Ai sáp nhập với Vietcombank?
Hàng loạt ngân hàng trình đại hội đồng cổ đông phê duyệt chủ trương tái cơ cấu bằng cách hợp nhất, sáp nhập với một hoặc một vài tổ chức tín dụng, công ty tài chính. Mua bán và sáp nhập (M&A) được khuyến khích trên tinh thần tự nguyện, song các cuộc “hôn nhân” xuất phát từ sự tìm hiểu lẫn nhau đang ngày một thu hẹp.
Trong giới ngân hàng, các ông chủ hiện chia ra làm hai nhóm tương đối rõ nét. Nhóm thứ nhất là các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu, trưởng thành từ tầng lớp sinh viên du học trước và sau khi Liên Xô sụp đổ. Họ có kiến thức, có kinh nghiệm và ở một góc độ nào đó có tiềm lực tài chính. Các ngân hàng như Techcombank, Quốc tế, Hàng hải, VPBank, Phương Đông, HDBank đều có sự góp vốn ở mức độ khác nhau của những doanh nhân này.
Nhóm thứ hai là những ngân hàng được sở hữu bởi các doanh nhân đi lên, trưởng thành từ môi trường kinh doanh nội địa, như ACB, Eximbank, Sacombank, Đông Á, Việt Á, Nam Á, SHB, Đại Dương, An Bình, SeaBank… Trong khi nhóm thứ nhất, trong một số trường hợp, đang tỏ ra khá chủ động ở vai trò người có thể nhận sáp nhập, một vài ngân hàng ở nhóm thứ hai có quy mô nhỏ, ở thế bị sáp nhập.
Trong tốp đầu, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên công bố chủ trương sẽ M&A một ngân hàng khác, nhưng không nói rõ tên tuổi ngân hàng được sáp nhập là ai. Tuần qua trên thị trường có thông tin chưa được kiểm chứng về khả năng Bản Việt, hoặc MHB (Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà ĐBSCL) sẽ “về chung một nhà” với Vietcombank.
Trao đổi với TBKTSG, ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị MHB, cho biết MHB chưa đề cập đến phương án nói trên. “Chúng tôi sáp nhập, thì ai lo cho ĐBSCL phát triển nhà”, ông Dũng nói nửa đùa nửa thật.
Một nguồn tin từ Bản Việt khẳng định năm ngoái ngân hàng này được mời chào M&A với không ít đồng nghiệp, nhưng nay các đồng nghiệp đó đã có nơi chốn hết rồi. Hiện tại Bản Việt chưa có phương án M&A cụ thể nào.
“Tái cơ cấu là chủ trương chung của Nhà nước. Chúng tôi xin ý kiến cổ đông trước để chuẩn bị sẵn, khi có cơ hội là có thể thực hiện”, đại diện Vietcombank nói. Hiện giới thạo tin đang bị thuyết phục về một cuộc sáp nhập tầm cỡ có thể diễn ra trong tương lai gần với sự góp mặt của ngân hàng được đánh giá là minh bạch hàng đầu này của Việt Nam, mà không có sự hiện diện của Bản Việt hoặc MHB.
Phương Nam – Sacombank: tỷ lệ hoán đổi bao nhiêu?
Một nguồn tin đáng tin cậy cho biết Phương Nam và Sacombank đã trình đề án sáp nhập lên cơ quan quản lý và đang chờ ý kiến chỉ đạo. Tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu theo đề xuất của hai bên có thể là 1:0,75, tức 1 cổ phiếu Phương Nam được hoán đổi bằng 0,75 cổ phiếu Sacombank.
Tuy nhiên, tỷ lệ trên mới chỉ là giả thiết đề xuất và nó có thể còn phải điều chỉnh theo ý kiến của cơ quan quản lý.
Sacombank hiện có vốn điều lệ 12.103 tỉ đồng, còn vốn điều lệ của Phương Nam là 4.000 tỉ đồng. Tỷ lệ hoán đổi này nếu áp dụng sau khi Sacombank trả cổ tức thêm 8% bằng tiền cho năm 2013 và chia cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư, và căn cứ trên giá trị sổ sách của cả hai phía, thì tương đối hợp lý.
Việc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank còn liên quan đến tỷ lệ nắm giữ của đối tác nước ngoài là tập đoàn UOB (Singapore) và Eximbank. Hiện UOB sở hữu 20% cổ phần Phương Nam, Eximbank sở hữu gần 10%. Sở hữu của hai tổ chức sẽ giảm xuống khi ngân hàng sáp nhập ra đời. Liệu UOB và Eximbank có góp thêm vốn để đảm bảo tỷ lệ sở hữu ngân hàng sau sáp nhập như cũ, vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Xem bản đầy đủ bài “Săn tin” mùa đại hội đồng cổ đông trên TBKTSG