Trong 12 tháng trở lại đây, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có những bước hồi phục nền kinh tế. Đây cũng là điều kiện và cơ hội cho các nhà đầu tư (NĐT) từ hai đất nước này tăng lên. Các NĐT tại Singapore, Hồng Kông và các nước khác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đều xem xét các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Hầu hết các NĐT khi đến Việt Nam muốn sự ổn định về chính sách, chính trị và về lãi suất. Thuận lợi của Việt Nam là đang có nền chính trị ổn định nhưng quan ngại lớn là vấn đề lãi suất. Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) thúc đẩy các ngân hàng trong việc xóa bỏ các khoản nợ xấu liên quan đến BĐS và quá trình xác định, thanh lọc nợ xấu cần được tăng tốc hơn nữa.
Một khi các ngân hàng thanh lọc được toàn bộ nợ xấu, sẽ có đủ tiềm lực để đẩy mạnh cho vay, các NĐT sẽ có thêm động lực để đầu tư. Một vấn đề nữa là quyền sử dụng đất, đối với NĐT nước ngoài thì hiện nay thời hạn tối đa là 50 năm chứ chưa được thuê ổn định lâu dài, việc gia hạn sử dụng đất thêm 20 – 50 năm nữa cũng chỉ mới được xem xét bước đầu.
Với các NĐT, cần lưu ý rằng thị trường BĐS không hoạt động như thị trường chứng khoán. BĐS không mang lại lợi nhuận nhiều và chóng vánh như chứng khoán. Chu kỳ đầu tư BĐS thường kéo dài từ 5 – 7 năm, thậm chí là 10 năm. Chính vì điều này mà việc đầu tư vào khối BĐS nào, vị trí nằm tại đâu là vô cùng quan trọng. Đầu tư vào thời điểm này có nên hay không, còn tùy thuộc vào đặc điểm và vị trí của từng dự án BĐS.
Mỗi NĐT có mục tiêu và kế hoạch đầu tư khác nhau, cũng như rủi ro khác nhau, đặt mục tiêu hòa vốn trong khoảng thời gian khác nhau. Vì vậy, các NĐT cũng nên cân nhắc kỹ lưỡng khi đầu tư vào khoảng thời gian này, xem xét nên mua hay nên bán. Bởi khoảng thời gian này có thể thích hợp với một số NĐT này nhưng cũng có thể không thích hợp với các NĐT khác, với chu kỳ đầu tư và giới hạn thời gian hòa vốn khác biệt.
Song song đó, nên xem xét khả năng sinh lời của dự án, nên nhìn cụ thể vào dự án, đánh giá độ tin cậy của đối tác địa phương cũng như triển vọng lợi nhuận của dự án về dài hạn. Thêm vào đó, các NĐT cũng nên xét đến phương án rút khỏi đầu tư khi dự án không hiệu quả như kế hoạch ban đầu.
Tất cả các NĐT BĐS đều phải lên phương án chấm dứt đầu tư và xác định đúng thời điểm rút khỏi thị trường. Bởi chu kỳ bất động sản kéo dài và diễn tiến chậm, phương án rút đầu tư như thế nào, bán toàn bộ trực tiếp hay thông qua phát hành cổ phiếu cũng cần phải có kế hoạch từ trước.