Lặng lẽ chăm lo cho người khác, làm những công việc bị xem là “tào lao, bao đồng”, thậm chí không nề hà chuyện nhếch nhác, dơ dáy…, họ vẫn không hề than phiền, toan tính. Với họ, điều đó chỉ đơn giản là tình người với nhau
Sắp xếp gọn gàng 2 đĩa đậu hũ nhồi thịt, 2 tô canh cải, bới thêm 2 chén cơm dọn lên 2 chiếc mâm nhỏ, chị Mai Cẩm Nguyệt lần lượt mang sang mời “bà 38” và “bà 39”. Đây là cách gọi thân mật của người dân chung cư Bàu Cát 1, phường 14, quận Tân Bình,
TP HCM dành cho cụ Trần Thị Hà (ngụ căn hộ 138) và cụ Nguyễn Thị Hiếu (căn hộ 139). Gia đình chị Nguyệt sống ở căn hộ 129, cách họ không xa.
Vợ chồng “số 1”
Bữa nay, “bà 38” ăn hết chén cơm, 2 miếng đậu hũ nhồi thịt với tô canh cải. “Cô Nguyệt nấu ăn ngày càng ngon, đúng mùi vị tui thích” – cụ Hà móm mém cười.
Ngó quanh nhà rồi chỉ xuống chân mình, cụ Hà khoe: “Ngày nào cô Nguyệt cũng qua dọn dẹp nên nhà cửa mới sạch sẽ thế đấy. Tui đi lại được cũng nhờ vợ chồng nó. Tui bị té gãy chân, vợ chồng nó lo chạy chữa. Khi tui bị thấp khớp, vợ chồng nó tìm người về châm cứu. Người ở chung cư thỉnh thoảng cũng cho cái này cái kia nhưng chăm sóc 2 bà già tụi tui như trách nhiệm của con cháu thì chỉ có vợ chồng cô Nguyệt”.
Ở căn hộ bên kia, “bà 39” chỉ ăn được lưng chén cơm rồi buông đũa. Thấy vậy, chị Nguyệt lo lắng: “Thịt không ngon hả bà?”. Cụ Hiếu lắc đầu, thở dài không nói. Tôi tìm cách gợi chuyện: “Bà ơi, bây giờ bà thích gì nhất?”. Cụ vỗ vỗ vào cái chân cong queo, rầu rĩ: “Chán lắm, giận cái thân già không đi lại được…”.
Từ lúc không đi lại được, cụ Hiếu ít nói, ít cười lại hay buồn bã. Suốt ngày, cụ nằm một mình trong 4 bức tường căn hộ lạnh lẽo, làm bạn với chiếc tivi cũ kỹ. Có lẽ cuộc sống của bà vui nhất là khi nghe tiếng vợ chồng chị Nguyệt bên nhà “bà 38”. “Nghe tiếng vợ chồng nó ở đó là tui biết sắp qua bên này. Tội nghiệp vợ chồng nó, tự nhiên rước cực vào thân. Ở đây, vợ chồng nó là số 1. Bây giờ mà vợ chồng nó chuyển đi chỗ khác ở, tui buồn lắm” – giọng bà lạc hẳn.
Anh Đinh Hạ Hùng, chồng chị Nguyệt, kể khi vợ chồng anh dọn về chung cư này vào năm 1995 đã thấy “bà 38” và “bà 39” rồi. Lúc đó, 2 cụ còn khỏe, tự đi chợ, nấu ăn được. Thấy 2 cụ sống một thân một mình, không có con cháu chăm nom, vợ chồng anh thường tới lui thăm hỏi, trò chuyện cho họ đỡ buồn. Trong nhà có đồ ăn gì ngon, anh chị cũng đem qua mời 2 cụ.
“Khoảng 5 năm trước, sức khỏe cụ Hà giảm sút sau khi bị té, đi lại khó khăn; còn cụ Hiếu thì hầu như chỉ nằm liệt giường. Từ đó, hằng ngày, vợ chồng tôi lo cơm nước mang qua chăm nuôi 2 cụ” – anh Hùng nhớ lại.
Người dân chung cư Bàu Cát 1 cho biết lâu nay, họ hiếm khi nào thấy vợ chồng anh Hùng đi đâu chung, cả khi dự đám tiệc. Có việc phải về quê, anh chị cũng phải sắp xếp một người ở lại trông chừng 2 cụ hàng xóm.
