Phương Quan Thừa (1696~1789) tự Nghi Điền, người thành An Huy triều đại nhà Thanh. Từ một bình dân không xu dính túi, không qua khoa cử, không có quân công, bỗng trở thành một viên Đại tướng nắm giữ chính quyền một phương nơi biên cương, làm quan đến Tổng Đốc Trực Đãi, Thái Tử Thái Bảo, là một đại danh thần triều Thanh, một trong “Ngũ Đốc Thần” của vua Càn Long.
Năm Khang Hi thứ năm mươi, đã xảy ra một nạn lớn làm khiếp sợ vua và dân mang tên “Nam Sơn Tập”, gia tộc họ Phương liên quan đến trong đó, bị đả kích trầm trọng, nên cao tổ, ông cố, ông nội, cha của Phương Quan Thừa, bốn đời đều bị sung quân nơi biên cương; Phương Quan Thừa và anh trai Phương Quan Vĩnh còn nhỏ, miễn sung quân. Không thể không nương nhờ tại chùa Thanh Lương Sơn ở Nam Kinh, từ đó trở thành cô nhi dựa vào tiếp tế của tăng nhân mà sống.
Đợi đến lúc Phương Quan Thừa và anh lớn tuổi hơn một chút, bởi vì mong nhớ cha ông, nên đi bộ vạn dặm, qua lại giữa Hắc Long Giang và Nam Kinh. Nghìn núi vạn sông, thường ngày đi trăm dặm, không một bữa cơm.
Một năm nọ, trong một lần lên bắc thăm người thân, Phương Quan Thừa đi một mình trên đường tại Sơn Đông, đúng lúc Thẩm Đình Phương người Hàng Châu và Trần Tiêu người Hải Nam cũng cùng nhau đón xe đến kinh đô dự thi, hai người nhìn thấy Phương Quan Thừa tuổi trẻ lại một đường đi bộ, áo quần xộc xệch, mệt mỏi rã rời, nhưng tài hoa xuất chúng, cử chỉ đoan nghiêm, không khỏi hỏi thăm, trong lúc nói chuyện với nhau, Thẩm Đình Phương và Trần Tiêu biết được thân thế trải nghiệm của Phương Quan Thừa, vô cùng cảm thông, vì vậy mời Phương Quan Thừa lên xe cùng đi.
Nhưng thùng xe nhỏ hẹp, chỉ có thể chở hai người, cho nên họ quyết định trên đường đi mỗi người thay nhau đi bộ ba mươi dặm, ngồi xe sáu mươi dặm. Ba người cứ như vậy một đường phong trần đến kinh thành. Lúc hai người Thẩm, Trần và Phương Quan Thừa chia tay nhau, lại đưa cho Phương Quan Thừa một bộ đồ mới và nón lá, để phòng cái lạnh trên đường.
Vài thập niên sau, thân đã trở thành đại tướng nơi biên cương, Phương Quan Thừa biết được Thẩm Đình Phương (Hậu quan Viện Hàn Lâm biên tu, ngự sử), Trần Tiêu (hậu quan tỉnh Vân Nam) vào kinh thành báo cáo công tác dọc đường có đi qua phủ nơi ông đóng quân, liền lập tức phái người đem hai người Thẩm, Trần đến quý phủ, người xưa gặp lại cảm xúc vạn phần, nhịn không được nước mắt tuôn rơi. Đây là đoạn sau câu chuyện.
Lại nói đoạn Phương Quan Thừa mỗi năm lại đến phía bắc Vạn Lý Trường Thành thăm hỏi phụ thân, đều là một mình đi bộ vạn dặm mà không cảm thấy vất vả, mọi người cùng quê đều kính trọng ông, nhưng nhà ông dần dần nghèo khó. Về sau, có một lần trên đường trở về ông đã dùng hết lộ phí, đành phải đi về Ninh Ba hướng đông tìm một người họ hàng làm quan, hy vọng được trợ giúp một chút.
Đến Ninh Ba, sắp bước sang năm mới. Phương Quan Thừa nhìn thấy người giữ cửa trước nhà người thân đều mặc áo khoác bằng da người Hồ, vênh váo hung hăng, mà bản thân lại quần áo tả tơi, chỉ sợ khi gặp sẽ bị quát mắng, vì vậy không dám tiến lên phía trước. Sau đó, một đồ tể (người làm nghề giết mổ gia súc) thu lưu ông, để ông ghi nợ giúp, khi vào rừng lại tặng ông ít tiền và áo quần.
