Hoàng Khiết Phu tại một hội nghị ở Đài Bắc, Đài Loan, năm 2010. Các sinh viên ở Đại học Hồng Kông đã chỉ trích trường vì đã trao bằng danh dự cho ông Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y Tế Trung Quốc, vì ông này liên quan đến vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. (Ảnh: Bi-Long Song/The Epoch Times)
Trường Đại học Hồng Kông (HKU) đã bảo lưu lễ trao bằng tiến sỹ danh dự trong tháng này cho một trong những “kiến trúc sư” của hệ thống cấy ghép nội tạng đang bị chỉ trích gay gắt ở Trung Quốc, sau khi Hội Sinh viên của trường chỉ trích quyết định này.
Sau khi gặp gỡ cựu Thứ trưởng Bộ Y Tế Trung Quốc, Hoàng Khiết Phu, Hội Sinh viên đã đưa ra lời chỉ trích trên, tập trung vào lời thừa nhận của ông Hoàng rằng chế độ Trung Quốc đã lấy nội tạng từ những tù nhân bị kết án tử hình. Một phát ngôn viên của Hội Sinh viên cho biết Hoàng Khiết Phu đã nói với họ rằng ông ta không biết nội tạng đến từ đâu, rằng ông chỉ đứng ở vị trí đại diện cho bên nhận nội tạng, một vị trí mà dường như không hề ăn nhập gì với những lời thừa nhận việc lấy nội tạng từ những tù nhân bị tử hình của chính ông ta .
Đại diện cho HKU, người phát ngôn của trường nói: “Trường chúng tôi phản đối mọi hành động cấy ghép nội tạng ép buộc, vì điều đó vi phạm quyền con người cơ bản”, nhưng không nêu trực tiếp các hành động của ông Hoàng khi còn là Thứ trưởng Bộ Y Tế.
Tuyên bố của ông Hoàng về việc không biết nguồn gốc nội tạng, dường như là giả dối, nếu xét đến việc ông ta là “kiến trúc sư” của hệ thống cấy ghép nội tạng Trung Quốc và ông ta thừa nhận lấy nội tạng từ những tù nhân bị tử hình trong một cuộc phỏng vấn với ABC hồi năm ngoái.
Theo Cơ quan truyền thông quốc gia, ông ta cũng nói tại Hội nghị Quốc gia năm 2004 về Cấy ghép Nội tạng ở Thẩm Dương, rằng một trong những trở ngại lớn nhất của hệ thống cấy ghép nội tạng Trung Quốc là vấn đề thiếu trầm trọng người hiến tạng.
Theo Thời báo Los Angeles thì mặc dù vậy nhưng trong vòng 2 năm, vấn đề người hiến tạng đã được giải quyết hoàn toàn, khi truyền thông nhà nước trích lời ông Hoàng rằng phần lớn nội tạng cấy ghép được lấy từ những tử tù.
Điều này về cơ bản giống với thông báo của Bộ Y Tế đưa ra vào năm 2012.
Nhiều nhà phân tích về hệ thống cấy ghép của Trung Quốc tin rằng các quan chức Trung Quốc chỉ bắt đầu xác định các tử tù là nguồn cung cấp nội tạng cấy ghép sau khi có nhiều thông tin thu hút chú ý của dư luận rằng: nguồn cung chính của nội tạng thật ra là từ các tù nhân lương tâm bị tử hình.
Các chứng cứ cho kết luận này được 2 nhà nghiên cứu Canada đưa ra vào năm 2006, dưới hình thức: các bệnh viện quảng cáo thời gian chờ đợi chỉ 1 tuần, và các bác sỹ thừa nhận trong những cuộc nói chuyện điện thoại được ghi âm bí mật rằng nguồn cung nội tạng bắt nguồn từ các học viên Pháp Luân Công bị hành hình.
Ethan Gutmann, một nhà nghiên cứu về hệ thống cấy ghép, tin rằng có trên 60.000 nội tạng được thu hoạch từ những học viên Pháp Luân Công trong những năm 2000.
Các quan chức Trung Quốc, kể cả ông Hoàng Khiết Phu, chưa bao giờ đề cập đến các chứng cứ có trong những kết luận u ám này.
Tháng trước, một chương trình hiến tạng mới được thông báo trên truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã, cho thấy Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình và Sức khỏe Quốc gia, trước kia là Bộ Y Tế, hợp tác với Tổ chức Chữ Thập Đỏ ở Trung Quốc, và cựu Thứ trưởng Hoàng Khiết Phu trở thành giám đốc của Ủy ban.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Tiếng nói Quốc gia Trung Quốc, ông Hoàng nói về chương trình mới như sau: “Tôi tin tưởng rằng không lâu nữa tất cả các bệnh viện có uy tín sẽ không sử dụng nội tạng của tù nhân”.
Nhưng truyền thông Trung Quốc trích lời ông nói điều ngược lại: “Các cơ quan tư pháp và bộ y tế tại địa phương nên thiết lập quan hệ và cho phép các tử tù tự nguyện hiến tặng nội tạng và đưa vào hệ thống phân bổ nội tạng qua máy tính”. Các gia đình sẽ được đền bù về tài chính theo chương trình này, mà theo các chuyên gia đạo đức y tế thì sẽ tạo điều kiện cho sự lạm dụng nghiêm trọng.
Đây không phải lần đầu tiên một trường đại học bị chỉ trích vì vinh danh Hoàng Khiết Phu. Năm ngoái một nhóm các bác sỹ đã yêu cầu Đại học Sydney thu hồi các danh hiệu mà họ đã trao tặng cho ông Hoàng, dẫn chứng lời thừa nhận liên đới của ông đối với hệ thống thu hoạch nội tạng từ tù nhân.
Theo Vietdaikynguyen