Tăng tốc quá nhanh, không tắt máy khi dừng đèn đỏ, không về số trong những trường hợp cần thiết,… là những cách sử dụng khiến chiếc xe máy của bạn “ăn” xăng nhiều.
Tăng tốc quá nhanh sau khi chờ đèn đỏ
Đèn xanh bật lên, rất nhiều người đi xe máy vì tâm lý sốt ruột khi đã phải chờ quá lâu vặn ga hết cỡ theo thói quen để xe vọt đi. Tuy nhiên, họ không nhớ ra, càng vít ga bao nhiêu, xe càng tốn xăng bấy nhiêu.
Nếu muốn tiết kiệm, nên vặn ga từ từ cho đến khi đạt được tốc độ cần thiết. Một cú thốc ga sau dừng đèn đỏ tiêu thụ xăng gấp 4 lần so với bình thường. Tăng ga từ tốn phối hợp gài số nhịp nhàng. Việc này không những giúp tiết kiệm xăng mà còn bảo vệ động cơ và hộp số.
Phi nhanh tới đèn đỏ
Nếu nhìn thấy đèn đỏ phía trước hay biển báo dừng, việc đầu tiên bạn nên làm là giảm ga càng sớm càng tốt. Để xe từ từ lăn bánh đến đèn đỏ sẽ tiết kiệm hơn nhiều việc vặn ga sau đó lại phải dùng phanh.
Rất nhiều người biết nguyên lý này, nhưng ít ai thực hiện một cách thường xuyên.
Nếu nhìn thấy đèn đỏ phía trước hay biển báo dừng, việc đầu tiên bạn nên làm là giảm ga càng sớm càng tốt.
Đi nhanh, phanh gấp
Khi tăng ga, máy phải khắc phục sức ì của xe để tăng tốc, máy cần phát ra công suất lớn hơn nên cần nhiều xăng. Khi giảm tốc đột ngột, động năng của xe (do xăng tạo ra) chuyển thành nhiệt năng trên các bố thắng và tản vào không khí cũng làm hao xăng.
Tốt nhất là nên giữ đều tay ga, tránh tăng và giảm ga đột ngột để tránh hao xăng không đáng có. Duy trì tốc độ xe ổn định trong khoảng từ 40-60 km/h. Với hầu hết các dòng xe máy hiện có tại Việt Nam, đây là dải tốc độ mà động cơ tiêu thụ nhiên liệu ít nhất.
Để nổ máy khi dừng
Có thể bạn cho rằng khởi động lại sẽ tốn xăng hơn nhiều so với việc để động cơ chạy khi dừng. Thực tế có thể đúng nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Với hệ thống phun xăng điện tử mới được trang bị trên nhiều mẫu xe máy, mỗi lần khởi động hết rất ít xăng, trong trường hợp động cơ đã được làm nóng.
Trong khi đó, mỗi phút để xe nổ không tải sẽ tiêu tốn lượng xăng mà đáng lẽ bạn đi được gần 1 cây số nữa.
Những dẫn chứng trên không có nghĩa phải luôn tắt động cơ khi dừng xe. Nếu thời gian ngắn thì nên để xe nổ.
Mỗi phút để xe nổ không tải sẽ tiêu tốn lượng xăng mà đáng lẽ bạn đi được gần 1 cây số nữa.
Chỉnh ga-lăng-ti quá lớn
Ở các xe còn mới, số vòng quay chạy ga-lăng-ti (chạy ở chế độ không tải) của máy có thể duy trì ở số vòng quay gần tương ứng với số vòng quay mà nhà chế tạo quy định. Máy chạy ở số vòng quay này phát ra tiếng kêu rất nhẹ, nghĩa là máy chỉ chạy ở số vòng quay không cao.
Đối với xe cũ, máy đã mòn, các cơ cấu đã xộc xệch nên lực cản chuyển động tăng lên. Muốn máy hoạt động ở chế độ chạy ga-lăng-ti, phải tăng xăng cho xe để khắc phục sức cản đã tăng thêm. Do đó, ở các động cơ đã cũ, động cơ chạy ga-lăng-ti sẽ hao xăng hơn so với khi động cơ còn mới.
