Pháp đang tìm khách hàng mua lại các tàu sân bay trực thăng Mistral mà Nga đặt mua, trong các ứng viên có Nam Phi.
Bản tin Pháp Intelligence online đăng bài phân tích thú vị “Crimée: le front… commercial” về tình hình liên quan đến tương lai hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Pháp..
Nếu như việc Nga sáp nhập Crimea làm cho một số nước phương Tây mất đi một số cơ hội đưa ra thị trường sản phẩm quân sự của mình thì chúng lại xuất hiện đối với các nước khác.
Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea, Anh đã đề nghị các nước Baltic cho triển khai các tiêm kích Typhoon ở căn cứ không quân Šiauliai, Litva để bảo đảm an ninh không phận khu vực và ngăn chặn xâm lược từ phía Nga. Sau khi siêu hợp đồng với Các tiểu vương quốc Arab bị hủy bỏ năm 2013, Typhoon khó có thể tìm được khách hàng mới.
Tàu sân bay trực thăng Vladivostok lớp Mistral đang thử nghiệm ở Pháp.
Trong chuyến thăm Ba Lan và Estonia ngày 21/3/2014, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cũng không khoanh tay khi tuyên bố rằng, Pháp cũng sẽ sẵn sàng triển khai ở Siaulai 4 tiêm kích của họ, kể cả tiêm kích Rafale. Các nước Baltic đã là khách hàng của công nghiệp quốc phòng Pháp: vào năm 2013, Estonia đã mua 2 radar tầm xa GM400 của công ty Thales.
Các hãng vũ khí Pháp cũng hy vọng lợi dụng tình hình xung quanh Crime để tăng cơ hội giành thắng lợi trong các cuộc thầu của Ba Lan. Ông Jean Yves Le Drian kể từ khi nhậm chức vào tháng 6/2012 đã đến Ba Lan 7 lần. Công ty Airbus Helicopters (Eurocopter trước đây) nằm trong số các ứng viên giành hợp đồng bán 70 trực thăng EC725 Caracal trị giá 3 tỷ euro cho Ba Lan. Các đối thủ khác là Sikorsky Aircraft Corp. của Mỹ và AgustaWestland của Anh-Italia.
Hôm nay, việc sáp nhập Crimea vào Nga sẽ dẫn đến việc công nghiệp quốc phòng châu Âu mất đi các thị trường tiêu thụ. Tháng 10/2014, Pháp phải xác định khả năng chuyển giao cho Hải quân Nga 2 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral đặt hàng với hãng DCNS. Trong khi chờ đợi thời hạn này, Paris đang xem xét các khách hàng tiềm năng khác và nhất là đang thăm dò Nam Phi.
Trong tương lai dài hạn, việc Crimea gia nhập Liên bang Nga có thể đe dọa sự hợp tác của các công ty Thales và Safran với công ty Sukhoi của Nga. Cả hai hãng Pháp này đang cung cấp sang Nga thiết bị điện tử số, các hệ thống huấn luyện bay và các hệ thống quán tính lắp trên các biến thể xuất khẩu của tiêm kích Su-30. Tình hình đó cũng đang diễn ra với các trực thăng chiến đấu Mi-28NE bán cho Algeria, trong đó một phần trang thiết bị điện tử trên khoang có nguồn gốc Pháp, cũng như dành cho xe tăng Т-90M mà Ấn Độ mua, trên đó có lắp các máy ngắm ảnh nhiệt do Thales sản xuất.
Từ ngày 26-28/3/2014, tàu Vladivostok lớp Mistral đóng ở xưởng đóng tàu STX France ở Saint-Nazaire cho Hải quân Nga đã thực hiện xong lần ra khơi thứ hai thực hiện thử nghiệm nhà máy. Lần đầu ra khơi diễn ra vào ngày 5/3/2014. Dự kiến, tàu này được bàn giao cho Hải quân Nga vào tháng 10/2014.
Bộ Quốc phòng Nga mấy ngày trước đã đặt hàng hãng Vertolety Rossyy sản xuất 32 trực thăng tiến công trên hạm Kа-52K để biên chế cho các tàu sân bay Vladivostok và Sevastopol lớp Mistral mà Pháp đang đóng cho Hải quân Nga.
V.N.H (Vietnamdefence)
Video clip có thể bạn quan tâm: Sức mạnh thật sự của tàu ngầm Kilo TP.Hồ Chí Minh
2014-04-12 17:16:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nga-mat-2-tau-san-bay-truc-thang-mistral-a129331.html