Ảnh tượng trưng cho thời gian (Shutterstock*)
Bức họa thánh Augustine được vẽ vào khoảng năm 1474 bởi Justus van Gent, hiện nằm trong Bảo tàng Louvre.
Bạn có thể biến một quả trứng thành món trứng chiên, nhưng bạn không thể biến món trứng chiên trở lại quả trứng. Hãy dành ít phút để suy nghĩ về điều này, trong khái niệm về thời gian.
Nhạc sĩ người Canada Sam Roberts hát rằng: “Thời gian là một con cá da trơn”. Sự hiểu biết về thời gian thực sự là điều khó nắm bắt. Các triết gia và cả các nhà ngôn ngữ học đều có nhiều hướng định nghĩa về thời gian không thua gì các nhà vật lý học.
Dưới đây là một số nỗ lực trong việc diễn đạt khái niệm về thời gian (không phải là một danh sách đầy đủ), một số sự kiện thú vị về thời gian theo cách hiểu của chúng ta và một cái nhìn về thế giới không có thời gian.
Đổ lỗi cho thời gian về sự xáo trộn
Vào những năm 70 của thế kỷ XIX, nhà vật lý học người Áo Ludwig Boltzmann liên hệ thời gian với sự xáo trộn. Nhà vật lý học Sean Carroll giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Wired vào năm 2010: “Nếu bạn sắp xếp ngăn nắp các giấy tờ trên bàn và rời đi, bạn sẽ không ngạc nhiên khi chúng trở thành một đống lộn xộn. Bạn sẽ ngạc nhiên nếu một đống lộn xộn trở thành những xấp giấy ngăn nắp”.
“Về căn bản, vũ trụ quan sát được của chúng ta bắt đầu từ khoảng 13,7 tỷ năm về trước theo một trật tự rất tinh tế… Vũ trụ giống như một món đồ chơi lên dây cót chạy lăng xăng suốt 13,7 tỷ năm qua và rồi cuối cùng thành không còn gì khi hết cót”.
Ảnh: Shutterstock.
Thời gian là không gian bốn chiều
Albert Einstein hình dung thời-không như là một chiều thứ tư, tách biệt với không gian ba chiều của chúng ta.
Albert Einstein (Oren Jack Turner)
Sự kết thúc của thời gian
Tiến sĩ Julian Barbour – một nhà vật lý độc lập và là nhà văn, cho rằng bước tiến lớn tiếp theo trong vật lý học có thể là sự kết thúc của thời gian.
“Sự thống nhất của thuyết tương đối rộng và cơ học lượng tử có thể đặt dấu chấm hết của thời gian. …Chúng ta đi tới nhận thức rằng thời gian là không tồn tại”, ông viết trong cuốn The End of Time (Tạm dịch: Sự kết thúc của thời gian)
“Không nghi ngờ rằng nhiều người sẽ gạt bỏ ý tưởng rằng thời gian có thể không tồn tại và coi đó là một điều vô lý. Tôi không phủ nhận hiện tượng đầy quyền năng mà chúng ta gọi là thời gian. Nhưng nó có thực sự như những gì chúng ta vẫn hình dung? Sau tất cả, Trái đất dường như phẳng. Tôi tin rằng hiện tượng chân thực mà tôi đang giải bày cùng bạn, nó rất khác biệt. Tôi nghĩ rằng nó cũng chẳng cần đến từ ‘thời gian’ để diễn đạt, nó cũng không xuất hiện trước mặt bạn để bạn gọi tên nó”.
Ông viết: “Đối với cá nhân tôi, việc suy ngẫm về những điều này đã thuyết phục tôi rằng chúng ta nên trân trọng hiện tại. Điều này thực sự tồn tại, và nó có thể còn tuyệt vời hơn là chúng ta tưởng”.
Thế giới sẽ ra sao nếu không có thời gian? Chúng ta sẽ không đột nhiên cảm thấy rằng “dòng chảy thời gian bỗng ngừng trôi”, tiến sĩ Barbour viết. “Ngược lại, nguyên lý vô thời gian mới sẽ giải thích lý do tại sao chúng ta cảm thấy thời gian trôi qua”.
“Hiện tại, tôi nghĩ rằng chúng ta phải… tiến xa hơn, đi sâu hơn vào thực tế của trống không, dù thiên đường hay mặt đất, dù là các chuyển động. Chỉ có sự tĩnh lặng ngự trị”.
