“Những ngày sau sinh, mình chỉ thèm có mẹ bên cạnh để được chăm sóc như những bà đẻ khác.”, mẹ Hồng Lanh đang sinh sống tại Đức chia sẻ.
Sinh con ở nước ngoài đặc biệt là những đất nước hiện đại như Mỹ, Đức, Anh… là niềm mơ ước của tất cả phụ nữ bởi ở đây cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ y bác sĩ tay nghề cao và rất nhiệt tình. Đó cũng là lý do vì sao rất nhiều mẹ bầu hiện nay chọn xuất ngoại đi đẻ để được hưởng những dịch vụ tuyệt vời này. May mắn hơn nhiều người, chị Hồng Lanh – hiện đang sinh sống tại Đức – không phải vất vả xuất ngoại bởi chị hiện đang định cư tại đây. Trước khi cưới chồng, chị sống và làm việc tại Cộng hòa Séc nhưng sau đó chị đã chuyển về Đức để sống cùng chồng.
Chồng chị – anh Xuân Hưng – hiện đã định cư ở Đức được 14 năm và đang làm chủ một tiệm nails riêng. Nói về chồng mình, chị Lanh tự hào chia sẻ: “Thật may mắn vì mình lấy được người chồng tốt. Ngay từ những lần đầu gặp anh, mình đã tin tưởng sẽ trao gửi cả cuộc đời mình cho anh rồi. Sự tin tưởng này càng mạnh mẽ hơn trong thời gian mình mang bầu và sinh nở bé Thủy Tiên. Những ngày ở cữ, có những lúc mình đã rất thèm được mẹ đẻ chăm sóc như các sản phụ khác nhưng thật may chồng mình rất khéo chiều vợ và yêu con. Vì vậy, mình cũng bớt tủi thân hơn vì sống xa gia đình.” Ngoài ra, chị Lanh cũng chia sẻ thêm rất nhiều về những khác biệt khi mang bầu và sinh con ở Đức.
Gia đình hiện tại của mẹ Hồng Lanh.
Bắt đầu từ tình yêu “sét đánh”
Chào mẹ Thủy Tiên, được biết gia đình bạn đang định cư tại Đức, xin hỏi bạn sinh sống tại đây lâu chưa?
Chào chị. Nếu nói cả gia đình định cư tại Đức thì cũng mới đây thôi chỉ có chồng mình thì định cư tại Đức được 14 năm rồi, còn mình trước kia sống và làm việc tại Cộng hòa Séc. Sau khi lấy nhau mình mới chuyển qua Đức sống cùng chồng.
Thế là trước đó hai bạn không hề quen biết nhau, vậy liệu đây có phải là tình yêu “sét đánh”?
Có lẽ đúng là tình yêu “sét đánh” thật. Vợ chồng mình gặp nhau trong thời gian ngắn nhưng dường như duyên phận là ý trời nên gặp là yêu nhau luôn. Đặc biệt bọn mình rất hiểu nhau, có cảm giác như đã yêu nhau từ rất lâu rồi vì chồng mình là một người đàn ông có thể nói tốt nhất mà mình đã từng gặp. Từ khi quen anh, yêu anh, mình đã tin tưởng sẽ gửi gắm cả cuộc đời mình vào anh.
Sau đám cưới bao lâu thì bạn có em bé, việc có thai có gặp khó khăn gì không ạ?
Ban đầu, bọn mình dự định cuối năm 2013 sẽ về Việt Nam tổ chức đám cưới nhưng ai ngờ lại có em bé trước đó nên không về được. Vợ chồng mình chỉ làm bữa tiệc nhỏ ra mắt bạn bè bên này. Đợi em bé cứng cáp hơn chút sẽ về Việt Nam để báo hỉ vậy.
Phép mầu trong thai kỳ
Mang thai ở Đức chắc chắn sẽ có nhiều điều khác biệt đặc biệt trong việc khám thai, tư vấn dinh dưỡng… Bạn có thể chia sẻ với các mẹ bầu được không?
Hôm đó đi làm tự nhiên mình thấy trong người khác lạ lắm, ngay tối đó mình đã mua que thử và thật bất ngờ hiện lên hai vạch. Cảm xúc lúc ấy của mình thế nào nhỉ, mình vui sướng đến trào nước mắt. Mìnhh đã khóc và chạy ra ôm chầm lấy chồng rồi khoe thành quả đạt được.
