Biến đổi khí hậu là một chủ đề không mới nhưng chưa bao giờ cũ, đơn giản bởi cho tới nay, dù ít nhiều, con người vẫn đang hàng ngày, hàng giờ gánh chịu hậu quả của nó.
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng đây là một vấn đề mới được đưa ra cách đây không lâu song thực tế không phải vậy. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, biến đổi khí hậu toàn cầu đã được nhắc tới từ rất lâu, một cách thầm lặng và tế nhị trong các bức họa nổi tiếng…
Với những người yêu thích hội họa Anh, chắc hẳn chúng ta chẳng xa lạ với tên tuổi của JMW Turner – một họa sĩ nổi tiếng với các bức tranh như “The Lake, Petworth: Sunset, Fighting Bucks”.
Tuy nhiên, ẩn đằng sau những bức họa lừng danh ấy là sự cảm nhận về biến đổi khí hậu qua con mắt của một họa sĩ. Giáo sư vật lý Christos Zerefos, thuộc Học viện Athens cùng các đồng sự đã tiến hành nghiên cứu, phân tích hàng trăm bức tranh được vẽ trong giai đoạn 1500 – 2000 để đưa ra kết luận trên.
Một bức ảnh mô tả hoàng hôn của Turner vẽ khoảng thập niên 1830
Và một bức tranh khác của Turner vẽ cảnh hoàng hôn vào thời điểm không có vụ phun trào núi lửa lớn nào trên thế giới
Công trình của nhóm chuyên gia mà giáo sư Zerefos đứng đầu tập trung chủ yếu vào ảnh hưởng mà những vụ phun trào núi lửa gây ra với bầu khí quyển Trái đất. Đơn cử như năm 1815, núi lửa Tambora nằm trên đảo Sumbawa của Indonesia hoạt động trở lại, gây ra một trong những vụ phun trào lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thảm kịch này đã giết chết 10.000 người trực tiếp và khoảng 60.000 nạn nhân khác vì đói, bệnh tật trong “mùa đông núi lửa” (tro bụi phủ kín bầu khí quyển khiến Mặt trời không chiếu sáng được) sau đó. Ngoài ra, sự kiện này chính là thủ phạm gây nên tình trạng giảm nhiệt độ toàn cầu và dẫn tới sự thất bát của vụ mùa trong vài năm tiếp theo.
Đối với bầu khí quyển, núi lửa phun trào sẽ giải phóng ra một lượng lớn các tro bụi vẩn vơ trong không khí, ngăn ánh nắng Mặt trời chiếu xuống mặt đất. Thời điểm hoàng hôn, màu sắc của bầu trời cũng sẽ có sự thay đổi đáng kể so với bình thường do ánh sáng bị khúc xạ khi đi qua những hạt bụi ấy.
Nói cách khác, đó cũng chính là lúc dễ quan sát nhất các thay đổi trong không khí bằng mắt thường. Do đó, bằng cách phân tích các bức tranh vẽ hoàng hôn thời xưa, hoàn toàn có thể tìm ra, tính toán tốc độ biến đổi khí hậu từ thời kì Trung cổ cho tới nay.
Phân tích bức tranh “A Windmill near Norwich” của John Crome cho thấy, tác giả nhìn thấy ảnh hưởng từ vụ phun trào tại núi Tambora vào thời điểm vẽ nó
Cụ thể, giai đoạn từ 1500 – 2000 ghi nhận hơn 50 vụ núi lửa phun trào lớn ở quy mô toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ tới bầu khí quyển và tiến trình biến đổi khí hậu sau này. Các họa sĩ nổi tiếng như Turner đã vẽ không ít các bức tranh hoàng hôn trong giai đoạn này.
Thông qua phân tích, tìm hiểu chúng, các chuyên gia khẳng định có thể nhận thấy rõ ràng điều ấy. Bằng chứng là không phân biệt tính cách hay xu hướng hội họa của họa sĩ, phần lớn các bức tranh vẽ cảnh hoàng hôn khi núi lửa phun trào thì đều sử dụng tỉ lệ màu xanh lá cây và đỏ tương đương nhau. Nghiên cứu này hiện đã được công bố trên tạp chí Hóa học khí quyển và vật lý, thu hút nhiều sự chú ý từ dư luận.
Để kiểm chứng tính chính xác của nhận định, nhóm nghiên cứu đã nhờ nghệ sĩ P.Tetsis vẽ 2 bức tranh về cùng một khung cảnh: hoàng hôn trên đảo Hydra vào 2 thời điểm, trước và sau khi có một đám mây bụi từ Sahara bay qua vùng này.
Kết quả phân tích quang học về tỉ lệ 2 màu sắc xanh lá cây và đỏ cũng cho kết quả tương tự nhận định ban đầu của các chuyên gia.
Hai bức tranh do nghệ sĩ P.Tetsis vẽ về cùng một khung cảnh
Giáo sư Zerefos kết luận rằng: “Chúng tôi muốn cung cấp một cách khai thác thông tin hoàn toàn mới về môi trường và khí quyển ở các nơi trong nhiều thế kỷ trước đây khi mà dụng cụ khoa học chưa phổ biến. Chúng ta có thể hiểu được tro bụi từ núi lửa ảnh hưởng tới bầu không khí chúng ta ra sao và lượng thông tin trên sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng dự báo biến đổi khí hậu trong tương lai”.
2014-04-02 01:08:17