Rolex nghiễm nhiên trở thành biểu tượng cho sự thành đạt của người đeo nó. Bên cạnh một người ca tụng Rolex, cũng có không ít kẻ dèm pha chê bai.
Có vài điểm ở chiếc đồng hồ này khiến nhiều người cảm thấy không hài lòng, song theo như chuyên gia đồng hồ Paul Altieri, như thế thật chẳng công bằng. Paul là nhà sáng lập kiểm chủ tịch của công ty Bob’s Watches, một “sàn giao dịch đồng hồ Rolex”, nơi những tín đồ của thương hiệu đắt giá này có thể mua, bán và trao đổi những chiếc đồng hồ hiệu Rolex đã qua sử dụng với mức giá thật của chúng.
Trong cương vị của mình, Paul tự tin phản biện lại những quan điểm đả kích thương hiệu đồng hồ mà ông vô cùng yêu quý.
Chiếc đồng hồ Rolex của tôi luôn là thứ tôi vận lên mình đầu tiên khi bắt đầu ngày mới, và cũng là thứ cuối cùng tôi tháo bỏ khỏi người. Tôi đã sử dụng nó suốt hơn 35 năm và cứ không đeo nó là tôi lại thấy thiếu thiếu. Trong suốt khoảng thời gian dài đó, tôi cũng nghe không ít những lời nhận xét tiêu cực về thương hiệu đồng hồ này, những lời chê bai cứ lặp đi lặp lại.
Dưới đây là những chỉ trích điển hình nhất về đồng hồ Rolex, cùng với những phản biện
của cá nhân tôi:
Người ta phàn nàn: “Rolex rõ là một thương hiệu kém cỏi. Quanh đi quẩn lại một kiểu đồng hồ.”
Phản biện của tôi: Rolex là thương hiệu giàu lịch sử với những thành tựu khoa học và phát minh. Thực tế, đây là một trong những nhà sản xuất đồng hồ sáng tạo nhất, ngay từ ngày đầu thành lập vào năm 1905. Danh sách những sáng kiến của hãng này vô cùng ấn tượng, với hơn một ngàn bằng sáng chế, mà nếu xét trên toàn bộ tuổi đời của hãng thì có thể nói, trung bình một tháng Rolex lại có một bằng sáng chế mới. Dưới đây chỉ là một vài gạch đầu dòng:
- Rolex giới thiệu chiếc đồng hồ đeo tay chống nước đầu tiên trên thế giới: dòng Oyster, năm 1926.
- Rolex sáng tạo chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên có khả năng tự động điều chỉnh lịch ngày: dòng Datejust, năm 1945.
- Rolex trình làng chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên hiển thị cùng lúc hai múi giờ: dòng Rolex GMT Master, năm 1954.
- Rolex là hãng sản xuất đồng hồ đầu tiên trên thế giới đạt được chứng nhận về độ chính xác trong đo lường thời gian (độ chuẩn trong khoảng -4/+6 giây trong một ngày), từ năm 1908.
Người ta chê bai: “Đồng hồ Rolex cũng chẳng có gì ghê gớm, nếu nói đến thiết kế cơ học. Chẳng qua là nó là thương hiệu.”
Phản biện của tôi: Hãng Rolex được Hans Wilsdorf thành lập vào năm 1905, và niềm tự hào, vui sướng lớn nhất đời ông đến từ chiếc đồng hồ Rolex, sản phẩm mà ông đã dày công nghiên cứu, sáng tạo.
Sứ mệnh của ông và toàn bộ công ty là ứng dụng những công nghệ kỹ thuật đột phá nhằm tạo ra những vật phẩm đo đếm thời gian hoàn hảo nhất trên thế giới – mỗi chiếc đồng hồ ra đời là một thành tựu mới của hãng. Và bởi người ta phải lao động cật lực mới có thể kiếm đủ tiền “chơi sang” hàng Rolex, vậy nên, những chiếc đồng hồ Rolex nghiễm nhiên trở thành biểu tượng đánh dấu cho một thành tựu mới đối với mỗi người sử dụng. Những người chơi Rolex
nên cảm thấy tự hào, cho những nỗ lực lao động của họ, và cho giá trị bền vững mà một chiếc đồng hồ bé nhỏ mang lại.
Có kẻ dè bỉu: “Chỉ có mấy gã trưởng giả học làm sang mới mua Rolex.”
Tôi phản đối: Bới danh sách những tín đồ của Rolex xưa nay bao gồm những nhân vật nổi danh và mang đầy tầm ảnh hưởng. Chiếc đồng hồ thứ 100.000 của Rolex được dành tặng cho Quý ngài Winston Churchil. Chiếc thứ 150.000 thì được gửi đến tận (cổ) tay Tổng thống Dwight D. Eisenhower, và cũng được xem là một trong những chiếc đồng hồ quan trọng nhất từng được tạo tác. Bên cạnh đó, hãng Rolex luôn tiên phong trong những phát kiến giúp gia tăng đặc tính chống thấm nước cho sản phẩm, vậy nên thật dễ hiểu khi nhà làm phim kiêm chuyên gia thám hiểm James Cameron đã tự tin đeo chiếc Deepsea Challenge trong chuyến khám phá đáy biển sâu của mình vào tháng 3 năm 2012. Họ nói thế nào chứ Churchill,
Eisenhower và Cameron thì chẳng ‘trưởng giả học làm sang’ chút nào.”
Và họ cũng chỉ trích: “Rolex chỉ dành cho những kẻ giàu nứt, và thương hiệu này đích thực là biểu tượng của thói tham lam.”
Tôi phản đối: Hãng Rolex được điều hành bới các quỹ tín thác thiện nguyện phi lợi nhuận. Sau khi trừ đi phần tiền chi trả cho nhân công và gia đình của người sáng lập, tất cả số tiền thu được còn lại sẽ được đem quyên góp cho các quỹ từ thiện.
Một số quỹ hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ, một số khác được dành cho giáo dục. Cha đẻ của thương hiệu Rolex lúc thiếu thời cũng là một đứa trẻ mồ côi, và điều đó đã thôi thúc ông lao động vì một tương lai tươi sáng hơn cho những trẻ em thiệt thòi.
Vào năm 1944, ông thành lập quỹ tín thác thiện nguyện của riêng mình, mang tên Quỹ Hans Wilsdorf, hiện vẫn còn duy trì hoạt động cho tới ngày nay.