đàn áp người biểu tình bằng dùi cui, trong cuộc biểu tình phản đối chính quyền địa phương khánh thành nhà máy hóa dầu ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, ngày 30/3. (Weibo)
Một nhóm cảnh sát vũ trang mang theo vũ khí và hòm thiết bị để bám theo những người biểu tình, những người xuống đường. để phản đối chính quyền địa phương mở nhà máy hóa dầu ở thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng Đông, ngày 30/3 (Weibo/@Daxitseg)
Vào ngày 30 tháng Ba, hàng chục ngàn người dân ở thành phố Mậu Danh, phía Nam của tỉnh Quảng Đông đã xuống đường phản đối chính quyền địa phương khánh thành nhà máy hóa dầu ở đây. Xung đột đã xảy ra giữa người biểu tình và cảnh sát có vũ trang khiến nhiều người bị thương, trong khi chính quyền kiểm duyệt thông tin báo chí và mô tả vụ xung đột này do “một nhóm nhỏ kẻ chống đối” dàn xếp kỹ lưỡng.
Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy nhiều người máu me bê bết trên mặt và quần áo, trong khi vài người nằm trên mặt đất, dường như bị đánh đến bất tỉnh. Rất nhiều người biểu tình tố cáo cảnh sát chống báo động đã tấn công bạo lực vào người biểu tình hòa bình bằng dùi cui, xịt hơi cay và vòi phun nước. Nhiều bản tin tương tự nhanh chóng bị xóa khỏi các trang mạng địa phương, nhưng vẫn còn trên các trang mạng bên ngoài Trung Quốc.
Một video (chưa xác nhận) được đưa lên trên Youtube cho thấy một nhóm nhiều cảnh sát vũ trang dùng dùi cui và lá chắn để đánh những người biểu tình đang tập trung trước tòa Thị chính của Mậu Danh.
Ước tính số người chết và bị thương khác nhau: những người tham gia biểu tình ước tính 8 người bị chết và 300 người bị thương, mặc dù thông tin này chưa được xác minh. Những người chứng kiến nói rằng có hơn 1.000 cảnh sát chống báo động được phái đến để trấn áp những người biểu tình bằng bạo lực.
Chính quyền thành phố đưa ra thông báo trên trang mạng chính thức của họ, nói: “Không ai bị chết”, và không đề cập số người bị thương và bị đàn áp. Thông báo này cũng lên án “một số kẻ gây rối” đã ném đá và chai nước vào cảnh sát lúc 10h:30 tối Chủ nhật.
Ban đầu, lúc 8h:30 sáng, vài trăm người bắt đầu tập hợp biểu tình và dần dần con số lên đến vài chục ngàn người. Những người phản đối yêu cầu có cuộc gặp với chính quyền thành phố Mậu Danh và các lãnh đạo Đảng về một nhà máy Paraxylene sớm được mở. Paraxylene là chất hóa học chính để sản xuất vải sợi và chai nhựa, nhưng có thể làm tổn thương nội tạng và hệ thần kinh trung ương nếu nuốt phải. Video cho thấy những người phản đối hô to khẩu hiệu và giơ biểu ngữ “PX không có chỗ ở Mậu Danh” và “Chúng tôi muốn không khí sạch”, trong khi đồng hành tiến đến các tòa nhà hành chính. Những người đứng xung quanh thì vỗ tay và hô to ủng hộ.
Sau đó, cảnh sát với gậy dùi cui dài tiến đến nhóm biểu tình khi đám đông này tản ra, cảnh sát bắt đầu bắn, dường như là đạn hơi cay, vào đám đông. Trong một video khác, cảnh sát đánh bằng dùi cui sắt vào một người biểu tình nằm trên đường. Cảnh này khiến người xem bị sốc.
Mục tiêu của những người phản đối hướng đến là nhà máy Paraxylene, xây dựng tốn mất 3.5 tỷ nhân dân tệ (563 triệu USD), bổ sung thêm vào số cơ sở hóa dầu đang có của thành phố, được vận hành bởi tập đoàn dầu khí nhà nước Sinopec. Nhà máy mới có thể sản xuất 600.000 tấn Paraxylene mỗi năm.
Những người phản đối lo ngại sự an toàn của nhà máy hóa chất trong thành phố có 700.000 dân. Nhiều người cũng nổi giận vì chính quyền địa phương đẩy mạnh dự án mà không có hoặc rất ít tư vấn.
Một cư dân Quảng Đông, tên Su Anyan, viết trên mạng xã hội rằng: “Một khi có một sự cố, chính quyền liền phong tỏa thành phố, các kênh thông tin và truyền thông. Liệu quyết định của chính quyền có dựa trên ý kiến của người dân không?”. Cô viết: “PX là dự án gây ô nhiễm lớn. Chính quyền hy sinh môi trường và sức khỏe người dân để đạt GDP cao hơn. Tôi mất hết hy vọng vào chính quyền Mậu Danh”
Truyền thông Đại lục đã im lặng về vụ biểu tình và xung đột này, nhưng thông báo của chính quyền địa phương trên tờ Nhật báo Mậu Danh và sau đó được truyền thông lớn ở Trung Quốc đăng lại, thì lên án những người biểu tình đã “vi phạm nghiêm trọng luật pháp và tác động xấu đến trật tự xã hội”.
Các vụ phản đối lớn tương tự chống lại các nhà máy Paraxylene đã xảy ra ở các thành phố Trung Quốc khác trong những năm gần đây, bao gồm: tại Côn Minh, tỉnh Vân Nam vào tháng 5 năm ngoái, tại Ninh Ba tỉnh Chiết Giang vào tháng 10 năm 2012, và tại Đại Liên tỉnh Liêu Ninh vào tháng 8 năm 2011.
Wan Fang viết tin.
Nguồn: Việt Đại Kỷ Nguyên