Gao Yu, một phóng viên kỳ cựu nổi tiếng tại Trung Quốc, đã mất tích nửa tháng qua. Gần đây Gao Yu xuất hiện trên kênh truyền thông quốc gia, với hình ảnh được ghi lại tại phòng cảnh sát lúc bà nhận tội và xin được lãnh án trừng phạt của nhà nước.
Bà Gao bị buộc tội tiết lộ bí mật quốc gia cho các kênh truyền thông hải ngoại. Chương trình hôm 8 tháng 5 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều khán giả trong và ngoài Trung Quốc, cùng với các biện pháp đã được chính quyền áp dụng nhằm dập tắt mọi ý kiến bất đồng.
Cảnh sát Bắc Kinh đã bắt giữ nữ phóng viên 70 tuổi này vào ngày 24 tháng 4 theo lệnh của một lực lượng đặc nhiệm được thành lập tại Bắc Kinh. Lệnh bắt giữ được ban hành sau khi một “tài liệu tuyệt mật trung ương” được công bố trên một trang web hải ngoại tháng Tám vừa qua, cơ quan ngôn luận Đảng – Tân Hoa Xã đưa tin.
Bà Gao nhận tội đã nắm giữ và truyền tải tài liệu tuyệt mật đó, một hành vi mà bà thấy “vô cùng ân hận”, và vì vậy mà “xin sẵn sàng chấp nhận sự trừng phạt của luật pháp”. Bài báo cũng cho rằng bà đã có được tài liệu đó hồi tháng Sáu, đánh máy vào máy tính cá nhân của mình, rồi sau đó gửi email tới các cơ quan bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Cảnh quay cho thấy bà bị đưa vào một phòng cảnh sát nhỏ và kín để nhận tội, bà mặc bộ áo tù nhân màu cam. Khuôn mặt bà bị làm mờ đi trên màn hình vì một số lý do nào đó.
“Tôi nghĩ điều tôi đã làm là động chạm đến luật pháp, và gây tổn hại đến lợi ích quốc gia,” bà nói tiếp, trong khi lo lắng xoa xoa hai tay vào nhau. “Điều đó là sai trái”. Viên cảnh sát nghiêm nghị gật đầu. “Tôi chân thành chấp nhận bài học này và xin được nhận tội,” bà thú nhận.
Không có bản báo cáo chính thức nào giải thích rõ tài liệu bị rò rỉ kia thực sự là gì, nhưng tình huống này khá tương đồng với vụ “Tài liệu Số 9” tai tiếng được công bố rộng rãi vào năm ngoái.
“Tài liệu Số 9” được công bố bởi tập đoàn truyền thông Ming Jing có trụ sở tại Hồng Kông vào tháng Tám năm ngoái. Đây là tài liệu truyền tải chỉ thị tư tưởng mới từ Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCS Trung Quốc. Tài liệu ra chỉ thị yêu cầu các trường đại học tại Trung Quốc phải tránh xa 7 chủ đề, đó là: giá trị phổ quát, tự do báo chí, quyền công dân, xã hội dân sự, những sai lầm trong lịch sử của ĐCS, độc lập tư pháp, và “các tầng lớp tư sản”.
Các nhà quan sát trong hệ thống chính trị Trung Quốc đánh giá tài liệu này và các chiến dịch đi kèm với nó là một bước thụt lùi của lịch sử.
Đã không có một báo cáo chính thức nào giải thích đầy đủ cho “Tài liệu Số 9”, nhưng một số website của chính quyền địa phương có vẻ như đã thảo luận về nó trong tháng 05 năm ngoái. Mặc dù những mẩu tin về việc này đã bị dỡ bỏ hoàn toàn, nhưng trên Internet vẫn còn tồn tại 1 bức ảnh chụp một thông tư thông báo các quan chức tại Ủy ban Xây dựng Nông thôn của thành phố Trùng Khánh đã nghiên cứu tài liệu này..