“Năm vừa rồi, ba ruột mình mất nhưng chỉ có anh Hùng về quê chịu tang. Bà con, cô bác ở quê cứ trách mình là con bất hiếu. Cũng may là khi ba còn sống, mình thường xuyên về thăm ông. Hơn nữa, ba cũng có biết hoàn cảnh 2 cụ và rất thương, rất ủng hộ việc làm của vợ chồng mình. Hai cụ đã già lại bệnh tật, không có người ở bên cạnh sớm hôm thì nguy hiểm lắm nên vợ chồng mình phải thay phiên nhau ở lại, không dám bỏ nhà đi hết” – chị Nguyệt thổ lộ.
Biết tôi tìm hiểu để viết báo, chị Nguyệt bối rối: “Đừng viết gì nhé, người ta cười mình chết!”. Theo chị, việc tình nguyện chăm sóc 2 cụ hàng xóm chẳng có gì đáng nói. “Chỉ là thêm nắm gạo, thêm chút thức ăn thôi. Ban ngày, mình qua lau rửa, dọn dẹp nhà cửa để trong nhà 2 cụ có hơi người. Tối tối, vợ chồng mình ghé thăm, đóng cửa nẻo để họ yên tâm nghỉ ngơi…” – chị phân trần. Trong khi đó, anh Hùng bộc bạch: “Làm mấy chuyện đó, tối tôi ngủ ngon lắm!”.
Xem người dưng như ruột rà
Trong đám tang cụ Phạm Thị Rong ở khu phố 2, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM, bà Vương Thị Hồng Nhiệm cứ lặng lẽ lau nước mắt. Không ruột thịt cũng chẳng phải người thân, chỉ là hàng xóm nhưng bà là người chăm sóc cụ Rong trong những ngày cuối đời.
Cụ Rong không con cái, sống lang thang. Người cháu gái thương tình cho cụ một căn phòng đủ kê chiếc giường. Từ khi bị xe va quệt, cụ nằm liệt một chỗ, không ăn được gì, ngày chỉ uống 3 cữ sữa. Trên tường phòng có một “thời khóa biểu”, người cháu nào đi ngang thấy chưa đánh dấu thì pha cho cụ ly sữa rồi gạch lên. Riêng chuyện vệ sinh cho cụ thì ai cũng “chạy làng”, không dám làm. Thấy vậy, người hàng xóm ngày ngày sang dọn dẹp, tắm rửa cho cụ.
Nghe bà Nhiệm kể về việc chăm sóc cụ Rong, tôi có cảm giác bà đang nói đến một người ruột thịt: “Hằng ngày, tui qua dọn dẹp phòng sạch sẽ rồi bế cụ đi tắm. Nằm một chỗ lâu ngày nên nhiều nơi trên cơ thể cụ lở loét. Cụ lại tiểu tiện, đại tiện tràn lan ngay chỗ nằm nên rất hôi thối. Tui không kiềm được, phải ói hoài nhưng ráng lau chùi nhẹ nhàng, nếu không sẽ làm cụ đau…”.
Trước đó, bà Nhiệm cũng từng chăm nom cụ Nguyễn Thị Đại, hơn 1 năm thì người hàng xóm này qua đời vào năm ngoái. Cụ Đại sống bơ vơ trong căn nhà tình thương. Sau khi bị té, cụ nằm liệt một chỗ. Thấy vậy, người cháu trai về ở chung nhưng cũng không giúp được gì. Mỗi ngày, anh ta bới chén cơm nguội để đầu giường, cụ ăn được hay không cũng mặc. “Cụ Đại thường chỉ vào chén cơm rồi chảy nước mắt” – bà Nhiệm nhớ lại.
Từ ngày có bà Nhiệm sang săn sóc, không những cụ Đại được ăn uống đầy đủ mà những người xung quanh cũng hết sức… dễ thở. “Cụ Đại mừng một thì tụi tui mừng mười vì được giải phóng khỏi mùi hôi thối bốc ra từ căn phòng ngột ngạt của cụ” – một người hàng xóm cho biết.
“Người ta nghe mùi đã chịu không nổi, còn cụ Đại phải sống chung trong đó nên tội nghiệp lắm” – bà Nhiệm tâm sự. Cũng có người tốt bụng ghé căn nhà tình thương tính chuyện giúp đỡ nhưng thấy cảnh cụ Đại đi vệ sinh trây trét khắp nơi, họ chỉ dám hỏi dăm ba câu rồi phải tháo lui. Vậy mà bà Nhiệm vẫn bất chấp, lặng lẽ lo việc ăn uống, vệ sinh sạch sẽ cho đến khi cụ Đại qua đời.
“Những ngày đầu đến chăm sóc cụ Đại và cụ Rong, tui phải canh lúc không có mặt những người cháu của 2 cụ vì sợ họ nói mình làm chuyện tào lao, soi mói việc nhà người ta. Sau đó, thấy tôi thật lòng, họ mới không nói gì” – bà Nhiệm kể.
Theo Dân Việt