Curiosiry sử dụng một số công cụ hiện có để kiểm tra một khối sa thạch có tên gọi “Windjana” hồi đầu tháng, trong đó có bàn chải lông sắt gọi là công cụ Dust Removal để quét sạch lớp bụi dày khoảng 6cm phủ trên tảng đá, ChinaView dẫn thông tin từ NASA.
Khối sa thạch Windjana. (Ảnh: theregister.co.uk)
Thành viên nhóm nghiên cứu và điều hành Curiosity là Melissa Rice qua một tuyên bố của NASA cho biết, những hạt bụi bị chải đi cho thấy đá là sự kết hợp của những hạt mịn, màu sắc của nó xám hơn nhiều so với lớp bụi bề mặt và một số vị trí của khối đá cứng chắc hơn phần còn lại, tạo ra những kết cấu gập ghềnh khá thú vị.
Những đặc điểm nói trên càng củng cố ý định của NASA cần phải khoan ở đây để hiểu rõ hơn tính chất hóa học của những chất lỏng đã từng ràng buộc các hạt nhỏ với nhau để tạo thành đá, theo bà Rice.
ChinaView dẫn thông tin của NASA cho biết để đảm bảo cho mũi khoan chính thức được thành công thì trước đó sẽ có một mũi khoan nhỏ, nhẹ để kiểm tra tính sẵn sàng của mục tiêu.
Hai mũi khoan trước đây do Curiosity thực hiện tại khu vực có tên gọi Yellowknife Bay cách khoảng 4km về phía đông bắc so với vị trí hiện nay của Curiosity.
Những kết quả thu được qua hai mũi khoan trước đã cung cấp bằng chứng về một môi trường lòng hồ có từ hàng tỉ năm trước. Vào lúc đó điều kiện nơi này thuận lợi cho sự sống của vi sinh vật.