Chồng mình khi ấy cũng vui lắm nhưng hơi có chút lo lắng bởi kinh tế của hai đứa còn khá eo hẹp, phải lo trả rất nhiều khoản nợ. Nhưng ngay lập tức chồng đã nắm lấy tay mình nói: “Đâu cũng là ý trời, trời sinh voi ắt sinh cỏ mà. Con cái là lộc trời cho, có con là hạnh phúc nhất rồi.” Ngay sau hôm đó, chồng đã đưa mình đi khám bác sĩ. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm đẹp như bao bà bầu khác nhưng vừa khám thai xong, bác sĩ nói thai của mình không bình thường. Hai vợ chồng mình đã vô cùng lo lắng. Mình phải nhập viện để thử máu và nằm theo dõi. Cả đêm hôm đó, mình đã thức trắng đêm vì lo lắng, mình khóc đến nỗi sưng hút hai mắt, chỉ sợ vấn đề gì xảy ra với con. Nhưng chồng đã cố gắng trấn an rằng: “Sẽ không có chuyện gì đâu, ở hiền ắt sẽ gặp lành.” Khi ấy mình chỉ mong nhanh nhanh hết đêm để sáng ra có kết quả.
Và như một phép màu, buổi sáng hôm sau khám thai lại, bác sĩ nói con mình đã có mặt trong tử cung và đang phát triển bình thường. Cận kề trong khoảnh khắc mất con, mình càng trân trọng hơn việc mang thai.
Hành trình mang bầu và sinh con của mẹ Lanh.
Lịch khám thai của bạn như thế nào?
Hồi mới có bầu, mình chưa có bảo hiểm nên mỗi lần khám thai, thử máu, thử nước tiểu… đều phải bỏ tiền túi rất tốn kém. Sau đó mình đăng ký được bảo hiểm và đăng ký khám thai tại bác sĩ riêng mỗi tháng 1 lần. Trong những lần khám thai đó sẽ được thử nước tiểu, cân nặng, đo huyết áp, nhịp tim của hai mẹ con và siêu âm thai. Lần đầu tiên được nghe nhịp tim thai nhi, mình đã òa khóc vì hạnh phúc. Lần nào khám thai xong, chỉ cần bác sĩ nói con đang phát triển tốt, thai kỳ bình thường là mình mừng lắm rồi.
Rất nhiều chị em bị ốm nghén những tháng đầu, còn bạn thì sao?
Hai tháng đầu mình không hề bị nghén nhé nhưng đến tháng thứ 3 thì nghén kinh khủng. Hầu như lúc nào mình cũng có cảm giác buồn nôn, mệt mỏi. Khi ngửi bất cứ mùi gì như mùi tủ lạnh, mùi nước rửa bát, mùi cơm, mùi nước mắm và đặc biệt là mùi thịt là mình ói. Thời gian đó mình không ăn uống được gì đâu, đói thì ăn mì tôm và ăn hoa quả thôi.
Thấy mình bị nghén thế, chồng thương lắm. Ban ngày đi làm nhưng tối về là anh tranh thủ làm đủ mọi món ăn ngon cho mình. Dù lúc ấy không muốn ăn nhưng nể chồng đã mất công nấu nướng nên mình cố gắng ăn. Cũng may đến khoảng tuần thứ 18 thì ốm nghén cũng hết và mình ăn uống ngon miệng hơn hẳn. Tin vui cho vợ chồng mình khi ấy là bác sĩ thông báo hai vợ chồng sẽ có một cô công chúa. Mình vốn thích con gái nên nghe bác sĩ nói xong, mình lại khóc vì sung sướng.
Ốm nghén như thế có ảnh hưởng đến thai kỳ của bạn không? Bạn tăng cân nhiều không?
Cũng may mình chỉ ốm nghén một tháng nên không ảnh hưởng gì đến thai kỳ. Lần nào đi khám thai, bác sĩ cũng nói em bé đang phát triển tốt, thế là mình yên tâm. Hết tháng ốm nghén, mình ăn uống cũng được. Mình chủ yếu ăn thịt, trứng, sữa đặc biệt là hoa quả và ăn thành nhiều bữa nhỏ. Trong 9 tháng bầu bí, mình tăng tổng cộng 19kg.
Đồ sơ sinh bố mẹ chuẩn bị để đón bé Thủy Tiên
Đẻ ở Đức – quá tuyệt!
Chắc chắn đi đẻ ở Đức rất “sướng” bởi dịch vụ y tế ở đây hiện đại. Bạn có thể chia sẻ về chuyện đi đẻ của mình được không?
Về việc sinh nở thì ở Đức quá tuyệt vời. Mình bắt đầu đau đẻ từ 4 giờ sáng. Khi ấy, mình có cảm giác đau bụng và buồn đi ngoài. Những cơn đau cứ đến 10 phút một lần. Đến khoảng 5 giờ thì mình không thể chịu được nữa. Mình đã chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng để đi đẻ nên đến lúc ấy chỉ cần mang túi đồ đi thôi.