Để bớt hao xăng, nên chỉnh ga-lăng-ti vừa phải (chỉ cần chỉnh cho xe dễ đạp nổ hoặc dễ đề nổ). Các xe máy để ga-lăng-ti nhỏ, gặp trường hợp phải tạm dừng xe ở ngã tư khi gặp đèn đỏ thì chỉ cần trả số, giữ ga để xe không chết máy là được.
Thường xuyên đi lốp non
Thực nghiệm cho thấy khi độ căng quy định của bánh xe giảm 20% có thể làm tiêu hao xăng tăng thêm 10%. Muốn xe không hao xăng phải bơm căng bánh xe theo áp suất quy định của nhà chế tạo xe.
Các xe máy đều có ghi chú áp suất lốp trước, lốp sau tiêu chuẩn in trong sổ bảo dưỡng xe hoặc in trên chắn xích gần khu vực bánh xe sau. Áp suất lốp đủ làm xe chạy nhẹ hạn chế xe hao xăng. Thông thường đối với xe 100-110cc, áp suất lốp bơm đúng cho bánh sau là: 3Kg/cm2, bánh trước là: 2.3Kg/cm2.
Trong bất cứ trường hợp nào, tăng tốc đột ngột không bao giờ tiết kiệm.
Không chịu về số
Nhiều người, đặc biệt là phụ nữ khi đi nhanh, hay chậm lại, khi leo dốc hay gặp chướng ngại vật thường ngại về số. Đó là một thói quen gây hao xăng.
Lực ma sát của các lá côn truyền tải trong bộ nồi gần như không thay đổi. Do đó, khi xe chạy các tình huống chịu tải trọng lớn nhỏ khác nhau, người điều khiển xe cần trả số cho phù hợp với vận tốc xe cũng là phù hợp với sức tải của nồi li hợp.
Khi xe gặp dốc hoặc đi vào đường xấu cần trả về số thấp số 1 hoặc hai bậc. Khi dừng xe ở ngã tư, cần giảm ga và trả về số thấp hơn số vừa sử dụng. Khi xe khởi động lăn bánh, nên cài số ở số 1.
Lẫn lộn đường cao tốc với đường đua
Trong bất cứ trường hợp nào, tăng tốc đột ngột không bao giờ tiết kiệm. Càng đi nhanh, dòng không khí tạo nên sự cản trở khí động học càng lớn, do chênh lệch áp suất giữa phần đầu và đuôi xe.
Theo thử nghiệm của Consumer Reports, chỉ cần giảm vận tốc từ 121 km/h xuống 105 km/h, bạn sẽ đi thêm được từ 1,3 km đến 2 km cho mỗi lít xăng.
Bám đuôi xe khác
Đây là cách cầm lái tồi do nhiều yếu tố. Đầu tiên là không an toàn do tài xế giảm cơ hội xử lý khi xe trước đi chậm hoặc dừng đột ngột. Điều đó chưa kể bạn phải quan sát ở tầm gần nên không để ý tới những nguy cơ từ hai bên hông xe.
Ngoài ra, thói quen này còn khiến xe hao xăng. Mỗi khi xe phía trước nhấp phanh, bạn cũng phải thực hiện theo với số lần nhiều hơn do ở thế bị động. Sau đó bạn lại phải tăng tốc để đạt tốc độ mong muốn.
Theo các chuyên gia, bạn nên giữ khoảng cách 2 giây so với xe phía trước, bằng cách đếm thời gian xe phía trước và xe bạn vượt qua một nào đó trên đường, như cầu vượt chẳng hạn.
Đi đoạn đường ngắn
Nếu không quá cần thiết, việc làm dụng xe trên những đoạn đường ngắn sẽ tiêu hao xăng ghê gớm, do phải thường xuyên tắt – bật, tăng tốc rồi phanh và động cơ không được làm nóng lên nhiệt độ cần thiết.
Nếu bắt buộc phải đi đoạn ngắn, hãy chạy xe một đoạn khá dài để động cơ lên nhiệt độ ổn định. Sau đó bạn thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc đạt nhiệt độ vận hành giúp xe dễ khởi động, hiệu quả và bền bỉ hơn.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-05-30 15:40:33
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-cach-su-dung-khien-xe-may-an-xang-nhieu-a134380.html