Phương Quan Thừa từ biệt người đồ tể, lúc đi qua Hàng Châu, một vị thầy bói xem tướng trông thấy ông, lập tức đứng dậy thở dài nói: “Quý nhân đến.” Phương Quan Thừa tức giận nói: “Ta không xem tướng, cớ gì trêu chọc ta!” Thầy tướng số vội vàng thu thập sạp hàng, dẫn ông đến trong một miếu chùa, mời ông ngồi xuống, rồi nói: “Ngươi đến năm nọ sẽ làm quan, làm đến Tổng Đốc, bây giờ quan tinh đã hiển lộ, ngươi cần chạy nhanh đến kinh thành bắt lấy kỳ ngộ, không nên bỏ qua.”
Phương Quan Thừa thở dài nói: “Tôi sắp thành ăn mày rồi, kiếm miếng cơm ăn còn khó sao đủ để lên phía Bắc chứ!” Thầy tướng số nói: “Cái này không khó.” Ông lập tức về nhà cầm hai mươi lượng bạc, đưa cho Phương Quan Thừa, và một trang giấy có ghi sẵn tên một người, nói: “Tương lai có người tên này làm thống lĩnh trong quân làm hỏng việc quân cơ bị chém đầu, cầu ngươi cứu vớt hắn, chính là báo đáp ta vậy.”
Phương Quan Thừa đi vào kinh thành, lại dùng hết tiền, bất đắc dĩ đành phải dựng sạp làm thầy bói sống tạm. Một ngày, Vương gia Phúc Bành của Mãn Thanh trên đường vào triều, đi qua cửa Đông Hoa, kinh ngạc khi nhìn thấy công lực thư pháp viết trên chiêu bài xem bói của Phương Quan Thừa, ngừng kiệu nói chuyện, phát hiện Phương Quan Thừa là một người có kiến thức không giống học trò thế gia bình thường, lập tức mời ông đến làm phụ tá trong phủ, nhận lễ tri ngộ.
Năm Ung Chính thứ mười (năm 1732), Phúc Bành 24 tuổi được nhậm chức Định Biên Đại Tướng Quân, xuất chinh đến Chuẩn Cát Nhỉ. Ông lập tức thượng tấu muốn mời Phương Quan Thừa làm thư ký riêng, theo quân xuất chinh. Hoàng Đế Ung Chính ngạc nhiên về trải nghiệm của Phương Quan Thừa, sau khi triệu kiến hỏi thăm, liền phong làm Trung Sách.
Không đến mười năm, Phương Quan Thừa liền đảm nhiện Tổng Đốc Thiểm Cam, quả nhiên có một tổng binh giống với tên thầy tướng số đã đưa. Người tổng binh này làm hỏng việc quân cơ bị hoạch tội, Phương Quan Thừa dốc lòng giúp người này giải vây, sau khi hỏi thăm thân thế kỹ càng, mới biết được người này chính là con trai của thầy tướng số.
Năm Càn Long thứ hai mốt, Phương Quan Thừa trở về đảm nhiệm Tổng Đốc Trực Đãi. Phương Quan Thừa đảm nhiệm tổng đốc Trực Đãi hơn hai mươi năm, về sau chỉ còn lại cánh tay chống đỡ giang sơn Đại Thanh lung lay sắp đổ Lý Hồng Chương, có nhiệm kỳ dài hơn ông.
Từ đó mà xem, lúc Phương Quan Thừa gặp rủi ro, thầy tướng số đã nhìn ra quan tinh của ông đã hiển lộ, cần phải chạy vào kinh thành bắt lấy kỳ ngộ. Cho đến việc con trai mình làm tổng binh, hỏng việc quân cơ, cầu ông cứu giúp, về sau hết thảy đều ứng nghiệm; vận mệnh là định trước vậy đấy, là bạn thì nhất định là bạn. Thầy tướng số kia, xem như có ánh mắt trong cõi trần, có thể thấy rõ thiên cơ, lại cam nguyện lưu lạc tại giang hồ làm người buôn bán nhỏ, thật khiến để người ta than thở !
(còn tiếp)
Theo Việt Đại Kỷ Nguyên