Sử dụng thang máy tưởng như đơn giản nhưng lại là cả một hành trình đáng nhớ dù người ta không mấy khi lưu tâm. Tiến sĩ Lee Gray thuộc Trường ĐH Bắc Carolina (Mỹ) đã dành thời gian để nghiên cứu về ứng xử trong thang máy và được đặt cho biệt danh “Người đàn ông thang máy”.
Giải thích về mục đích công trình nghiên cứu, ông Lee cho biết: “Thang máy đã trở thành một không gian xã hội thú vị. Ở trong thang máy, người ta bỏ qua mọi nghi thức rườm rà. Tuy thú vị nhưng đó lại là nơi khó thể hiện cách ứng xử phù hợp”.
Bình thường, khi đợi thang máy, mọi người có thể cười nói ồn ào nhưng một khi bước vào bên trong, hầu hết người ta đều im lặng và đối mặt với cánh cửa. Nếu thêm một ai đó bước vào, những người bên trong di chuyển để nhường chỗ. Những lúc như vậy, chúng ta mường tượng đến một điệu nhảy trong căn phòng vuông vức và chật hẹp.
Trong thang máy, người ta tránh nhìn vào mắt nhau. (Ảnh: Discovery)
Nếu chỉ có mình bạn trong thang máy, bạn thoải mái làm đủ thứ chuyện. Nếu có thêm một người nữa, hai người thường đứng ở hai góc chéo nhau và giữ khoảng cách tối đa, giống như một quy luật bất thành văn. Đến khi người thứ ba bước vào, một hình tam giác sẽ được hình thành. Và tất yếu, người thứ tư sẽ làm thành một hình vuông với mỗi người án ngữ ở một góc, dành khoảng giữa cho người thứ năm và những người kế tiếp.
Hầu như phản ứng của tất cả mọi người ở trong thang máy là nhìn xuống hoặc nhìn lên, hoặc sử dụng điện thoại trong thời gian chờ đợi.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta lại thấy lúng túng khi đặt chân vào thang máy? Theo giáo sư Babette Renneberg, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Trường ĐH Tự do Berlin (Đức), lý do chủ yếu là “không có đủ không gian”.
“Thông thường, chúng ta đứng cách người khác một cánh tay. Nhưng trong thang máy, hầu hết phải đứng sát bên cạnh nhau. Điều đó làm mất tự nhiên” – bà Renneberg nói và cho biết thêm với không gian chật chội trong thang máy, mọi người phải hành động để không gây chú ý của người bên cạnh. Cách dễ nhất là tránh ánh mắt của nhau, biểu hiện thường được cho là sự lúng túng trong giao tiếp.
Ông Nick White không may bị mắc kẹt trong thang máy suốt 41 tiếng đồng hồ. (Ảnh: BBC)
Một sự cố hay gặp phải là thang máy bị kẹt giữa chừng, gây hoảng sợ cho những người đang ở bên trong. Nick White, một nhân viên văn phòng ở New York – Mỹ, không may bị mắc kẹt trong thang máy suốt 41 tiếng đồng hồ. Ông kể cảm giác lúc đó không khác gì bị nén trong một ngôi mộ.
Nỗi ám ảnh có thể khiến một số người như ông White từ chối bước vào thang máy lần nào nữa. Tiến sĩ Lee đồng tình với ý kiến cho rằng cảm giác bị động khiến cho mọi người cảm thấy lo lắng. “Bạn đang ở trong một chiếc thang máy chuyển động và không thể kiểm soát cũng như không nhìn thấy động cơ thang máy vận hành” – ông Lee giải thích.
Bỏ qua cảm giác bất an nói trên, tiến sĩ Lee nhận định thang máy thực chất an toàn hơn ô tô và thang cuốn. “Bạn có thể nhìn vào số liệu thống kê và thấy các vụ tai nạn thang máy hàng năm là rất ít. Tất cả mọi người đều hiểu rõ vấn đề và đó là lý do tại sao họ tiếp tục sử dụng thang máy mỗi ngày”.
Giáo sư Renneberg cũng chung nhận định với tiến sĩ Lee. Bà nói: “Chúng ta biết thang máy được tạo ra nhằm phục vụ con người và nó an toàn Vì vậy, họ tin vào thành tựu của khoa học thay vì bản năng sinh tồn”.
2014-04-21 00:32:16
Nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/khampha/kham-pha/53267_vi-sao-vao-thang-may-lai-ngo-len-tran.aspx