Tất nhiên, ý của ông Gorman không phải là Morgan Stanley hay Goldman Sachs sẽ biến mất hay bị một trong số các ngân hàng đầu tư thương mại như Citigroup và JPMorgan Chase “nuốt sống”. Ông Gorman muốn đề cập đến những ngân hàng đang cung cấp đầy đủ các dịch vụ giống như của Morgan Stanley hay Goldman Sachs nằm dưới sự giám sát và quản lý của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Các dịch vụ đó bao gồm tư vấn về IPO và sáp nhập, giúp doanh nghiệp bán nợ, định giá thương vụ cho các quỹ đầu tư và tập đoàn chứng khoán tư nhân, quản lý tài sản cho giới giàu có và bán các sản phẩm tài chính cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn.
Ông Gorman cho rằng, các ngân hàng này nên liên kết với nhau để hình thành một hệ thống tích hợp nằm dưới một quá trình quản lý. Trước cuộc khủng hoảng tài chính, các ngân hàng đầu tư như Bear Stearns, Lehman Brothers, Merrill Lynch, Morgan Stanley, và Goldman Sachs không bị giám sát hay quản lý như Citigroup và JPMorgan Chase. Tuy nhiên, tình hình này đã thay đổi vào tháng 9/2008. Goldman Sachs và Morgan Stanley là những ngân hàng duy nhất chuyển đổi thành tập đoàn nắm giữ ngân hàng nằm dưới sự giám sát chặt chẽ hơn và có quyền tiếp cận với gói cứu trợ khẩn cấp từ Fed.
Fed sẽ áp dụng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về số vốn mà Morgan Stanley có thể huy động. Điều này có nghĩa là, ngân hàng sẽ phải phân bổ số vốn “quý giá” đó vào những danh mục đầu tư có lợi nhuận cao mà không tốn quá nhiều vốn.
Do đó, Morgan Stanley đã chọn tập trung hơn vào việc quản lý tài sản vốn là dịch vụ cần ít vốn nhưng hứa hẹn mang lại số lợi nhuận ổn định hơn.
Có thể nhìn thấy sự tái cân bằng của tập đoàn này thông qua kết quả doanh thu của quý I với 4,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 8,9 tỷ USD đến từ dịch vụ quản lý tài sản, phần còn lại là nhờ dịch vụ ngân hàng đầu tư, gồm bán nợ, bảo lãnh và tư vấn. Trong năm 2006 – thời kỳ đỉnh cao của bong bóng giao dịch trên Phố Wall khiến Morgan Stanley lao đao thì chỉ có 18% doanh thu của ngân hàng này là đến từ dịch vụ quản lý tài sản.
Ông Gorman chắc chắn rằng, dịch vụ ngân hàng đầu tư và giao dịch truyền thống sẽ không bị xóa bỏ nhưng thay vào đó, Morgan Stanley đang hướng tới cách tiếp cận cân bằng hơn trong việc phân bổ vốn.
Tuy nhiên, một trong những công việc khó khăn là giao dịch hàng hóa vật chất lại đang suy giảm mạnh. Trong năm 2013, Morgan Stanley đã thông qua thương vụ bán bộ phận giao dịch dầu cho công ty dầu quốc doanh của Nga Rosneft. Khi công bố thương vụ này, Morgan Stanley cho biết, hoạt động kinh doanh dầu của ngân hàng đã sụp đổ. Trong những năm 1990, Morgan Stanley là một trong những ngân hàng đầu tư tiên phong trong việc cung câp dịch vụ quản lý và giao dịch hàng hóa vật chất. Hiện tại, ngân hàng vẫn đang nắm giữ cổ phần của công ty chuyên dự trữ và vận chuyển dầu TransMontaigne.