Vào ngày 1/6 tới đây, quy định về tiêu chuẩn chất lượng và đo lường vàng theo Thông tư 22/2013/TT-BKHCN (26/9/2013-TT 22) của Bộ Khoa học và công nghệ chính thức có hiệu lực.
Theo đó, các cơ sở kinh doanh muốn lưu thông vàng trang sức, mỹ nghệ trên thị trường phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và đo lường trên từng sản phẩm.
Hàm lượng vàng trong sản phẩm của vàng trang sức, mỹ nghệ không được thấp hơn giá trị hàm lượng đã công bố. Giới hạn sai số của 0,1% (hàm lượng vàng từ 99,9% trở lên); 0,2% (hàm lượng vàng từ 80% đến dưới 99,9%); 0,3% (hàm lượng vàng dưới 80%).
Ngoài ra, trên các sản phẩm vàng phải có đủ thông tin về sản phẩm và nhà sản xuất, phân phối; những yêu cầu kỹ thuật (khối lượng vàng, hàm lượng vàng, những mô tả riêng về sản phẩm), ghi ký hiệu đối với vàng trang sức, mỹ nghệ.
Nhãn trên các sản phẩm vàng phải được thể hiện trực tiếp bằng cách khắc cơ học, khắc la-de, đục chìm, đúc chìm, đúc nổi hoặc bằng phương pháp thích hợp (nếu kích thước và cấu trúc sản phẩm đủ để thực hiện) hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm sản phẩm.
Quy định trên nhằm hạn chế việc vàng bán trên thị trường bị “ăn gian tuổi vàng” khi bị pha tạp chất như đồng, sắt, thiếc, kẽm… vào vàng tinh khiết để tạo tuổi vàng là 14K, 16K hay 18K.
Đánh giá về quy định trên, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP. HCM (SJA) cho biết: “Đây là thông tư sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam”.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra lúng túng và khó khăn khi thực hiện vì theo thông tư tỷ lệ sai số cho phép về hàm lượng vàng giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp kinh doanh chỉ từ 0,1%-0,3% (trước nay con số này từ 1%-3% để bù đắp chi phí sản xuất, nhân công, nguyên liệu vàng). Nếu sai số cho phép quá ít sẽ làm đội chi phí giá sản phẩm lên từ 3-5 lần, trong khi sức mua thấp như hiện nay doanh nghiệp sẽ càng khó khăn.
Thêm nữa, quy định trang sức mỹ nghệ không được chứa chất độc hại đối với người tiêu dùng cũng khiến doanh nghiệp băn khoăn. Ông Trần Hải, Giám đốc doanh nghiệp sản xuất vàng Hải Nguyên chia sẻ, hiện chưa có quy định về chất nào là độc hại hay không độc hại, từ trước đến nay doanh nghiệp vẫn làm theo kinh nghiệm truyền thống.
Hiện lượng sản phẩm vàng chưa đáp ứng quy định mới của Thông tư 22 vẫn còn tồn khá nhiều. Vì nếu chiếu theo quy định cũ lương vàng trang sức mỹ nghệ vẫn đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng theo quy định mới thì lại không đạt.
Ông Nguyễn Hữu Khoa, Phó tổng giám đốc công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho biết, khi có Thông tư 22, PNJ đã triển khai sản xuất sản phẩm theo quy định mới ngay sau Tết. Tuy nhiên, trong sản xuất có mặt hàng bán được ngay nhưng cũng có lượng hàng tồn đọng chưa bán được. Vì vòng quay trung bình của sản phẩm khoảng 1 năm.
Nhiều doanh nghiệp hiện đang đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nới lại thời điểm áp dụng thích hợp để doanh nghiệp có thể bán hết phần lớn những sản phẩm cũ. Nếu thay thế một lần hàng triệu sản phẩm đó thì rất khó và lãng phí.
Việt Hương (Tổng hợp)
Clip xem thêm: Hình ảnh ‘thời oanh liệt’ của Bầu Kiên
2014-04-15 20:40:45
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/vang-bi-an-gian-tuoi-se-khong-duoc-phep-luu-thong-a129772.html