Phát biểu sáng nay (16/5) tại diễn đàn phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cho hay, thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính lớn của thế giới như Golman Sachs đã đến và thương thảo, đề nghị liên doanh với TH True Milk, song doanh nghiệp này đã từ chối.
“Tôi không liên doanh với tổ chức nước ngoài. Vì liên doanh nghĩa là trao cho nước ngoài một phần đất đai của Tổ quốc”, bà Hương nói.
Bà Thái Hương cũng cho hay, định hướng của TH True Milk là cứ 3 tỉnh sẽ phát triển một cụm trang trại bò sữa và trồng, chiết xuất dược liệu. Hiện TH True Milk đã trồng và chiết xuất dược liệu. Dự kiến, tháng 7/2015, tập đoàn này sẽ tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm dược liệu tại Mỹ và sẽ bán sản phẩm dược liệu TH tại Việt Nam vào tháng 10/2015.
Lý giải nguyên nhân sang tận Mỹ làm thương hiệu, bà Hương cho biết, làm thương hiệu tại Việt Nam “quá khổ, quá vất vả” và chi phí bỏ ra quá nhiều. Chi phí quảng cáo mà TH phải chi ra khoảng 10-15%.
Nhiều ngân hàng “quay lưng” với TH True Milk
Nhấn mạnh nông nghiệp công nghệ cao là chìa khóa vàng cho ngành nông nghiệp và cả nền kinh tế, đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập thế giới, song bà Hương cũng cho rằng, đang có sự “ách tắc ở đâu đó trong khâu chính sách”. Trên thực tế, Nghị quyết TW7 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tam nông và nông nghiệp công ngệ cao, song trên thực tế, doanh nghiệp vẫn khó khăn trong khi triển khai các dự án, nhất là về đất đai và về vốn.
“Hệ thống ngân hàng từ năm 2010 đến nay đã có sự đột phá lớn về cho vay nông nghiệp, nhất là trong giai đoạn 2013-2014, hầu như tỉnh nào cũng có mặt lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước trong hỗ trợ tam nông. Tuy nhiên, theo tôi thấy, các ngân hàng nhìn nhận chưa đồng đều về tín tín dụng nông nghiệp. Dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ định các ngân hàng tham gia cho vay nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn nhiều ngân hàng quay lưng lại với chúng tôi”, bà Hương cho biết.
Dù vậy, cũng theo bà chủ TH True Milk, với chính sách của cho vay trọn gói của Ngân hàng Nhà nước, dòng vốn ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đang dần được khơi thông.
“Đề nghị cần có gói cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao, không cho vay theo từng giai đoạn, không cho vay hợp vốn. Vì mỗi ngân hàng có một mục tiêu khác nhau, nếu ngân hàng A cho vay nhưng ngân hàng B chưa cho vay thì dự án vẫn nằm im ở đó”.
Tuy nguồn lực vốn đã cơ bản được giải quyết, song điều khó nhất với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao hiện nay, theo bà Thái Hương là chính sách đất đai. Và để giải quyết vấn đề “rất khó, song cũng rất dễ” này, theo bà Hương, cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương với các chính sách đột phá.
Đặc biệt, bà Hương cho rằng, Nhà nước cần phải triệt để thu thuế đất để tránh hiện tượng “ôm” đất song không sử dụng tại các nông lâm trường quốc doanh, gây lãng phí.