Khi đến bệnh viện, bác sĩ khám xong nói khoảng 8 giờ nữa mình sẽ sinh. Và đúng như lời bác sĩ nói, đến khoảng 3 giờ chiều mình được lên phòng để và vật vã thêm 2 giờ nữa thì con cất tiếng khóc chào đời. Trong những giờ cuối, vì đau quá nên mình đã xin bác sĩ được đẻ mổ nhưng bác sĩ nói mình có thể đẻ thường được. Trong suốt thời gian đau đẻ, chồng luôn ở bên cạnh mình để động viên, nhờ thế mình cũng có thêm động lực. Đến khi con chào đời, bác sĩ đặt con lên bụng thì mọi đau đớn đều tan biến đi hết. Lúc đó cả chồng và mình đều khóc nức nở vì hạnh phúc. Cảm giác thật tuyệt vời.
Phòng ốc tại bệnh viện bạn sinh nở thế nào?
Nội thất trong phòng đẻ vô cùng sạch sẽ bao gồm một bàn đẻ thường, một bồn tắm cho em bé, cân và các dụng cụ đỡ đẻ. Bên trong phòng còn có cả một bồn để phục vụ các mẹ đẻ con dưới nước nữa nhưng mình không áp dụng phương pháp này. Còn phòng sau sinh thì có 2 giường với hệ thống nội thất hiện đại: giường nằm tự điều khiến, phòng thoáng có lò sưởi và phòng vệ sinh riêng. Nói không quá nhưng mình ở bệnh viện mà như ở khách sạn 5 sao vậy.
Điều đặc biệt là thái độ của các bác sĩ và y tá ở đây rất nhiệt tình. Họ chăm sóc mình rất chu đáo từ việc tắm gội đến chăm sóc bé. Khi mới sinh xong, sức khỏe mình còn yếu nên y tá giúp mình tất cả các việc từ cho bé ăn đến thay tã bỉm cho con.
Những ngày sau sinh nở, các bữa ăn của mình đều được bệnh viện chuẩn bị nhưng chồng vẫn nấu thêm cháo ngày 2 bữa mang vào cho mình để mình sớm có sữa. Chế độ ăn tại bệnh viện thì theo thực đơn cho bà đẻ, được ăn tất cả mọi thứ, chỉ kiêng đồ tanh, đồ cay thôi.
Mẹ Hồng Lanh và bé Thủy Tiên
Bé Thủy Tiên hiện đã được 1 tháng tuổi.
Sau sinh, thèm được mẹ chăm sóc
Sinh con ở nước ngoài, chắc bạn không kiêng cữ nhiều như các mẹ Việt Nam?
Sau sinh mình có kiêng nhưng không kiêng nhiều như các mẹ ở Việt Nam. Cứ cách ngày lại tắm và gội đầu vì mình không tắm không thể ngủ được, với cả mình nghĩ cho con bú nên luôn phải sạch sẽ. Tất nhiên là có kiêng có lành nhưng không nên quá. Tất thì mình đi được đúng 1 tuần trong viện khi về nhà thì bỏ ra vì trong nhà bật lò sưởi nóng nên đi tất thì khó chịu lắm. Còn ăn uống thì mình không kiêng gì mấy vì như thế sẽ không đủ sữa cho con.
Chỉ có hai vợ chồng chăm sóc con, bạn có cảm thấy vất vả? Và bạn đã sắp xếp thời gian thế nào để vừa chăm con và mà vẫn có thời gian nghỉ ngơi?
Thời gian đầu vừa sinh xong vẫn mệt và đau nên việc chăm con có phần hơi vất vả cộng thêm 2 vợ chồng lại chưa có kinh nghiệm nên mọi thứ có phần hơi long ngóng. Những ngày mới sinh, dù được các bác sĩ và y tá chăm sóc nhiệt tình nhưng mình vẫn thèm được có bố mẹ bên cạnh để làm nũng. Lúc ấy mình chỉ ước giá có mẹ đẻ bên cạnh thì mình sẽ bớt tủi thân hơn. Nhưng cũng may chồng mình rất thương vợ con và khéo chăm sóc mình nữa nên cũng cảm thấy được an ủi.
Đến giờ, sau khi sinh nở được gần một tháng thì mình cũng quen dần vì em bé mới sinh ra chỉ ăn và ngủ nên ban ngày tranh thủ lúc bé ngủ thì mình dọn dẹp nhà cửa và nấu ăn. Còn tối đi làm về mình mệt thì chồng giúp mình trông con và thay bỉm cho con nữa. Được cái chồng mình rất khéo trong việc chăm bé và không ngại làm bất cứ việc gì, đi làm cả ngày về mệt nhưng không bao giờ cáu gắt gì hết. Cuộc sống xa nhà nhưng may có người chồng tốt nên mình cũng cảm thấy may mắn.
Cảm ơn bạn về những chia sẻ này!
2014-05-27 17:08:42
Nguồn: http://eva.vn/ba-bau/de-o-nuoc-ngoai-them-duoc-me-cham-c85a181609.html