Bên cạnh tính tuyệt mật của văn bản tài liệu, các nhà phân tích chính trị nhìn nhận việc bắt giữ và trừng phạt bà Gao Yu như một cuộc tấn công mở màn vào giới báo chí Trung Quốc. Bao Tong, người từng cố vấn chính sách cho cựu lãnh đạo của Đảng , nhà cải cách Triệu Tử Dương, đã bị lật đổ trong cuộc biến động tại Thiên An Môn năm 1989, nói rằng có rất nhiều “điều bất thường” xung quanh việc kết tội bà Gao.
“Nếu thu thập và truyền tải thông tin là tội lỗi, còn cần nghề báo làm gì?” Bao Tong nói.
Bà Gao làm việc trong ngành thông tin và truyền thông ở Trung Quốc từ năm 1979, và từng hai lần bị bắt giam vì công việc của mình. Lần đầu tiên là vào ngày 3 tháng 6, 1989, bà bị bắt và giam giữ trong hơn một năm do đưa tin về phong trào sinh viên dẫn đến vụ thảm sát ngày 3 và 4 tháng 6.
Sau đó, vào tháng 10, 1993, bà Gao lại bị giam một lần nữa và bị kết án sáu năm tù vì lý do “đưa tin về bí mật quốc gia”. Trong tháng 2,1999, bà được ân xá do sức khỏe yếu. Bà đã từng giành được rất nhiều giải thưởng báo chí quốc tế, gồm có giải Cây Bút Vàng Tự Do, giải Nhà Báo Dũng cảm do Tổ chức Truyền thông Phụ nữ Quốc tế trao tặng, giải Giải thưởng Tự do Báo chí Thế giới Guillermo Cano, và nhiều giải thưởng khác.
Một số tác phẩm của bà Gao đã dấy lên nhiều tranh cãi dữ dội bên ngoài Trung Quốc. Trong mục Deutsche Welle (Làn Sóng Đức) phiên bản trực tuyến Tiếng Trung vào tháng Một năm nay, bà Gao viết rằng một lực lượng đặc nhiệm về an ninh bí mật bên trong ĐCS năm 2012 đã “gửi tài liệu tới Bloomberg News nói về tất cả thành viên ủy ban thường trực”, ngoại trừ hai thành viên.Về sau cũng trong năm đó, Bloomberg đã công bố những tiết lộ, dựa trên các tài liệu được công khai, nói về sự giàu có của gia đình Tập Cận Bình.
Việc lợi dụng truyền hình để phát sóng các lời thú tội bị cưỡng chế đã được áp dụng rộng rãi trong suốt Cuộc Cách Mạng Văn Hóa trong những năm 1960 và những năm 1970. Nhiều trí thức Trung Quốc đã so sánh việc xử lý bà Gao Yu và những người khác với thời kỳ đó. Phương pháp này đã được Đảng sử dụng để hạ nhục những cá nhân cần xử lý, và đồng thời cũng cảnh cáo những người khác không được làm điều tương tự.
Những đối tượng khác cũng bị Đảng nhắm đến theo cách tương tự, gồm có Tiết Tất Quần (Charles Xue), một thương nhân và là nhà đầu tư chân chính người Mỹ gốc Hoa, được biết đến với bút danh Tiết Mạn Tử (Xue Manzi). Trong khi bị giam giữ hồi tháng Chín vừa qua, ông bị ép phải nhận tội qua lại với gái mại dâm. Ông Tiết cũng được nhiều người biết đến với những lời bình luận sắc bén và sắc sảo về ĐCS, với hàng triệu fan theo dõi trên mạng. Ông kêu gọi tự do ngôn luận và dân chủ ở Trung Quốc.
Chen Yongzhou, một phóng viên cho 1 tờ báo tại tỉnh Quảng Châu, cũng bị đưa lên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc để thừa nhận đã nhận hối lộ khi đưa những “tin tức giả mạo” cáo buộc tham nhũng tại các doanh nghiệp sản xuất thiết bị xây dựng quốc doanh Zoomlion. Trước khi bị đưa ra xét xử, Chen cũng bị buộc phải nhận tội trên truyền hình quốc gia, đây là một chuỗi các sự kiện mà các luật sư tại Trung Quốc cho là không thỏa đáng.
Theo Vietdaikynguyen