Quan niệm đóng vai trò gì? Có nền văn hóa nào không có khái niệm về thời gian hay không?
Thời gian không trôi qua giống nhau đối với từng người theo đúng nghĩa đen. Nếu những chiếc đồng hồ cực kỳ chính xác được đặt tại từng tầng của một tòa nhà, chúng sẽ chỉ ra rằng thời gian dịch chuyển chậm hơn ở những tầng thấp hơn so với những tầng cao hơn. Sự khác biệt là từ số phút cho tới phần tỷ của giây, theo báo cáo của National Geographic. Quan niệm về thời gian còn có thể tạo ra những khác biệt lớn hơn nữa.
Bộ lạc Amondawa không có từ để chỉ ‘thời gian’
Bộ lạc Amondawa ở Amazon có một quan niệm riêng về thời gian. Họ không có khái niệm rằng một sự việc thuộc về quá khứ hay trong tương lai xa. Họ không có từ chỉ “thời gian” hay là những từ chỉ đơn vị của thời gian, như “tháng” hay “năm”.
“Chúng tôi thực sự không nói đây là một ‘tộc người không có thời gian’ hay ‘nằm ngoài thời gian” , Chris Sinha, giáo sư tâm lý ngôn ngữ tại Đại học Portsmouth (Anh) phát biểu trong một phỏng vấn với đài BBC năm 2011. “Người Amondawa giống như bất cứ người nào, có thể nói về các sự việc và trình tự của sự việc”.
“Điều mà chúng tôi không tìm thấy đó là một khái niệm thời gian độc lập với các sự việc đang diễn ra; họ không có khái niệm thời gian tại thời điểm mà sự việc xảy ra”.
Người bản địa Hopi ở Châu Mỹ
Các vũ công người Mỹ bản địa Hopi tại Công viên Quốc gia Grand Canyon. Ảnh: Shutterstock
Nhà ngôn ngữ học Benjamin Lee Whorf (1897-1941) là một người cực kỳ ủng hộ thuyết thời gian tương đối. Ông viết trong “Khoa học và Ngôn ngữ học” rằng ngôn ngữ của tộc người bản địa Mỹ Hopi “có thể coi là một ngôn ngữ vô thời gian. … [Nó] không phân biệt giữa hiện tại, quá khứ và tương lai của bản thân sự việc”.
Tuyên bố của Whorf sau đó đã gây tranh cãi. Nhưng nhiều nhà ngôn ngữ học đồng ý rằng ngôn ngữ Hopi xử lý thời gian có hơi khác biệt so với các ngôn ngữ Ấn-Âu.
Tiếng Trung Quốc không có thì hiện tại, quá khứ và tương lai, nhưng họ có những từ để chỉ thời gian, như “trước” và “sau”. Các nhà ngôn ngữ học phân chia dựa trên việc xem xét liệu ngôn ngữ của một người có thể hiện chặt chẽ bố cục tư duy của họ hay không.
Người Châu Phi có nhìn thấy tương lai?
Triết gia 82 tuổi người Kenya J.S. Mbiti, tranh luận rằng hiểu biết của người Châu Phi về thời gian có thể tác động tiêu cực tới sự phát triển của lục địa.
Moses Oke trong tờ Quest – một tạp chí Triết học Châu Phi trích lời Mbiti: “Trong tư duy truyền thống của người Châu Phi không có khái niệm lịch sử ‘tiến’ tới một đỉnh cao trong tương lai …. Nên người Châu Phi không có ‘niềm tin vào tiến trình’ hay ý tưởng về sự phát triển trong hoạt động của con người và các thành tựu đi từ thấp đến cao. Những người này cũng không có kế hoạch cho tương lai cũng như chẳng ‘mơ mộng viễn vông’ ”.
Người châu Phi có thể hiểu được sự thay đổi của mùa và những sự việc vốn không thể tránh khỏi, Mbiti nói tiếp, nhưng tư duy về kế hoạch dài hạn hoặc hướng tới tương lai xa hơn không tồn tại. Ông nói thêm rằng ý tưởng của ông chưa hoàn thiện và cần phân tích sâu hơn, nhưng ông gợi ý rằng giúp người Châu Phi hiểu khác đi về khái niệm tương lai có thể giúp lục địa này phát triển.
“Vì tương lai là những gì chưa trải nghiệm, nó không rõ ràng, nên cũng không thể cấu thành nên thời gian, và con người không biết làm thế nào để tư duy về nó” – Triết gia người Kenya J.S Mbiti.